Nghị quyết 68 - Cú hích cho thị trường chứng khoán từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt

Nghị quyết 68 - Cú hích cho thị trường chứng khoán từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt
9 giờ trướcBài gốc
Chính sách đột phá cho khu vực tư nhân
Đánh giá về triển vọng phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW vừa được ban hành, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc khối khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho rằng, đây là văn bản khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.
“Có sự thay đổi rõ nét về quan điểm chỉ đạo đối với kinh tế tư nhân trong những phát biểu của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ban ngành gần đây và cụ thể hóa bằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết 68 nêu rõ việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm”, bà Quỳnh nhấn mạnh.
Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc khối khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect.
Theo bà Quỳnh, các ngành như năng lượng, vật liệu xây dựng, hạ tầng và công nghệ sẽ hưởng lợi và có những đột phá khi được hưởng các chính sách ưu tiên phát triển cũng như được tham gia vào các dự án lớn của quốc gia như dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các dự án năng lượng tái tạo và các dự án chuyển đổi số…
Ngoài ra, với việc Chính phủ đang thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng của các nhóm ngành Ngân hàng, Bất động sản và Xây dựng.
Cũng theo vị chuyên gia từ VNDirect, nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết 68 có thể giúp xây dựng một hệ sinh thái khu vực tư nhân ba tầng, gồm các tập đoàn lớn dẫn dắt - các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vệ tinh - và các startup đổi mới sáng tạo, định vị khu vực này trở thành trụ cột trung tâm của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045.
Nghị quyết 68 sẽ mở đường cho các cải cách thể chế được mong đợi từ lâu như bảo vệ quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, nhất là trong đấu thầu và tiếp cận đất đai, tín dụng, khơi thông các nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt trong hạ tầng số, năng lượng và logistics - những lĩnh vực yêu cầu lớn về giải quyết thủ tục hành chính.
Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ bao gồm mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lên ít nhất 50 nghìn tỷ đồng, triển khai hạn mức tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, cung cấp ưu đãi thuế 200% cho hoạt động Nghiên cứu Phát triển (R&D) và đào tạo lao động, đồng thời phát triển vốn mạo hiểm trong nước thông qua mô hình Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư (co-investment).
Chính phủ cũng sẽ khởi động chương trình “Vietnam Global Champions” để hỗ trợ 50 doanh nghiệp tiềm năng trong hoạt động tư vấn mua bán sáp nhập (M&A), bảo hiểm rủi ro chính trị và ưu tiên tiếp cận đàm phán thương mại; nâng tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 60% đối với ngành điện tử, ô tô, dệt may thông qua các gói ưu đãi thuế linh kiện.
Những trụ cột dẫn dắt thị trường chứng khoán
Diễn biến hiện tại cho thấy cổ phiếu của một số doanh nghiệp tư nhân lớn thực sự là đầu tàu và trụ đỡ cho thị trường chứng khoán, tiêu biểu như các cổ phiếu nhóm Vingroup. - Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc khối khách hàng tổ chức, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect
Cũng theo bà Quỳnh, cổ phiếu của các doanh nghiệp tư nhân lớn đã và đang đóng vai trò then chốt trong vận động chung của thị trường.
Trong bối cảnh VN-Index đi ngang từ đầu năm đến nay, 3 cổ phiếu nhóm này đã đóng góp thêm trên 90 điểm cho thị trường. Ngoài ra, cổ phiếu của một số doanh nghiệp tư nhân lớn cũng có diễn biến tích cực từ đầu năm như nhóm ngân hàng tư nhân (Techcombank, Sacombank, SHB), nhóm cổ phiếu Gelex, nhóm cổ phiếu thuộc Tập đoàn Thành Thành Công... Các cổ phiếu này đều có mức tăng trưởng ấn tượng từ 30% đến trên 100%.
Như trong phiên giao dịch đầu tuần này (12/5), chỉ số VN-Index đảo ngược đà giảm và sớm quay lại vùng tăng, đóng cửa tăng mạnh 1,26% nhờ lực kéo của các mã dẫn dắt thuộc khối tư nhân, đặc biệt là VIC - cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup. Không riêng VIC, TCB và FPT đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của chỉ số. Lực mua tăng mạnh ngay sau thông tin Mỹ và Trung Quốc đồng ý giảm thuế xuống 30% trong 90 ngày tới. Diễn biến này kích hoạt làn sóng tâm lý tích cực, đẩy chỉ số tăng mạnh và đóng cửa vững chắc trong vùng tăng.
Những diễn biến hiện tại có tác động tích cực về mặt tâm lý cho các nhà đầu tư và chúng ta sẽ có những phiên giao dịch khả quan trong tuần này. Dù vậy, chuyên gia từ VNDirect nhấn mạnh nhà đầu tư cần theo dõi kết quả của cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam để đưa ra quyết định đầu tư thận trọng.
Yêu cầu khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán
Trong các biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết 68 đặt trọng tâm vào nhiệm vụ đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Trong đó, tập trung vào rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho kinh tế tư nhân, đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; hoàn thiện pháp lý liên quan đến quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,…
Đối với thị trường vốn, Nghị quyết 68 yêu cầu rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư góp vốn của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp; tăng hạn mức đầu tư vào tài sản dài hạn hoặc tài trợ vốn trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp; thiết lập cơ chế huy động vốn trung và dài hạn cho các quỹ đầu tư. Nghiên cứu cho phép các định chế đầu tư tài chính mở rộng khả năng huy động vốn từ các nguồn như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí tự nguyện để phát triển thị trường vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng đặc biệt nhấn mạnh việc khẩn trương nâng hạng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường bảo hiểm, hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp để nâng cao chất lượng và mở rộng kênh huy động vốn ổn định, chi phí thấp cho kinh tế tư nhân. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về chứng khoán hóa các khoản nợ.
Tùng Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nghi-quyet-68---cu-hich-cho-thi-truong-chung-khoan-tu-nhom-co-phieu-dan-dat-d283407.html