Nghị định 168: Chuẩn mực mới cho an toàn giao thông

Nghị định 168: Chuẩn mực mới cho an toàn giao thông
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Chỉ sau hơn một tháng triển khai, những con số thống kê đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ ngày 25-1 đến 10 giờ ngày 2-2), toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tai nạn giao thông đã giảm 258 vụ (-36,69%), số người chết giảm 126 người (-37,61%) và số người bị thương giảm 232 người (-38,34%).
Trước đó, trong nửa tháng đầu tiên thực hiện Nghị định 168 (từ ngày 1 đến 14-1), toàn quốc ghi nhận 681 vụ tai nạn, 365 người chết và 453 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, số vụ giảm 355 (-34,27%), số người chết giảm 47 (-11,41%) và số người bị thương giảm 426 (-34,24%). Những con số biết nói này chính là bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy tác động tích cực của Nghị định 168 trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thực tế giao thông trên cả nước cũng phản ánh những chuyển biến tích cực. Những điểm nóng vi phạm tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể tình trạng vượt đèn đỏ, lấn làn, dừng đỗ sai quy định. Nếu trước đây, nhiều người vẫn mang tâm lý “lách luật”, thì nay, việc tuân thủ tín hiệu giao thông đã trở thành hành vi tự giác, ngay cả khi không có lực lượng chức năng giám sát. Đây chính là bước tiến quan trọng trong việc hình thành văn hóa giao thông kỷ cương, nền tảng của một xã hội văn minh.
Tuy nhiên, khi những hiệu quả tích cực đang dần hiện hữu, một số đối tượng lại cố tình bóp méo sự thật, tung tin sai lệch nhằm gây hoang mang dư luận. Họ phóng đại những tình huống cá biệt để quy chụp rằng Nghị định 168 gây ùn tắc giao thông, dựng lên câu chuyện “giăng bẫy” xử phạt, xuyên tạc về mức phạt cao để kích động tâm lý phản đối. Nhưng thực tế đã phủ nhận hoàn toàn những luận điệu này.
Trước hết, lực lượng chức năng không xử phạt các trường hợp vi phạm do lỗi đèn tín hiệu, mà luôn phối hợp kiểm tra camera để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Những trường hợp vượt đèn đỏ vì lý do chính đáng, như nhường đường cho xe ưu tiên, đều được xem xét hợp lý. Không có chuyện xử phạt vô căn cứ như những lời lẽ xuyên tạc đang cố tình gieo rắc.
Ngoài ra, mức xử phạt cao không phải là nhằm tăng thu ngân sách, mà là biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng con người. Một xã hội văn minh không thể dung túng cho sự tùy tiện, cẩu thả khi tham gia giao thông. Nếu không có chế tài đủ mạnh, làm sao có thể ngăn chặn những tai nạn thương tâm?
Ở các nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Đức, chế tài xử phạt giao thông rất nghiêm khắc, nhưng đổi lại, họ có một môi trường giao thông an toàn, trật tự. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia cũng đã áp dụng hình thức xử phạt cao đối với hành vi vi phạm, giúp giảm đáng kể tình trạng tai nạn giao thông. Việt Nam muốn đạt được điều đó, không còn cách nào khác ngoài việc siết chặt kỷ cương và nâng cao ý thức chấp hành luật lệ.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là: không ai bị xử phạt nếu họ không vi phạm. Một người tuân thủ luật giao thông hoàn toàn không có gì phải lo lắng về mức phạt cao. Hơn nữa, nếu có trường hợp xử phạt không khách quan, người dân có quyền phản ánh lên cơ quan chức năng. Các kênh tiếp nhận ý kiến công khai, các ứng dụng giám sát giao thông đều đang hoạt động để đảm bảo sự minh bạch và công bằng. Không có chuyện người dân bị “bắt chẹt”, bởi mọi quyết định xử phạt đều dựa trên bằng chứng rõ ràng.
Nghị định 168 không phải là một rào cản, mà là một bước tiến quan trọng để thiết lập trật tự giao thông, bảo vệ sinh mạng con người. Những con số giảm sâu về tai nạn, những đổi thay tích cực trên đường phố, tất cả đã nói lên một sự thật không thể chối cãi: nghị định này đang đưa giao thông Việt Nam vào nền nếp, vì sự an toàn của toàn xã hội.
Một môi trường giao thông văn minh, kỷ cương không chỉ là trách nhiệm của lực lượng chức năng, mà của tất cả mọi người. Nếu chúng ta thực sự mong muốn một xã hội an toàn hơn, không có cách nào khác ngoài việc chấp hành luật lệ. Chỉ khi mỗi cá nhân thay đổi, giao thông Việt Nam mới có thể chuyển mình, hướng tới một tương lai trật tự và văn minh hơn.
TRỌNG NGHĨA
Nguồn Kiên Giang : https://baokiengiang.vn/ban-luan/nghi-dinh-168-chuan-muc-moi-cho-an-toan-giao-thong-24389.html