Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đánh dấu bước ngoặt trong tư duy chiến lược, đồng thời mở ra cơ hội vàng để khu vực kinh tế này khẳng định vai trò là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Điểm nhấn lớn nhất của Nghị quyết 68 chính là việc Bộ Chính trị lần đầu tiên xác lập vị thế “tiên phong” cho kinh tế tư nhân, không chỉ là một thành phần hợp thành mà là động lực quan trọng nhất trong tiến trình phát triển đất nước. Nghị quyết đề ra các mục tiêu rõ ràng: đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp từ 55-58% GDP, giải quyết việc làm cho 85% lao động xã hội; đến năm 2045, khu vực này chiếm trên 60% GDP và có năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đi kèm với các chỉ tiêu cụ thể là một hệ thống quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá. Tư duy “quản lý” được thay thế bằng tư duy “kiến tạo và phục vụ”, với trọng tâm là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế. Đặc biệt, Nghị quyết 68 yêu cầu xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân.
Nghị quyết cũng thẳng thắn nhìn nhận những rào cản trong thực tiễn như chồng chéo thanh tra, hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế, hay sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách giữa các cấp, ngành. Những vấn đề này được tiếp cận với tinh thần cải cách toàn diện, trong đó pháp quyền và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trở thành nguyên tắc cốt lõi. Việc nhấn mạnh nguyên tắc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” và “ưu tiên biện pháp khắc phục hậu quả” là chuyển động rất đáng ghi nhận trong văn hóa pháp lý và tư duy quản trị quốc gia.
Cùng với đó là các giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, tăng khả năng tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu hình thành đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, đạo đức kinh doanh và khát vọng cống hiến, đóng vai trò không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà còn trong quản trị phát triển đất nước.
Tại Phú Yên, tinh thần Nghị quyết 68 đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động thiết thực. Cụ thể, tỉnh đang triển khai rà soát toàn diện các thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường… với mục tiêu rút ngắn tối thiểu 30% thời gian xử lý hồ sơ so với hiện nay, nhằm giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, bố trí quỹ đất sạch với giá thuê ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao; đồng thời duy trì cơ chế đối thoại cởi mở giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường, khuyến khích mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng lao động địa phương…
Những hành động trên cho thấy Phú Yên không dừng lại ở tiếp nhận tư tưởng đổi mới mà đang chuyển mình để kiến tạo môi trường đầu tư hiệu quả, năng động và thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tạo ra những đột phá, tỉnh cần tiếp tục đổi mới cách làm, mạnh dạn thí điểm cơ chế mới, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, và đặc biệt là tạo niềm tin cho doanh nghiệp thông qua hành động cụ thể, nhất quán.
Chỉ khi những nỗ lực cải cách đó được thực hiện một cách liên tục, quyết liệt và có chiều sâu, bước ngoặt tư duy từ Nghị quyết 68 mới thực sự được chuyển hóa thành động lực phát triển bền vững. Kinh tế tư nhân khi ấy không chỉ lớn mạnh về quy mô mà còn thực sự trở thành lực đẩy đưa Phú Yên vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ mới.
LÊ HẢO