Bước chân tập tễnh kiên cường
“Ở xã Đông Quang này, nhắc đến ông Xuyến thương binh là nhắc đến một người đầy bản lĩnh, nghị lực, thực sự là tấm gương vượt qua thương tật để sống có ích, vì cộng đồng. Đôi chân tập tễnh của ông không bao giờ chịu dừng bước, luôn hăng hái trong các hoạt động của thôn, của xã”, đồng chí Vũ Duy Đoan, Bí thư Đảng ủy xã Đông Quang, kể về thương binh Vũ Văn Xuyến.
Ông Xuyến là thương binh hạng 1 với mức độ thương tật trên 81%. Chân phải của ông bị mảnh đạn làm nát hết xương cẳng chân; nội tạng và khí quản cũng tổn thương nặng do những mảnh đạn găm vào. Nhưng sau hơn 15 năm ròng rã kiên trì tập đi với nạng, ông đã tự đi lại được. Là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã, hằng ngày, những bước chân tập tễnh của ông đi lại trong làng, đến thăm các gia đình nạn nhân chất độc da cam, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... khiến dân làng rất cảm phục. Ai được gặp và trò chuyện với ông Xuyến cũng như được "truyền lửa" thông qua chính bản lĩnh, nghị lực của ông và sự chia sẻ thân tình.
Lãnh đạo huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình tới thăm và tặng quà thương binh Vũ Văn Xuyến, ngày 27-7-2024. Ảnh: ĐẠT THÀNH
“Mà nào chỉ riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bác Xuyến còn tích cực tham gia hoạt động của hầu hết các hội trong xã, từ Hội Cựu chiến binh đến Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, kể cả tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ, nhất là những dịp chăm lo Tết cho các gia đình nghèo, tổ chức vui Trung thu cho các cháu nhỏ. Bác ấy không bao giờ đắn đo trước việc giúp đỡ đồng đội và những người yếu thế hơn mình. Bác Xuyến tâm sự với cán bộ xã chúng tôi rằng, bác coi đó là trách nhiệm của mình, là thứ khiến mình cảm thấy yên lòng bởi được làm những việc có ích, được cho đi và nhận lại thật nhiều hạnh phúc”, đồng chí Vũ Duy Đoan xúc động chia sẻ.
Người thương binh đầy nghị lực ấy chính là ông ngoại của tôi. Ông tôi năm nay đã 78 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng ánh mắt vẫn tinh anh. Được gần ông từ nhỏ, nhưng phải đến tuổi thiếu niên tôi mới nhận ra vết thương của ông ngoại không chỉ là những gì nhìn thấy được bên ngoài, không phải chỉ ở những vết sẹo dài chằng chịt từ đầu gối đến mắt cá chân phải, vết mổ trông như con rết lớn bò qua rốn... Những ngày trở trời, ông bị đau rất nhiều chỗ, bà ngoại tôi lo lắng chăm sóc, động viên nhưng ông cố nhịn đau, cố thể hiện mình vẫn bình thường để vợ con yên tâm. Tôi thấy ông lúc nào cũng cười rạng rỡ, tỏa ra nguồn năng lượng chữa lành. Lúc khỏe thì ông đi thăm gia đình đồng đội trong làng, ra làm việc đồng ruộng. Không thì ông ra vườn chăm sóc cây cối và mấy con gà... và ông quyết không chịu nằm một chỗ.
Có những tối thấy ông ngoại rảnh rỗi, tôi hỏi ông về chuyện ông bị thương. Ông tôi hào hứng kể: Thời kháng chiến chống Mỹ, ông nhiều lần xin nhập ngũ nhưng bị từ chối vì sức khỏe yếu, chỉ nặng 43kg. Ông quyết tâm rèn luyện và đến tháng 11-1966 thì lên được 45kg, đạt tiêu chuẩn sức khỏe A3 và được nhận vào Trung đoàn 42 của Quân khu 3, đi huấn luyện tại Yên Tử, Quảng Ninh. Tại đây, dù thể trạng nhỏ nhưng ông nỗ lực phấn đấu nên được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ tam tam (tổ 3 người), rồi được bồi dưỡng đối tượng Đảng ngay trong thời gian huấn luyện.
Ông Vũ Văn Xuyến giới thiệu những bức ảnh khi ở chiến trường. Ảnh: ĐẠT THÀNH
Kể từ tháng 5-1967 đến ngày giải phóng miền Nam, ông ngoại tôi chiến đấu tại Mặt trận Trị Thiên-Huế. Với nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, năm 1968, ông được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp quân khu và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuối tháng 3-1975, do cấp bách bảo vệ an toàn cho các lãnh đạo vào miền Nam, đơn vị ông được phân công làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn ở sân bay Phú Bài (Huế). Không may, ông đụng phải một quả đạn M-79 và nó nổ ngay trước mặt. Những mảnh đạn găm vào bụng, bàng quang, ruột già và ruột non, còn cẳng chân bên phải bị vỡ nát và các bác sĩ đã quyết định cắt bỏ một phần xương của ống chân này.
