Nghị quyết 57 - đòn bẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Nghị quyết 57 - đòn bẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp
15 giờ trướcBài gốc
Thời gian qua, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Hà Tĩnh có nhiều đổi mới từ công tác quản lý đến nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên công tác tuyển chọn, du nhập, khảo nghiệm và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng; xây dựng nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ KH&CN, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Thời gian qua, ngành KHCN ưu tiên công tác tuyển chọn, du nhập, khảo nghiệm và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng.
Ở vùng miền núi của xã Hương Liên, huyện Hương Khê cũ, nay là xã Phúc Trạch, anh Lưu Văn Thạch là một trong những người tiên phong hưởng ứng chủ trương sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng KH&CN theo tinh thần Nghị quyết 57. Trên ngọn đồi cằn cỗi của gia đình, anh Thạch không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước. Thay vào đó là những chiếc máy cày tiên tiến, hệ thống tưới tự động hiện đại. Gia đình bỏ hẳn phân, thuốc hóa học độc hại mà sử dụng phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học...
Anh Thạch phấn khởi nói: “Đây là diện tích đất trồng cây cao su của gia đình nhưng kém hiệu quả. Vì vậy, từ năm 2025, chúng tôi quyết định chuyển đổi và trồng thử nghiệm 1 ha cây sâm bố chính. Nhờ có công nghệ, kỹ thuật, cây sâm phát triển rất tốt. Chúng tôi hiểu rõ, làm nông nghiệp ngày nay phải biết làm chủ công nghệ chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm, đồng thời phải có liên kết mới hiệu quả”.
Mô hình trồng thử nghiệm sâm bố chính của gia đình anh Lưu Văn Thạch tại xã Phúc Trạch đang phát triển tốt.
Không chỉ ở xã Phúc Trạch, cây sâm bố chính hiện được nhân rộng ở rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh và khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều cây trồng truyền thống. Sau 2 năm trồng, doanh thu của các hộ đạt từ 500-700 triệu đồng/ha. Đây là kết quả từ những dự án ứng dụng các tiến bộ KH&CN, nâng cao hiệu quả sản xuất do Sở KH&CN triển khai trong thời gian qua. Thực tiễn cho thấy, ứng dụng KH&CN, sản xuất nông nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao. Bên cạnh cây sâm bố chính, ở Hà Tĩnh còn có nhiều mô hình hiệu quả như: ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất hoa lan hồ điệp, phát triển vùng nuôi rươi kết hợp trồng lúa hữu cơ, phát triển cây mai vàng...
Nhìn chung, ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh sau hơn 10 năm tái cơ cấu đã đạt nhiều kết quả tích cực: sản lượng lương thực ổn định, giá trị sản xuất tăng trưởng đều, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành... Tuy nhiên, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chuỗi và giá trị gia tăng thấp… vẫn là những “điểm nghẽn” lớn đang tồn tại. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 57 ra đời và trở thành “kim chỉ nam” định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, chuyên sâu, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 57 định hướng để trở thành ngành ứng dụng công nghệ cao; tạo môi trường thể chế và chính sách thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) toàn diện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Nghị quyết 57 định hướng lĩnh vực nông nghiệp trở thành ngành ứng dụng công nghệ cao (Trong ảnh: Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hatisa ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh).
Ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&MT cho biết: “Triển khai các kế hoạch của tỉnh về thực hiện Nghị quyết 57, ngành nông nghiệp đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp, HTX và người nông dân đẩy mạnh CĐS, ứng dụng CNTT trong SXKD; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân ứng dụng thương mại điện tử, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Tổ chức khảo sát, kiểm tra, cập nhật tình hình hiện trạng các cơ sở dữ liệu và các mô hình ứng dụng CĐS trong SXKD nông nghiệp và NTM. Tuyên truyền các tổ chức, cá nhân thực hiện thương mại điện tử ngành nông nghiệp, các sản phẩm OCOP, những sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, sở cũng đang tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách trong phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS ngành nông nghiệp”.
Có thể khẳng định, từ Nghị quyết 57, nền nông nghiệp Hà Tĩnh và cả nước đang được “tiếp sức” để chuyển đổi toàn diện, thoát khỏi sản xuất giá trị thấp và hướng đến chuỗi giá trị cao, ổn định, hội nhập quốc tế.
Về định hướng thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Hùng cho biết thêm: “Ngành sẽ tập trung triển khai nền tảng số về giám sát, thu thập, quản lý dữ liệu lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tài nguyên, môi trường của tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và tích hợp, liên thông với nền tảng dữ liệu dùng chung của tỉnh; tham mưu xây dựng chương trình, đề án, dự án đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS nhằm phát huy lợi thế trên một số lĩnh vực, địa phương, như: Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo và CĐS phát triển nông nghiệp vùng đồi núi phía Tây, vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh; chương trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; chương trình giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản…”.
Dương Chiến
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/nghi-quyet-57-don-bay-chuyen-doi-so-nganh-nong-nghiep-post291307.html