Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: phương án phân luồng mới có hiệu quả

Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi: phương án phân luồng mới có hiệu quả
4 giờ trướcBài gốc
Đảo giao thông xóa xung đột
Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi là một trong những khu vực có mật độ phương tiện cao nhất của Hà Nội. Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, lưu lượng phương tiện qua nút giao cao gấp 3,5 - 5 lần thiết kế; riêng đường Vành đai 3 trên cao quá tải gấp 9 lần thiết kế.
Do tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra trong bối cảnh lượng phương tiện cá nhân không ngừng tăng cao từng ngày, Sở GTVT Hà Nội đã lập phương án điều chỉnh tổ chức giao thông qua nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, thí điểm từ ngày 18/1 vừa qua.
Nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi giảm nhiệt ùn tắc ngày 21/1.
Cụ thể, bổ sung một đảo trung tâm để xóa xung đột giao thông ở khu vực giữa nút giao, dưới gầm cầu cạn Vành đai 3. Đồng thời hình thành nên 4 nút giao nhỏ có đèn tín hiệu từ 4 hướng chính lưu thông qua nút để điều tiết lưu lượng; lắp đặt 16 camera ghi hình xử phạt nguội nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
TS Vương Xuân Cần - giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, phương án tổ chức giao thông thí điểm đã được tính toán với sự hỗ trợ của mô phỏng giao thông, thông qua khảo sát thực tế sau ba ngày thí điểm, bước đầu phương án thí điểm có tác động tích cực đến mục tiêu hạn chế ùn ứ trong khu vực nút giao.
Thạc sĩ Vũ Trọng Thuật - giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải nhận định, trục đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển theo cả 2 chiều có đường dẫn đường Vành đai 3 trên cao tạo thành những nút thắt cổ chai, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực thông hành của nút giao thông.
Lưu lượng xe qua nút giao luôn ở tình trạng rất cao kể cả vào các giờ thấp điểm chung của TP, dẫn đến ùn ứ giao thông, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều người tham gia giao thông ý thức chưa cao, khiến giao thông thêm phần hỗn loạn.
“Phương án tổ chức giao thông thí điểm đã tập trung giải quyết các vấn đề: nâng cao năng lực thông hành; giảm thời gian trễ, cải thiện trật tự ATGT… trong đó năng lực thông hành là chỉ tiêu quan trọng và luôn được quan tâm hàng đầu” - Thạc sĩ Vũ Trọng Thuật nói.
Anh Nguyễn Cao Sơn (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết: “Những ngày qua nhiều ý kiến cho rằng, nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển ùn tắc nặng suốt ngày đêm do đảo giao thông trung tâm chiếm một phần đường lưu thông là không đúng. Thực tế tôi đi qua thấy rằng, nhờ có đảo giao thông trung tâm này, các dòng xe không còn cắt mặt nhau, dồn ứ thành đống không lối thoát như trước”.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Ban đầu người dân khá bỡ ngỡ do phương án lưu thông mới không còn được cắt qua nút nên di chuyển khá chậm, nhưng chỉ sau vài ngày đã quen, việc xe không cắt qua nút sẽ giảm thiểu được xung đột giao thông từ các hướng, cải thiện an toàn”.
Năng lực thông hành tăng 18%
Lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội cho biết, kết quả sơ bộ sau ít ngày thí điểm phương án tổ chức cho thấy người dân đã dần quen và năng lực thông hành qua nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đã tăng lên đáng kể.
Cụ thể, năng lực thông hành qua nút lớn vào giờ cao điểm sáng đã tăng 18,3%; khung giờ bình thường tăng khoảng 8% so với trước đây. Chu kỳ đèn trong giờ cao điểm giảm xuống so với hiện trạng khoảng 11%, giờ bình thường giảm 12,5%. Nút giao trật tự hơn, giảm được xung đột tiềm tàng. Giảm thời gian trễ cho các phương tiện đã đi vào trong nút giao.
Vị đại diện Ban cho biết thêm, phương án thí điểm chế độ điều khiển đèn cho 4 khung giờ khác nhau gồm: cao điểm sáng; ngoài giờ cao điểm; cao điểm chiều; và giờ buổi tối.
TS Vương Xuân Cần cho biết, qua quan sát thực tế mấy ngày qua, chu kỳ đèn lớn nhất là 160 giây, chu kỳ đèn thấp nhất là 120 giây. Như vậy, chu kỳ đèn vào giờ cao điểm của phương án thí điểm đã giảm so với trước đây 20 giây (giảm 11.11%).
Thời gian chuyển pha ở phương án thí điểm khoảng 7 giây giúp nút giao thông được quét sạch hơn, hạn chế xung đột tiềm tàng trong quá trình chuyển pha, khiến nút trật tự và an toàn hơn.
Tuy nhiên, do phương tiện tham gia giao thông các tuyến đường vào nút rất lớn, có thể xuất hiện ùn ứ ở ngoài nút giao, cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu điều chỉnh thời gian đèn xanh phù hợp với từng hướng trên cơ sở thu thập được lưu lượng xe qua hệ thống camera, bổ sung các phương án phân luồng và tổ chức giao thông từ xa và tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chu kỳ, thời gian đèn xanh ở các nút giao thông liền kề để tạo ra sự điều khiển nhịp nhàng hơn.
Ghi nhận thực tế của Kinh tế & Đô thị trong ngày 21/1 cho thấy, giờ cao điểm sáng và hầu hết các khung giờ trong ngày, ùn tắc giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển đã giảm rõ rệt. Người dân đã nắm bắt đầy đủ hơn thông tin phân làn, phân luồng, cảnh lưu thông lộn xộn, chen chúc, giành giật nhau đã giảm hẳn.
Đặc biệt, xung quanh nút giao nói trên, Sở GTVT Hà Nội đã có biển cảnh báo rõ các tuyến đường, vị trí có camera ghi hình xử phạt nguội nên người dân đã tuân thủ, chấp hành tốt hơn luật giao thông, trật tự được duy trì đều đặn trong cả ngày.
Mặt khác, những ngày qua nhu cầu đi lại của người dân gia tăng đột biến vào dịp cận tết, dẫn đến áp lực giao thông đè nặng lên hầu hết các tuyến đường nội thành Hà Nội. Ùn tắc giao thông tại nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, cũng như nhiều nút giao khác, là khó tránh khỏi.
Thực tế là nhiều ngày trước khi phương án tổ chức giao thông mới được áp dụng, lưu lượng phương tiện qua nút giao nói trên vẫn đông đúc, ùn ứ kéo dài đến quá 12 giờ đêm. Trong khi đó, ngày 21/1, sau 3 ngày áp dụng phương án mới, được hướng dẫn cụ thể, người dân đã dễ dàng lưu thông qua nút hơn, ùn tắc giảm rõ rệt.
Điều đó cho thấy phương án tổ chức giao thông mới đã bước đầu phát huy hiệu quả. Thời gian tới vẫn cần khảo sát, điều chỉnh thêm để phương án tổ chức giao thông cho nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi hiệu quả hơn nữa.
Ngọc Hải
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nut-giao-khuat-duy-tien-nguyen-trai-phuong-an-phan-luong-moi-co-hieu-qua.html