Ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết 59-NQ/TW
Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là định hướng chiến lược, khẳng định vai trò của hội nhập quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết được ban hành trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để tận dụng cơ hội, ứng phó thách thức. Nghị quyết đã nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, và phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI.
Nghị quyết 59-NQ/TW là kim chỉ nam cho mọi hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. Ảnh minh họa
Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Chi bộ, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài xác định Nghị quyết 59-NQ/TW là kim chỉ nam cho mọi hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường.
Trong thời gian qua, để đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn, thực thi, ông Tạ Hoàng Linh - Bí thư Chi bộ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho rằng, Chi bộ luôn nhận thức rằng hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu, mà còn là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
6 giải pháp để nâng tầm công tác hội nhập kinh tế quốc tế
Với vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, trong giai đoạn 2025 - 2030, Chi bộ Vụ Thị trường nước ngoài tập trung vào 6 nhóm nội dung chính:
Thứ nhất, tăng cường tham mưu, đề xuất chiến lược, cơ chế, chính sách
Chi ủy Chi bộ chỉ đạo Vụ tăng cường theo dõi, nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế, thương mại, công nghiệp và năng lượng, hệ thống và tập quán kinh doanh của các nước và các cơ chế hợp tác tiểu vùng phụ trách để tham mưu lãnh đạo Bộ các vấn đề mang tính chất chiến lược, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chiến lượng phát triển thị trường nước ngoài và thực hiện chính sách phát triển quan hệ kinh tế với các nước.
Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng, cấu trúc cạnh tranh và yêu cầu của thị trường nước ngoài, từ đó đề xuất với lãnh đạo Bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác công nghiệp, năng lượng,...
Ông Tạ Hoàng Linh - Bí thư Chi bộ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cho rằng, Chi bộ luôn nhận thức rằng hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu, mà còn là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, cơ chế, khuôn khổ hợp tác
Chi ủy Chi bộ chỉ đạo Vụ chủ động triển khai thực thi các FTA đã có hiệu lực gồm: EVFTA, UKVFTA, VN-EAEU, CPTPP, RCEP và các hiệp định với Chile, Hàn Quốc, Ấn Độ,... trong đó đặc biệt chú trọng công tác:
Trong đó, tập trung nghiên cứu tận dụng các ưu đãi trong các hiệp định; phổ biến thông tin và các ưu đãi có thể tận dụng cho doanh nghiệp, địa phương; phối hợp với phía bạn và các cơ quan liên quan của Việt Nam kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam và góp phẩn tạo môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư; chủ trì tổ chức hoặc phối hợp với các bên liên quan tổ chức thành công các Ủy ban thực thi FTA...
Cùng với đó, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các khu vực tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Các chương trình xúc tiến thương mại sẽ được thiết kế phù hợp với đặc thù từng thị trường, đảm bảo hiệu quả và tính bền vững.
Hiện tại, Chi ủy Chi bộ chỉ đạo Vụ tích cực triển khai hơn 70 cơ chế hợp tác, bao gồm ủy ban liên chính phủ, UBHH, ủy ban thực thi các hiệp định thương mại song phương để thúc đẩy thương mại và đầu tư, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Thứ ba, tăng cường đàm phán quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, vận động chính sách, tháo gỡ rào cản thị trường
Đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế cho các sản phẩm Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Chi ủy Chi bộ đã chỉ đạo Vụ tích cực đẩy mạnh các hoạt động đàm phán quốc tế, vận động chính sách và tháo gỡ rào cản thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy khởi động đàm phán FTA với khối MERCOSUR ở Nam Mỹ, GCC ở Trung đông; phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên trong quá trình ký kết Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF); thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do với các nước EFTA,...
Bên cạnh đó, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài tăng cường tổ chức các chương trình hội thảo và diễn đàn quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm Việt Nam, kết nối doanh nghiệp với đối tác nước ngoài. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu Việt mà còn hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tích cực, góp phần khẳng định vị thế hàng hóa Made in Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Cấp ủy Chi bộ nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Vụ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tập trung vào các ngành hàng chủ lực như nông sản, thủy sản, dệt may, và đồ gỗ... Các chương trình quảng bá thương hiệu Việt Nam sẽ được tổ chức tại các thị trường trọng điểm, nhằm nâng cao giá trị và uy tín của sản phẩm Việt Nam.
Vụ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất xanh, tuần hoàn, và thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của các thị trường phát triển. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp với các chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu.
Tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời doanh nghiệp và đơn vị liên quan về các thay đổi chính sách, rào cản của nước sở tại, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đáp ứng các yêu cầu, quy định của nước sở tại.
Thứ năm, phát huy vai trò của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài
Chi ủy Chi bộ chỉ đạo Vụ tăng cường phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để: bám sát tình hình thị trường, kịp thời báo cáo và phản ứng đối với những thay đổi và biến động ảnh hưởng đến trao đổi thương mại và đầu tư với Việt Nam; làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn trong việc thâm nhập, phát triển thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, huy động, vận động doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm nguồn hàng hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam; chủ động tích cực phối hợp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản thương mại mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ sáu, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài
Chi ủy Chi bộ chỉ đạo Vụ tích cực triển khai có hiệu quả các hoạt động thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Các hoạt động đã tăng cường kết nối doanh nhân Việt Nam ở trong và ngoài nước, kịp thời thông tin về tình hình phát triển kinh tế, cơ hội kinh doanh trong nước để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Tạ Hoàng Linh cam kết, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương, Chi ủy Chi bộ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài cam kết chỉ đạo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW một cách đồng bộ, hiệu quả, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Chi ủy Chi bộ đã chỉ đạo Vụ tích cực đẩy mạnh các hoạt động đàm phán quốc tế, vận động chính sách và tháo gỡ rào cản thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy khởi động đàm phán FTA với khối MERCOSUR ở Nam Mỹ, GCC ở Trung đông; phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên trong quá trình ký kết Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF); thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do với các nước EFTA,...
Hoàng Hòa