Nghi ngờ về chiến lược Donbass của Ukraine: Rút lui chậm, tối đa hóa tổn thất của Nga

Nghi ngờ về chiến lược Donbass của Ukraine: Rút lui chậm, tối đa hóa tổn thất của Nga
3 giờ trướcBài gốc
Một khẩu đội pháo binh của Lữ đoàn 15 - Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine chuẩn bị khai hỏa ở Donbass vào đầu tháng 10/2024. Ảnh: New York Times
Từ đầu năm đến nay, Ukraine đã mất một loạt các thành phố, thị trấn và làng mạc ở khu vực Donbass vào tay Nga. Họ thường rút quân sau những trận chiến ác liệt, đôi khi kéo dài trong nhiều tháng.
Marinka là nơi đầu tiên thất thủ, một dấu hiệu vào tháng 1 cho thấy Nga đã lấy lại được đà trên chiến trường. Sau đó là Avdiivka, một thành phố công nghiệp nơi binh lính Ukraine ẩn náu trong một mê cung dày đặc các chiến hào và boongke. Cuối cùng, vào tuần trước, Ukraine đã rút lui khỏi Vuhledar, một thị trấn khai thác mỏ nằm trên vùng đất cao, là chốt chặn của hệ thống phòng thủ Ukraine ở phía đông nam.
Đối với những người quan sát bên ngoài, việc Ukraine rút chậm rãi nhưng đều đặn khỏi khu vực Donbass, chiến trường chính của cuộc xung đột, có vẻ như báo hiệu sự khởi đầu của hồi kết, với việc Moskva chắc chắn giành được thế thượng phong trên chiến trường, nhờ lợi thế áp đảo về nhân lực và hỏa lực.
Nhưng các chỉ huy và chuyên gia quân sự Ukraine phản đối điều đó, nói rằng một cuộc chiến quan trọng hơn đang diễn ra trong khu vực, vượt ra ngoài những lợi ích và mất mát về lãnh thổ đơn thuần. Họ nói rằng giờ đây là một cuộc chiến tiêu hao, mỗi bên cố gắng làm kiệt sức bên kia bằng cách gây ra tổn thất tối đa, hy vọng phá vỡ khả năng và ý chí tiếp tục chiến tranh của kẻ thù.
"Đổi lãnh thổ lấy tổn thất"
Suốt mùa hè, Nga đã gửi thêm các đợt quân được hỗ trợ bởi các đoàn xe bọc thép trong các cuộc tấn công ác liệt, bất chấp thương vong, được yểm trợ tràn ngập bầu trời UAV, đạn pháo và bom lượn.
Ukraine đang ở thế bất lợi cố hữu trong kiểu trận chiến này. Họ có ít quân hơn để đưa ra tiền tuyến và mặc dù có sự hỗ trợ quân sự của phương Tây, nhưng vẫn bị áp đảo về hỏa lực trên chiến trường. Điều đó khiến Kiev không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng chiến lược mà Mykola Bielieskov, một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược do chính phủ Ukraine điều hành, gọi là "đổi lãnh thổ lấy tổn thất của Nga". Ý tưởng là rút lui khỏi các thị trấn đang bị tấn công sau khi đòi hỏi cái giá cao nhất có thể về nhân lực và vật lực của đối phương.
Với việc cho đến nay Moskva đã chứng minh được khả năng chịu đựng tổn thất của mình bằng cách tuyển thêm binh lính và tăng cường sản xuất vũ khí, vẫn chưa rõ Kiev sẽ phải từ bỏ bao nhiêu lãnh thổ trước khi Quân đội Nga cạn kiệt, nếu điều đó xảy ra.
Bên cạnh đó, tình hình còn trầm trọng hơn khi cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk phía tây Nga lại càng kéo giãn nguồn lực của họ, đe dọa khả năng tiến hành một cuộc rút lui có kiểm soát ở khu vực Donbass mà không làm sụp đổ tiền tuyến.
Pasi Paroinen, một chuyên gia quân sự từ tổ chức tư vấn Black Bird Group có trụ sở tại Phần Lan, cho biết, sau cuộc tấn công Kursk, Nga đã tiến công ở Donbass với tốc độ chưa từng thấy kể từ năm 2022. Ông cho biết trong hai tháng qua, Nga đã chiếm được khoảng 270 dặm vuông trong khu vực, gấp khoảng ba lần so với diện tích chiếm được vào tháng 6 và tháng 7.
