Ngày 8/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2024 và thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.
Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã cụ thể hóa Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, giải quyết vướng mắc trong quá trình quản lý về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thời gian qua, thể hiện qua một số điểm nổi bật.
Ban chấp hành Hội Luật gia lần VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 ra mắt, hứa hẹn
Một là, cụ thể hóa Quyết định số 118-QĐ/TW, Nghị định mới quy định cấp có thẩm quyền của Trung ương, địa phương giao nhiệm vụ cho hội trong phạm vi hoạt động theo từng cấp (Điều 8); Quy trình hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với nhiệm vụ được giao (Điều 27); Quy trình giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, địa phương (khoản 2, khoản 3 Điều 39).
Hai là, quy định về cơ sở dữ liệu về hội: Thể chế hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị định mới có riêng một điều quy định về cơ sở dữ liệu về hội phục vụ cho công tác quản lý nhà nước mà Nghị định số 45/2010/NĐ-CP chưa quy định.
Ba là, về thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội (Điều 15, trong đó có thẩm quyền phê duyệt điều lệ hội của Thủ tướng Chính phủ): Tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thành lập và quản lý hội: Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền để Chủ tịch UBND cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.
Để thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về hội quần chúng và Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã quy định mới về điều khoản phân cấp thành lập và quản lý hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cụ thể như sau: Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh. Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã. Đồng thời, bổ sung nội dung sử dụng chung điều lệ đối với tất cả các hội có cùng lĩnh vực hoạt động chính (khoản 5 Điều 21) để thể chế hóa Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị quy định: “Nếu các hội ở cấp dưới thống nhất thừa nhận điều lệ của Hội ở Trung ương thì không cần xây dựng điều lệ riêng”.
Bốn là, về tài chính, tài sản của hội: Nghị định số 45/2010/NĐ-CP chưa quy định vấn đề này. Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về các khoản thu, chi, quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê của hội nhằm đáp ứng nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, tự đảm bảo kinh phí và để đảm bảo tính chặt chẽ trong công tác quản lý tài sản, tài chính của hội theo quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán, thống kê.
Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (giữa) và ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội (bìa trái) tặng hoa chúc mừng tân hội viên, ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội
Năm là, quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ: Quy định trước đây có 1 chương quy định về hội có tính chất đặc thù, tuy nhiên, để thể chế hóa quy định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã bỏ tên gọi hội có tính chất đặc thù, dành 1 chương để quy định về các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Một trong những điểm nổi bật của chương này là đã có quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội.
Sáu là, thể chế hóa Điều 2, Điều 3, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Quyết định số 118-QĐ/TW của Ban Bí thư, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định cơ quan lãnh đạo của hội gồm đại hội, ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực hội (Điều 41); quy định về tiêu chuẩn chủ tịch, phó chủ tịch và quy trình nhân sự đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (Điều 42); đồng thời quy định cụ thể số lượng phó chủ tịch chuyên trách và không chuyên trách để tránh việc bầu quá nhiều cấp phó, phù hợp với chủ trương của Đảng và đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Vấn đề đặt ra là ngoài những quy định mang tính pháp lý để hội thực hiện, Nghị định số 126/2024/NĐ-CP còn quy định những nội dung mà các tổ chức hội thực hiện theo quy định của điều lệ hội hoặc quy định của cấp có thẩm quyền như: Tiêu chuẩn cụ thể hội viên chính thức, hội viên liên kết, hội viên danh dự (Điều 7); hay như điểm c khoản 7 Điều 22: ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện chung quy định tại điểm a, điểm b khoản này, hội quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ của chủ tịch hội phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội; khoản 8 Điều 22: tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của phó chủ tịch hội, tổng thư ký, thành viên ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra do điều lệ hội quy định phù hợp với quy định của pháp luật.
Hoặc tại Điều 42: Chủ tịch hội phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của khoản 7 Điều 22 Nghị định này và quy định của cấp có thẩm quyền về sức khỏe, độ tuổi, nhiệm kỳ. Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện đối với chủ tịch hội, hội quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với phó chủ tịch hội và đảm bảo độ tuổi, sức khỏe, nhiệm kỳ theo quy định của cấp có thẩm quyền. Quy trình nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền,...
Infographic về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18 năm 2024 - 2025
Như vậy, các tổ chức hội cần phải chủ động phối hợp với các cấp chính quyền dự thảo điều lệ quy định cụ thể những nội dung do điều lệ hội quy định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác các cấp có thẩm quyền cần ban hành những quy định ngoài khung pháp lý của điều lệ hội như Nghị định số 126/2024/NĐ-CP đã nêu: Quy trình nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ban kiểm tra, chủ tịch, phó chủ tịch hội thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền (khoản 3 Điều 42),...
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP đã kịp thời thể chế các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hội, cũng như giải quyết được những vấn đề không thống nhất giữa quy định của Đảng và quy định của pháp luật về quản lý hội, là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để giải quyết các vấn đề đang vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn quản lý hội; đổi mới và nâng cao phương thức hoạt động của hội theo hướng tự chủ, tự quản, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và thực tiễn đang diễn ra.
N.V.T