Xuất khẩu cà phê nửa đầu năm thu về 5,4 tỷ USD. Ảnh: P.C.
Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, nửa đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê đạt hơn 947.000 tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, tăng 45% về lượng và tăng mạnh 66% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Tận dụng tốt các FTA
Riêng tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 118.000 tấn, trị giá gần 678 triệu USD, giảm 21% về lượng và giảm 21% về giá trị so với tháng 5.
Trong đó, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 6 ở mức 5.746 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng trước nhưng tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng, giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này đạt 5.705 USD/tấn, tăng 59% so với cùng kỳ 2024.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam 6 tháng đầu năm khởi sắc do nguồn cung toàn cầu thắt chặt, đẩy giá cà phê tăng cao. Trong khi đó, nhu cầu ở các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều phục hồi.
Đồng thời, doanh nghiệp trong nước cũng đầu tư nhiều hơn vào công nghệ chế biến và truy xuất nguồn gốc, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, việc tận dụng tốt các FTA như EVFTA, UKVFTA, CPTPP đã giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Dư địa mới cho cà phê Việt
Trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm, Đức tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với lượng nhập khẩu hơn 149.500 tấn, trị giá gần 825 triệu USD, tăng khoảng 113% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, thị trường Algeria có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong kỳ. Lượng cà phê xuất khẩu sang quốc gia Bắc Phi này đạt gần 56.800 tấn, đồng thời kim ngạch đạt 294 triệu USD và tăng tới 254%.
Tín hiệu tích cực này giúp mở ra dư địa mới cho cà phê Việt tại thị trường Hồi giáo - nơi có nhu cầu tiêu dùng ổn định.
Tây Ban Nha cũng ghi nhận mức tăng đột biến, với sản lượng tăng 6% nhưng giá trị xuất khẩu tăng tới 67%.
Riêng trong tháng 6, lượng cà phê Việt Nam xuất sang Tây Ban Nha tăng hơn 176%, cho thấy nhu cầu đang phục hồi rất mạnh.
Các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đều duy trì đà tăng trưởng ổn định. Trong đó, Mỹ nhập hơn 60.500 tấn cà phê Việt Nam từ đầu năm, trị giá 333,7 triệu USD, tăng lần lượt 11% và 76% so với cùng kỳ.
Nhật Bản dù giảm nhẹ về lượng nhập khẩu nhưng giá trị vẫn tăng gần 57%. Ngoài ra, Hà Lan và Bỉ cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, đặc biệt Bỉ tăng giá trị nhập khẩu cà phê Việt Nam lên tới 110%.
Ở chiều ngược lại, một số thị trường ghi nhận sụt giảm về lượng nhập khẩu như Italy (giảm 12%) và Nga ( giảm 6%). Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cà phê sang các thị trường này vẫn tăng nhờ giá cà phê quốc tế cao. Điều này phản ảnh thực tế rằng thị trường vẫn duy trì nhu cầu ổn định, dù sản lượng có thể điều chỉnh do biến động nội địa hoặc chi phí logistics.
Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam 6 tháng cuối năm vẫn duy trì tín hiệu tích cực nhờ nhu cầu tiêu dùng thế giới phục hồi, nguồn cung trong nước tăng.
Để duy trì và nâng cao giá trị xuất khẩu, ngành cà phê cần đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển thương hiệu, đa dạng hóa thị trường.
Đặc biệt, việc chuẩn hóa các tiêu chí về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chứng chỉ bền vững cũng là những yêu cầu ngày càng phổ biến từ các thị trường cao cấp.
Anh Nguyễn