Nhưng tốc độ đó vẫn khiến Nga còn lâu mới đạt được mục tiêu lâu dài là chiếm toàn bộ khu vực này. Để làm được điều đó, Nga sẽ cần phải chiếm thêm 4.000 dặm vuông lãnh thổ Ukraine, gấp khoảng năm lần so với diện tích đã chiếm được trong năm qua.
“Cuộc chiến này sẽ không được quyết định bởi ai kiểm soát Vuhledar hay các thị trấn và thành phố tiền tuyến chiến thuật khác. Mà là về bao nhiêu binh sĩ mà Nga đã phải trả để chiếm được Vuhledar so với số lượng quân mà người Ukraine phải hy sinh trong nỗ lực phòng thủ nơi này”, Franz-Stefan Gady, một nhà phân tích quân sự ở Vienna (Áo), đánh giá.
Donbass, bao gồm hai tỉnh cực đông của Ukraine là Luhansk và Donetsk, là tâm điểm của trận chiến tiêu hao này. Vị trí gần với miền tây nước Nga đã cho phép Moskva dễ dàng điều quân, thiết bị và đạn dược đến đó. Khu vực này cũng rải rác nhiều thị trấn và làng mạc, buộc cả hai bên phải chiến đấu trong đô thị.
Các tình nguyện viên và nhân viên cứu trợ hỗ trợ những người di tản khỏi khu vực Pokrovsk, Donetsk. Ảnh: New York Times
Nhưng chiến lược này thực tế đến mức nào?
Tổng thống Vladimir Putin của Nga đã đưa nền kinh tế của đất nước vào tình trạng chiến tranh và không cho thấy dấu hiệu nào cho thấy ông sẵn sàng từ bỏ cuộc chiến. Và người dân Nga dường như kiên định trong việc ủng hộ nỗ lực chiến tranh.
Các quan chức Ukraine và phương Tây chỉ ra số liệu thương vong ngày càng tăng của Nga mặc dù Moskva không thừa nhận những con số đó. Theo Oryx, một trang web phân tích quân sự, tính toán những tổn thất được xác nhận bằng hình ảnh, trong suốt cuộc chiến, Nga đã mất khoảng ba xe chiến đấu bọc thép tương ứng với mỗi một xe của Ukraine. Các nhà phân tích từ Viện Royal United Services (London) ước tính rằng với tỷ lệ tổn thất hiện tại và năng lực sản xuất thay thế, Nga có khả năng sẽ cạn kiệt kho xe chiến đấu bọc thép vào năm 2026.
Những bất lợi về nhân lực và hỏa lực của Ukraine đang bắt đầu thu hẹp nhờ các nỗ lực huy động và nguồn cung cấp đạn dược tăng lên từ các đồng minh phương Tây, bao gồm cả gói viện trợ trị giá hàng tỷ USD trong năm nay từ Mỹ. Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, cho biết vào tháng trước rằng tỷ lệ sử dụng đạn pháo giữa Nga và Ukraine đã thu hẹp trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, cuộc xâm nhập bất ngờ của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga hồi tháng 8 đã khiến lực lượng của nước này phải chịu rủi ro lớn hơn. Mặc dù cuộc tấn công xuyên biên giới đã nâng cao tinh thần ở Ukraine, nó cũng làm căng thẳng thêm các nguồn lực chiến đấu của đất nước, khi một số binh lính giàu kinh nghiệm nhất của nước này đã được chuyển hướng từ Donbass đến Kursk. Và cho đến nay, Kiev đã mất hơn 200 thiết bị quân sự trong cuộc tấn công của mình - gần bằng số lượng thiệt hại của Nga khi bao vây Pokrovsk trong cùng thời kỳ.
Lực lượng bị kéo căng và chênh lệch quá xa của Ukraine so với Nga đã khiến giới quan sát nghi ngờ về chiến thuật tiêu hao của họ, vì khó có thể nói bên mạnh hơn sẽ cạn kiệt nguồn lực trước.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nghi-ngo-ve-chien-luoc-donbass-cua-ukraine-rut-lui-cham-toi-da-hoa-ton-that-cua-nga-20241008165147600.htm