Nghị quyết 57: 'Cởi trói' thể chế, mở ra không gian sáng tạo

Nghị quyết 57: 'Cởi trói' thể chế, mở ra không gian sáng tạo
6 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tương tác với robot trưng bày tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trình độ quốc tế” tại Cần Thơ năm 2024. Ảnh tư liệu: Ánh Tuyết/TTXVN
Khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học
Đánh giá về Nghị quyết 57, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng nắm bắt, dự báo, ứng phó với những thách thức từ bên trong và bên ngoài. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học trong tiến trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia. Đây là động lực lớn cho các nhà khoa học tiếp tục khám phá, tìm tòi những bí mật của trời đất, như chính nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng: "Nghiên cứu khoa học là lấy bí mật của trời, là hoạt động tìm ra, khám phá, còn phát triển công nghệ mới là không gian sáng tạo của con người".
Nhận định này đặc biệt quan trọng với lĩnh vực nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà là Khoa học trái đất. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, biến đổi khí hậu đang thực sự diễn ra với những kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ (nhiệt độ trung bình toàn cầu đến cuối tháng 4/2025 đã tăng 1,58 độ C so với mức tiền công nghiệp, vượt ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris) và sự gia tăng khốc liệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đó là hệ quả từ những hoạt động của con người và quá trình khai thác tài nguyên quá mức, dẫn đến sự mất cân bằng của hệ thống khí hậu. Việc gia tăng nắm bắt những bí mật này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, Nghị quyết 57 đã nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là nền tảng để tạo không gian cho nhà khoa học nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Nghị quyết 57 cũng giúp “cởi trói” thể chế, khuyến khích đổi mới sáng tạo để giúp các nhà khoa học có môi trường pháp lý thuận lợi hơn trong triển khai các dự án nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là dám thử thách với rủi ro để sáng tạo. Như vậy, các nhà khoa học mới có thể phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, đề xuất những ý tưởng mới; có như vậy khoa học mới đi trước và dẫn dắt cho sản xuất phát triển.
Nghị quyết 57 về tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế mở ra cơ hội cho các nhà khoa học hợp tác với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án nghiên cứu chung, nâng cao trình độ chuyên môn và mở rộng mạng lưới hợp tác toàn cầu. “Chúng ta có thể đem những giải pháp tiên tiến để giải quyết những thách thức của Việt Nam, đồng thời đem những vấn đề của Việt Nam để cùng các nhà khoa học thế giới cùng giải quyết”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà nhận định.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Thanh Ngà, hiện tỷ lệ nữ tham gia nghiên cứu khoa học cũng đã chiếm khoảng 45%. Ngày càng nhiều nữ khoa học tham gia các ngành mũi nhọn như y học, công nghệ sinh học, môi trường, khoa học máy tính và đạt được các giải thưởng quốc gia, quốc tế. Nghị quyết 57 cũng là cơ hội lớn để nhà khoa học nữ phát huy thế mạnh tiềm ẩn, tăng cường tính kiên trì bền bỉ, từ đó xây dựng được những dự án nghiên cứu lớn, hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công tư và chuyển giao công nghệ. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển khoa học công nghệ vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Với Nghị quyết 57, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy doanh nghiệp tư nhân làm trụ cột trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Là một trong các doanh nghiệp khoa học công nghệ đón nhận “làn gió mới” từ Nghị quyết 57, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần công nghệ cao Hachi đánh giá, Nghị quyết 57 không chỉ là kim chỉ Nam cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, mà còn là lời hiệu triệu cho tất cả chúng ta cùng hành động, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, già hóa lao động nông thôn và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, trong hành trình ấy, người nông dân không thể đứng một mình; họ cần được tiếp cận với công nghệ, với thị trường, với tri thức và đặc biệt là với những mô hình nông nghiệp thông minh, chi phí phù hợp, dễ tiếp cận.
Là một startup công nghệ nông nghiệp được ươm tạo từ Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với Biến đổi khí hậu được Ngân hàng Thế giới tài trợ từ nguồn vốn của Chính phủ Australia và Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID), dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty Hachi đã triển khai hơn 250 mô hình nhà kính thông minh từ đồng bằng đến vùng cao, từ đô thị đến biên giới. Đặc biệt là các mô hình nhà màng chi phí thấp kết hợp nền tảng điều khiển khí hậu qua điện thoại thông minh giúp nông dân tại Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang có thể trồng dưa lưới, dược liệu, rau sạch quanh năm, bất chấp thời tiết. Từ nông dân truyền thống, họ trở thành “người điều hành farm số” chỉ bằng một nút chạm.
Hachi đã hỗ trợ 16 hộ dân tại Sơn La trong đó có nhiều hộ là phụ nữ làm chủ kinh tế gia đình và đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng 2,2 ha nhà kính thông minh dưới sự tài trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), mở ra mô hình chuyển đổi nông nghiệp mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc. Hay như những hộ gia đình ở Tây Nguyên nhờ hệ thống thủy canh khép kín và phân tích dữ liệu bằng AI, họ đã tăng năng suất 30% và tiết kiệm 40% lượng nước sử dụng.
Bằng việc ứng dụng tự động hóa 90%, tích hợp IoT, AI, cảm biến dinh dưỡng và ánh sáng, Hachi đã đưa các công nghệ nông nghiệp tiên tiến từ Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Hachi đang phát triển các mô hình nông trại thông minh trong nhà “smart indoor farm”, nông trại trồng sâm công nghệ cao và chuỗi nông trại đạt chuẩn xuất khẩu hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị cao, xanh, sạch và bền vững.
Thu Phương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/nghi-quyet-57-coi-troithe-che-mo-ra-khong-gian-sang-tao-20250521155732918.htm