Nghị định 168, 'liều thuốc' hữu hiệu chấn chỉnh văn hóa giao thông

Nghị định 168, 'liều thuốc' hữu hiệu chấn chỉnh văn hóa giao thông
4 giờ trướcBài gốc
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực.
Những thay đổi mang tính đột phá
Việc ban hành Nghị định 168 là một bước đi đúng đắn và cần thiết trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ tại Việt Nam. Đây là một nghị định mang tính đột phá, không chỉ điều chỉnh mức xử phạt mà còn nhắm đến việc thay đổi căn bản hành vi của người tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Quảng Ninh).
Tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm phổ biến, có nguy cơ cao không chỉ phản ánh quyết tâm của Chính phủ mà còn gửi đi thông điệp rõ ràng: Pháp luật sẽ không khoan nhượng với các hành vi coi thường tính mạng, sức khỏe của cộng đồng. Với mức phạt lên tới 18-20 triệu đồng đối với ô tô vượt đèn đỏ và 4-6 triệu đồng đối với xe máy, Nghị định 168 đã đặt ra một “hàng rào pháp lý” mạnh mẽ nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho cộng đồng và chính bản thân người thân người tham gia giao thông.
Đồng thời, cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX) cũng là một biện pháp cực kỳ hữu hiệu, không chỉ xử lý tức thời mà còn có tác dụng răn đe lâu dài. Người vi phạm sẽ không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị thu hồi GPLX nếu điểm trừ đạt ngưỡng quy định. Điều này khuyến khích người dân tự giác tuân thủ các quy định giao thông hơn, bởi hậu quả của vi phạm sẽ không còn dừng lại ở việc nộp phạt.
Chỉ trong nửa tháng đầu tiên thực hiện, Nghị định 168 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, minh chứng cho tính đúng đắn của nghị định quan trọng này. Theo cơ quan chức năng, số lượng vi phạm đã giảm tới hơn 11,5% so với thời gian liền kề trước đó, trong khi tai nạn giao thông giảm mạnh ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông giảm hơn 34%, số người chết giảm hơn 11%, và số người bị thương giảm gần 40%. Những con số này khẳng định, Nghị định 168 không chỉ là một văn bản pháp lý mà còn là một công cụ hữu hiệu làm thay đổi đáng kể hành vi của người tham gia giao thông chỉ sau thời gian rất ngắn đưa vào thực tiễn.
Phản bác những luận điệu xuyên tạc
Mặc dù đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội là thế, vẫn có không ít ý kiến cho rằng Nghị định 168 là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, hoặc mức phạt cao của nghị định này là không hợp lý. Dễ thấy những lập luận này, không chỉ thiếu căn cứ mà còn có dấu hiệu xuyên tạc nhằm gây hoang mang, kích động dư luận quần chúng nói chung.
Trước hết cần hiểu rằng, tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố như tốc độ đô thị hóa, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu, hay ý thức tham gia giao thông kém. Việc đổ lỗi cho Nghị định 168 là phiến diện và không hợp lý. Trên thực tế, các quốc gia phát triển dù có hệ thống giao thông hiện đại cũng không tránh khỏi ùn tắc, đặc biệt trong các dịp lễ hoặc giờ cao điểm.
Thứ hai, mức phạt cao không nhằm mục đích gây khó khăn cho người dân mà để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Những người tuân thủ luật giao thông sẽ không bị ảnh hưởng bởi các mức phạt này. Chỉ những hành vi như vượt đèn đỏ, đi xe trên vỉa hè hay không nhường đường cho xe ưu tiên mới bị xử lý nghiêm. Do đó, phản ứng tiêu cực từ một số cá nhân thường xuyên vi phạm không phản ánh ý chí chung của cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở các ý kiến sai lệch trên, một số đối tượng thù địch, bất mãn còn không từ thủ đoạn nào để lợi dụng chính sách pháp luật mới xuyên tạc rằng việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông nhằm mục đích tăng nguồn thu ngân sách. Đây thực sự là luận điệu nguy hiểm, thiếu căn cứ, đi ngược lại với mục tiêu thực sự của chính sách.
Theo Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ, số tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số xe được sử dụng để xây dựng hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hoàn toàn không nhằm mục đích tăng thu ngân sách nhà nước. Mục tiêu chính của việc tăng mức xử phạt là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu hành vi vi phạm giao thông, qua đó góp phần bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Những luận điệu như "cố ý để đèn giao thông hỏng để bẫy người vi phạm", hay "phạt người đi trên vỉa hè là đánh vào dân nghèo" không chỉ phi logic mà còn mang tính xuyên tạc nhằm làm suy giảm lòng tin của người dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước. Những giọng điệu này cố tình bỏ qua thực tế rằng việc tăng mức xử phạt chỉ tác động đến nhóm nhỏ những người thiếu ý thức, thường xuyên vi phạm, trong khi không ảnh hưởng gì đến đại đa số người dân chấp hành tốt. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ khác như đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ tự động hóa, phát triển phương tiện công cộng, tái phân bố dân cư, và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Do đó, các quan điểm xuyên tạc về chính sách mới này không chỉ phi lý mà còn phản ánh thái độ chống đối, thiếu thiện chí, phục vụ mục đích gây chia rẽ nội bộ và phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chính sách tăng chế tài là cần thiết và đúng đắn, vừa nhằm giảm vi phạm giao thông, vừa bảo đảm an toàn và trật tự xã hội, phù hợp với lợi ích chung của quốc gia và cộng đồng.
Bước đi đúng đắn cho tương lai giao thông
Một xã hội văn minh đòi hỏi ý thức tự giác và trách nhiệm từ mỗi cá nhân. Việc tuân thủ luật lệ giao thông không chỉ là nghĩa vụ pháp luật mà còn là hành động thể hiện sự tôn trọng tính mạng của chính mình và những người xung quanh.
Có thể nói, ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP là một bước tiến lớn trong công cuộc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam. Việc ban hành nghị định này không chỉ đúng đắn mà còn kịp thời, góp phần thay đổi hành vi giao thông của người dân, giảm thiểu tai nạn và xây dựng một môi trường giao thông an toàn hơn.
Cả đất nước đang dành mọi nguồn lực để hướng đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nên chỉ có tuân thủ pháp luật, nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân mới tạo nên một xã hội giao thông văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng một quốc gia an toàn, thịnh vượng và đáng sống.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực.
Nghị định này quy định về:
Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm: hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Mức trừ điểm giấy phép lái xe đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
Thế Duy
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nghi-dinh-168-lieu-thuoc-huu-hieu-chan-chinh-van-hoa-giao-thong-369860.html