Nghị quyết 68 'cởi trói' thể chế, tháo 'lưỡi gươm' hình sự hóa treo trên đầu doanh nghiệp

Nghị quyết 68 'cởi trói' thể chế, tháo 'lưỡi gươm' hình sự hóa treo trên đầu doanh nghiệp
10 giờ trướcBài gốc
Bản chất cốt lõi của doanh nhân và doanh nghiệp là tạo ra của cải, nguồn lực cho xã hội. Việc hình sự hóa không cần thiết các sai phạm kinh tế sẽ tước đi cơ hội và điều kiện để họ khắc phục những thiệt hại đã gây ra. Thấu hiểu điều này, Nghị quyết 68 đã thể hiện một bước tiến quan trọng trong tư duy pháp lý, đặc biệt ưu tiên các giải pháp không hình sự hóa khi xem xét và xử lý các vụ việc kinh doanh, hướng tới một cách tiếp cận nhân văn và hiệu quả hơn.
Trao đổi với Thương gia, các chuyên gia nhận định, việc Nghị quyết 68 ưu tiên các biện pháp xử lý kinh tế đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh là một bước đi hợp lý và tiến bộ. Theo các phân tích, cách tiếp cận này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội khắc phục hậu quả, giảm thiểu những tổn thất không đáng có cho nền kinh tế, mà còn thể hiện sự thay đổi trong tư duy pháp lý, hướng tới một môi trường kinh doanh an toàn và khuyến khích hơn. Việc này được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng vốn đầu tư, giải phóng tiềm năng sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu cải cách pháp luật dân sự, hình sự theo hướng ưu tiên xử lý kinh tế trước hình sự, tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự nhằm bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, xử lý các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra gây cản trở hoạt động của các doanh nghiệp. Mặt khác Nghị quyết 68 cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm nhằm giảm can thiệp hành chính thực hiện nguyên tắc “kinh doanh mọi thứ mà pháp luật không cấm” thay cho tư duy “không quản được thì cấm” nhằm thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch.
Đồng thời cũng đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và thực sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 7/3, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và một số cơ quan, đơn vị, chuyên gia về một số giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Tại buổi làm việc, bà Ninh Thị Ty - Phó Chủ tịch HBA thay mặt TS Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội (HBA), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) đề xuất lên Tổng Bí thư 11 đề xuất, kiến nghị góp phần tạo đột phá phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, trong số những giải pháp được đưa ra, TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh đến vấn đề tuyệt đối không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, nhất là không được hồi tố, áp dụng các văn bản pháp quy mới để “soi” lại đối với những vấn đề, thực tế từ thời gian trước đó.
Cùng với đó, Chủ tịch HBA-VACOD kiến nghị cần xóa bỏ phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI trong vấn đề tiếp cận đất đai, nguồn vốn cũng như các cơ chế, chính sách khác nhằm giải phóng và phát huy cao nhất tiềm lực phát triển cũng như khả năng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết 68 cũng đặt ra vấn đề phải hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, chuyển từ nền hành chính công vụ quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra giám sát.
Xây dựng cơ chế chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường vai trò kinh tế tư nhân, doanh nhân tham gia phản biện chính sách đảm bảo hiệu quả, minh bạch. Chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp kéo dài, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra sách nhiễu doanh nghiệp.
Với những giải pháp đột phá của Nghị quyết 68 sẽ khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước. Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực tế, một nỗi lo thường trực của giới doanh nghiệp là nguy cơ vướng phải các rủi ro pháp lý, hành chính trong quá trình kinh doanh. Mặc dù pháp luật trao quyền tự do kinh doanh và doanh nghiệp luôn cố gắng tuân thủ các quy định, nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta đôi khi lại tạo ra những thách thức không nhỏ. Sự phức tạp, chồng chéo và thiếu nhất quán giữa các văn bản pháp luật có thể dẫn đến tình huống dở khóc dở cười: tuân thủ luật này lại vô tình vi phạm luật khác.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn, hoạt động đa ngành, mức độ rủi ro pháp lý càng gia tăng. Nguy cơ bị cáo buộc kinh doanh trái quy định, thậm chí bị hình sự hóa, luôn là một bóng đen đe dọa. Một khi bị hình sự hóa, doanh nghiệp không chỉ đối mặt với nguy cơ mất mát tài sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp và uy tín của cả cá nhân người lãnh đạo và những người liên quan trong gia đình, dòng họ – một điều đặc biệt nặng nề trong văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, việc tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch và nhất quán là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động và phát triển.
