Để phát triển kinh tế tư nhân, gốc rễ là cải cách thể chế
Chiều 9/5, chia sẻ tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 – Những việc cần làm ngay", ĐBQH Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.
Ông Hiếu phân tích, có 2 dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân, đó là: Mốc thứ nhất vào giai đoạn 1988-1990 khi đó chúng ta chuyển từ quan điểm kinh tế tư nhân là thành phần cải tạo, nghĩa là không được thừa nhận, chuyển sang là được thừa nhận, và bắt đầu cho phép được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật; Mốc thứ 2 vào năm 1999-2000, là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, làm thay đổi một bước nữa về quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với ông Phan Đức Hiếu. Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Từ năm 2000, chúng ta hiểu rằng đó là chuyển từ việc thành lập doanh nghiệp để đi kinh doanh (năm 1990 là Luật Công ty, cho phép cấp phép thành lập) thì từ năm 2000 chuyển sang thành đăng ký kinh doanh để thành lập. Đây là quyền chủ doanh nghiệp mà nhà nước ghi nhận. Trong suốt từ thời gian đó đến nay, chúng ta vẫn liên tục cải cách. Tuy nhiên, việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này nếu triển khai thực hiện tốt thì đây có thể là bước ngoặt, đột phá thứ 3 trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Hiếu bày tỏ đồng quan điểm với các chuyên gia kinh tế rằng, để phát triển kinh tế tư nhân thì gốc rễ của vấn đề là cải cách thể chế. Đồng thời ông phân tích: Cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp thì người ta cho rằng đây là một biện pháp cải cách "rẻ nhất" nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất.
Theo ông Hiếu, nhìn vào Nghị quyết 68, số lượng giải pháp về cải cách thể chế là chủ đạo. Như vậy, như Tổng Bí thư nói, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn và nếu như chúng ta tập trung cải cách mạnh mẽ về thể chế thì tác động sẽ rất lớn.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, để phát triển kinh tế tư nhân thì gốc rễ của vấn đề là cải cách thể chế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
"Tôi là người nghiên cứu rất kỹ Nghị quyết 68 và tôi muốn trao đổi thêm 3 điểm về tinh thần của các nhóm giải pháp về cải cách thể chế. Tôi thấy nổi lên mấy từ không phải là "đơn giản", cũng không phải là "sửa đổi" mà ở đây là thể hiện rất mạnh là "bãi bỏ", "cắt giảm". Có nghĩa là chúng ta phải bỏ, phải cắt đi. Một quy định không tốt thì bãi bỏ", ông Hiếu nói.
Thể chế hóa Nghị quyết phải thật rõ ràng
Liên quan đến giải pháp cụ thể để thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong khu vực kinh tế tư nhân, cũng như hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, các chủ thể kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, tinh thần xây dựng Nghị quyết 68 cần được tiếp tục và phát huy trong tinh thần thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, việc thể chế hóa Nghị quyết không thể quá kéo dài thời gian, cần rất nhanh, khẩn trương và mạnh mẽ.
Về phương pháp tiến hành, ông Hiếu cho rằng, có thể chia thành 3 nhóm công việc, trong đó cần xác định rõ ưu tiên nhóm nào, mức độ nào.
Nhóm thứ nhất, phải sửa đổi hoặc bãi bỏ một số luật lệ, quy định. Tuy nhiên bước này không thể thực hiện ngay mà có thể cần thêm thời gian, dự kiến khoảng 7 tháng.
Nhóm thứ hai, tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ các quy định, trong bối cảnh hiện nay khi Chính phủ đã trình trên 30 dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 9 nên chúng ta không thể chậm trễ thêm nữa. Những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu của nghị quyết hoặc chưa được cập nhật trong các dự thảo luật, thì cần được bổ sung ngay sau khi Nghị quyết ban hành.
Nhóm thứ ba, với những quy định pháp luật mà hiện chưa trình ra Quốc hội, bây giờ mới bắt đầu triển khai. Trường hợp này có thể áp dụng một Nghị quyết của Quốc hội mang tính quy phạm để tổ chức triển khai thực hiện, dự kiến sẽ trình tại Kỳ họp thứ 9. Điều quan trọng là phạm vi nghị quyết cần mở rộng để tích hợp tối đa nhóm giải pháp, vấn đề, gia tăng hiệu suất và tính thực thi của các nghị quyết do Bộ Chính trị đề ra.
Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay". Ảnh VGP/Nhật Bắc.
"Tôi mong muốn việc thể chế hóa Nghị quyết phải thật rõ ràng", ông Hiếu nêu quan điểm, đồng thời cho rằng, Nghị quyết 68 đã đề cập loại bỏ ít nhất 30% các quy định về thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ. Ví dụ, trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay do các bộ ngành quản lý, có gần 200 ngành nghề. Thực hiện tinh thần Nghị quyết, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thì qua đó sẽ giảm thiểu ngay các "giấy phép con" không còn cần thiết nữa. Việc này cần triển khai ngay.
Đồng thời, ông Hiếu cho hay, hiện nay xã hội cũng đang đặt nhiều câu hỏi về chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, như việc tại sao vẫn còn thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, tại sao phải điều chỉnh kéo dài, có khi khiến doanh nghiệp phải chờ từ một năm cho đến nhiều năm mới hoàn thiện. Thậm chí, phê duyệt chủ trương đầu tư còn nhanh hay chậm hơn cả đầu tư xây dựng một nhà máy. Đây là bất cập cần xem xét tháo gỡ bằng những giải pháp mạnh mẽ trong Nghị quyết.
Lê Bảo