15 năm quyết chí tập đi
"Chuẩn bị Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng chính là lúc ông khởi đầu hành trình chiến đấu với thương tật cháu ạ. Ông bị thương nặng, rất nguy kịch do mất máu quá nhiều. May lúc đó có hai đồng chí tên là Điền và Nguyễn thuộc Đoàn Thanh niên của bệnh viện đã tình nguyện hiến máu cứu ông. Sau 4 giờ truyền máu, ông tạm thời thoát khỏi cửa tử”, ông tôi xúc động kể.
Sau đó, ông ngoại tôi được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Quân y 103, sau nhiều ca mổ và ghép xương tạm ổn thì chuyển về điều dưỡng tại Trại An dưỡng thương binh tỉnh Thái Bình với thương tật trên 81%, phải dùng nẹp chân và hai chiếc nạng để di chuyển trong suốt 15 năm.
Trong thời gian này, "cuộc chiến" với thương tật, đau yếu là vô cùng gian khổ nhưng ông nỗ lực tập luyện, dù đau nhức óc cũng quyết không lùi bước. Ông luôn nhớ đến những tấm gương của các thương binh cụt một chân mà vẫn chơi bóng chuyền, bóng bàn và tự nhủ: “Nếu họ có thể làm được, tại sao mình không thể? Các bác sĩ đã giúp mình giữ lại cái chân này thì mình phải cố gắng để đứng dậy và đi lại bằng được, để có cơ hội được về nhà chứ không phải mãi ở trại an dưỡng. Để được như bây giờ, ông đã rách không biết bao nhiêu chiếc quần, cháu ạ. Cái chân bó nẹp cứng đơ, cứ mỗi bước lại cọ vào, rồi rách toạc. Nạng gỗ cũng gãy không biết bao nhiêu cái, cứ ngã gãy cái này lại thay cái khác. Giai đoạn đầu, ông chỉ có thể rà nhẹ chân phải trên mặt đất để tìm lại cảm giác. Ông còn đeo một quả tạ vào cổ chân phải để tập co, duỗi. Mỗi lần như vậy, cơn đau thấu xương khiến nước mắt ứa ra nhiều nhưng phải chịu thôi. Răng nghiến ken két để quyết không lùi bước đấy cháu ạ", ông nhìn tôi cười mà nước mắt rơm rớm.
Dần dần, ông ngoại tôi bỏ được nẹp chân, rồi đến bỏ nạng. 15 năm tập đi, ông tôi đã tự đi được xe đạp, tự xách nước tưới cây... Vết sẹo hình con rết khổng lồ trên chân ông tôi thường thấy, còn vết sẹo trên bụng tôi chỉ thoáng gặp trong những ngày hè, khi ông cởi áo thấm đầy mồ hôi sau lúc làm vườn. Những vết thương vùng bụng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hệ tiêu hóa của ông tôi, khiến năm nào ông cũng phải đến bệnh viện.
Trong 15 năm quyết tâm tập đi để bỏ được cây nạng, ông ngoại tôi bảo: "Bà ngoại cháu chính là “người y tá vĩ đại nhất cuộc đời ông”. Không chỉ là y tá, bà còn kiêm luôn lao động chính, gánh vác mọi việc nặng trong nhà, từ đóng gạch, đốt lò, làm ruộng, xây nhà, chăm ông, giúp ông tập đi, sinh con và nuôi con... đều do một tay bà lo liệu". Còn bà ngoại tôi thì cười hiền: "Chân đau vậy mà thấy bà làm gì ông cũng lao vào giúp. Bà ra ruộng trồng khoai, ông chống nạng theo để vun đất. Ông ở nhà chăm sóc các con rất khéo cho bà yên tâm đi làm ruộng nên các con đứa nào cũng mê bố"...
Ông Vũ Văn Xuyến và vợ - được ông Xuyến gọi vui là "người y tá vĩ đại". Ảnh: ĐẠT THÀNH
Đến bây giờ, khắp cơ thể ông ngoại tôi vẫn còn nhiều mảnh đạn li ti găm sâu và nó đã biến thành một phần da thịt của ông. Ông tôi bảo rằng đã tìm được cách sống chung với những đau đớn của vết thương, coi nó như một người bạn đồng hành, nhắc nhở ông về quá khứ nhưng cũng không làm ông chùn bước trong cuộc sống hiện tại. Mỗi lần bị đau, ông lại nhớ về những đồng đội, những kỷ niệm chiến trường gian khó, ác liệt không thể nào quên, và như thế, ông tiếp tục sống mạnh mẽ hơn, để không chỉ cho bản thân mà còn cho những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông Vũ Công Uẩn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Quang cho biết: Ông Vũ Văn Xuyến là một cựu chiến binh gương mẫu, thực sự có tâm, luôn thúc đẩy tinh thần đoàn kết và sẻ chia trong cộng đồng. Ông luôn tâm huyết, tận tụy hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, người nghèo khó, mang đến niềm động viên và sự sẻ chia, giúp họ cảm thấy mình không bị bỏ rơi và cố gắng vươn lên. Sự hỗ trợ của ông trong việc trợ giúp vốn làm ăn hay giúp đỡ trẻ tàn tật đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn.
HÀ THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" xem các tin, bài liên quan.