Trước đây, chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế đã được đề cập từ rất lâu, thậm chí cách đây khoảng 20 năm, và cũng được nhắc lại trong nhiều nghị quyết gần đây. Tuy nhiên, việc thực thi trên thực tế lại có nhiều diễn giải và cách tiếp cận khác nhau. Điểm đáng chú ý và có thể nói là mới mẻ, cụ thể hơn cả trong nghị quyết lần này, đó là sự phân định rõ ràng các nguyên tắc xử lý.
Nghị quyết nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định pháp luật hình sự, dân sự và tố tụng dân sự để đảm bảo nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật dân sự, kinh tế, hành chính trong xử lý các sai phạm kinh tế. Điều này cho phép doanh nghiệp và doanh nhân có cơ hội chủ động khắc phục sai phạm và thiệt hại. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự ưu tiên giải quyết vấn đề bằng các biện pháp kinh tế và tạo điều kiện để doanh nghiệp khắc phục hậu quả trước khi nghĩ đến các biện pháp hình sự.
Đặc biệt, trong trường hợp việc áp dụng luật có thể dẫn đến cả xử lý hình sự và không hình sự, nghị quyết mở ra khả năng lựa chọn các biện pháp nhẹ hơn, không hình sự, nếu việc khắc phục hậu quả kinh tế đã được thực hiện. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ hình sự hóa các vấn đề kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và tiếp tục phát triển sau những sai sót không cố ý. Rõ ràng, đây là một hướng đi mà cộng đồng doanh nghiệp đã chờ đợi từ lâu.
Điểm đáng chú ý nữa là nghị quyết lần này phân định rất rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp có sai phạm, đó là trách nhiệm cá nhân của họ, không nên kéo cả doanh nghiệp vào vòng lao lý. Việc niêm phong tài sản cũng cần được thực hiện một cách thận trọng, chỉ giới hạn ở tài sản cá nhân liên quan đến sai phạm, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hình ảnh cả một nhà máy bị niêm phong làm vật chứng đã gây ra những thiệt hại vô cùng lớn, làm đình trệ toàn bộ hoạt động. Nghị quyết lần này đã khắc phục triệt để vấn đề này.
Thêm vào đó, việc phân biệt rõ ràng giữa tài sản hợp pháp và tài sản có được từ hành vi vi phạm của cá nhân cũng là một tiến bộ quan trọng. Không phải mọi tài sản của cá nhân liên quan đều bị coi là vật chứng, mà phạm vi sẽ được thu hẹp lại, tránh gây thiệt hại không đáng có cho cả doanh nghiệp và cá nhân đó. Đây là một sửa đổi rất nhân văn và tạo ra sự an tâm lớn cho giới doanh nhân.
Thực tế, tâm lý lo sợ rủi ro pháp lý đã khiến nhiều doanh nhân có xu hướng "vừa đủ", không dám mở rộng quy mô vì lo ngại những rủi ro tiềm ẩn. Khi đạt đến một mức độ tài sản nhất định, họ cảm thấy đủ và không muốn dấn thân thêm, bởi càng lớn mạnh, rủi ro pháp lý càng cao. Nghị quyết lần này, với những thay đổi tích cực, kỳ vọng sẽ tạo ra sự an tâm, giải tỏa tâm lý e ngại, khuyến khích những người có khát vọng, muốn cống hiến hết mình để xây dựng doanh nghiệp thành công một cách nghiêm túc.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định một tín hiệu tích cực là trong thời gian gần đây, ngay cả tại các kỳ họp Quốc hội, bên cạnh việc ban hành các nghị quyết quan trọng, đã có những thay đổi thực tiễn mạnh mẽ. Ví dụ như việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, giảm bớt các đầu mối để doanh nghiệp tư nhân không còn phải trải qua nhiều tầng nấc xin phép, giảm thiểu chi phí giao dịch và nạn nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chuẩn bị một chương trình lớn để hỗ trợ kinh tế tư nhân đúng với vai trò của nó.
Điều quan trọng là cách thức hỗ trợ phải khéo léo, tránh rơi vào tình trạng phân biệt đối xử, ưu ái doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp khác một cách không minh bạch. Bản chất của sự thay đổi cấu trúc ở đây là chuyển sang một nền kinh tế thị trường, nơi kinh tế tư nhân được bình đẳng, tự do kinh doanh và cạnh tranh sòng phẳng với mọi thành phần kinh tế khác, chứ không phải là được ưu đãi đặc biệt một cách vô lý. Tất nhiên, có những lĩnh vực, những thời điểm cần có sự hỗ trợ, nhưng sự hỗ trợ đó phải dựa trên nhu cầu phát triển của đất nước, những vấn đề cần giải quyết nhanh chóng, và doanh nghiệp nhà nước nếu tham gia vào những lĩnh vực đó cũng cần được đối xử tương tự.
“Tôi tin rằng, doanh nhân Việt Nam rất tài giỏi. Chỉ cần có một môi trường kinh doanh bình đẳng, tự do, họ hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng và vươn ra thế giới. Mấu chốt hiện nay là tạo ra được môi trường đó. Chúng ta đang cố gắng đi theo hướng này, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh công bằng mới là điều kiện để tài năng được phát huy, còn sự ưu đãi không đúng cách có thể làm thui chột năng lực”, ông Trần Đình Thiên khẳng định vai trò của môi trường kinh doanh bình đẳng.
Bên hành lang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhận định, chủ trương ưu tiên dùng các biện pháp kinh tế thay thế cho hình sự là có cơ sở. Đây không phải là nương nhẹ cho khu vực tư nhân, bởi theo ông, về nguyên tắc những gì ở giữa ranh giới thì chúng ta cần lựa chọn cách xử lý có lợi hơn.
Bản chất của doanh nghiệp, doanh nhân là tạo ra của cải, nguồn lực, việc làm cho xã hội, nền kinh tế. Họ sẽ tận dụng mọi phương thức kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, nhưng mức lời càng cao, rủi ro về kinh tế hay pháp lý càng lớn.
Khi doanh nhân vướng sai phạm, chúng ta cần xem động cơ của họ là gì. Nếu họ hành động để tạo ra tiềm lực kinh tế thì phải giải quyết những sai phạm này bằng công cụ kinh tế, tạo cơ hội cho họ khắc phục. Bởi nếu xử lý hình sự, họ sẽ không có cơ hội, điều kiện bù đắp thiệt hại, quay trở lại kinh doanh để đóng góp cho xã hội.
Trước thực tế, pháp luật hiện hành không đánh đồng trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân doanh nghiệp. Xử lý cá nhân sai phạm không có nghĩa bắt doanh nghiệp phải đóng cửa. Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là một tác động lớn hơn là về tâm lý xã hội. Khi xử lý người có trách nhiệm tại doanh nghiệp, dư luận thường nhìn nhận "doanh nghiệp có vấn đề, sẽ bị thanh tra, kiểm tra...". Chính điều này tạo ra tình trạng khủng hoảng cho doanh nghiệp.
“Tôi cũng đánh giá cao nguyên tắc mỗi năm chỉ thanh, kiểm tra doanh nghiệp một lần nêu tại nghị quyết. Bởi quy định này thể hiện bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, trừ trường hợp vi phạm phải thanh tra theo yêu cầu, vụ việc bắt buộc”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, đối với những sai phạm kinh tế mà hậu quả có thể khắc phục bằng các biện pháp kinh tế, chúng ta nên ưu tiên giải quyết theo hướng này. Việc hình sự hóa các vấn đề kinh tế sẽ mang lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người làm kinh doanh. Họ sẽ trở nên e dè, không dám chấp nhận rủi ro hay thử nghiệm những ý tưởng mới, bởi nỗi sợ vướng vào vòng lao lý.
Ngược lại, nếu chúng ta cho phép các doanh nghiệp khắc phục sai phạm thông qua các biện pháp kinh tế phù hợp, họ sẽ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nhất định để đổi lấy cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để trục lợi cá nhân. Nguyên tắc cơ bản là mức phạt phải đủ sức răn đe, nghĩa là phải lớn hơn nhiều so với lợi ích bất chính mà họ thu được. Thực tế hiện nay, nhiều hình phạt kinh tế ở nước ta còn quá nhẹ hoặc mang tính cố định, chưa đủ sức răn đe cần thiết. Nếu mức phạt tương xứng với lợi ích thu được từ sai phạm, thậm chí cao hơn nhiều lần, thì việc xử lý hình sự có thể không còn là giải pháp tối ưu.
Bảo An
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/nghi-quyet-68-coi-troi-the-che-thao-luoi-guom-hinh-su-hoa-treo-tren-dau-doanh-nghiep-post559890.html