Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế”, trong đó có nhiều nội dung quan trọng mang tính định hướng sâu sắc cho kinh tế Việt Nam giai đoạn sắp tới. Có thể nói, đây chính là động lực mới, hứa hẹn tạo ra nhiều đột phá mang tính chiến lược cho phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân.
Sau thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nước ta chính thức bước vào một trang sử mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, ở những năm đầu sau giải phóng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, kinh tế đất nước kém phát triển, các nguồn lực trong nước không được tận dụng và phát huy… dẫn đến nhiều hệ lụy.
Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI như một làn gió mới, mát lành thổi tới khắp nơi khi lần đầu tiên chính thức thừa nhận một nền kinh tế nhiều thành phần. Đây được coi là những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp phát triển kinh tế ngày càng đa dạng, đa phương của đất nước.
Nhờ vậy, từ chỗ chỉ tồn tại "thoi thóp", "cầm chừng" trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bị phân biệt đối xử không chỉ trong ý thức xã hội mà trong cả cơ chế, chính sách của nhà nước, kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho xã hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương cũng như trong cả nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, khẳng định vai trò, động lực quan trọng trong hội nhập quốc tế.
Kinh tế tư nhân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Vĩnh Phúc kể từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay. Nhờ đó, Vĩnh Phúc vươn lên từ một tỉnh nghèo thuần nông thành tỉnh công nghiệp phát triển, giàu mạnh hàng đầu cả nước.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, với tầm nhìn, chính sách đúng đắn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân là sự lựa chọn sống còn để thúc đẩy sản xuất vật chất, tạo ra sự biến đổi xã hội, "sức bật" về trình độ công nghệ, đào tạo nghề, gia tăng khả năng hấp thu vốn, thúc đẩy tăng năng suất lao động, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội.
Để phát triển kinh tế tư nhân, vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với những thay đổi có tính bước ngoặt về tư duy, nhận thức, hành động, tạo thành đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng so với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước trước đây.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nêu rõ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt là việc định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, coi đây là động lực mới cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, người đứng đầu Đảng ta nhấn mạnh: Cần phải triển khai quyết liệt, hiệu quả các công tác để sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Cụ thể là ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận và ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi, hiệu quả.
Thúc đẩy, tạo sự đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng "phục vụ" thay vì đối tượng "quản lý", đảm bảo nguyên tắc "nói đi đôi với làm" thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuyển toàn bộ quy trình hành chính sang hậu kiểm, trừ một số lĩnh vực đặc thù. (Riêng việc này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian chết và nhiều nguồn lực, nguồn kinh phí khổng lồ không bị lãng phí).
Tiếp đó là khẩn trương thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành pháp luật và bảo đảm thực hiện nghiêm minh trong toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt là thiết lập được hệ thống cạnh tranh công bằng, xác định rõ danh sách các hành vi tác động tiêu cực đến tiếp cận thị trường và phân biệt đối xử trong cạnh tranh thị trường đối với kinh tế tư nhân.
Tạo ra cơ chế thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ tài chính, yêu cầu các tổ chức tài chính thiết lập hệ thống đánh giá tín dụng phù hợp với kinh tế tư nhân và hỗ trợ tài chính.
Khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong các dự án lớn, trọng điểm quốc gia và thiết lập các cơ sở hạ tầng nghiên cứu đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thiết lập hệ thống bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường, phân biệt rõ ràng giữa tranh chấp kinh tế và tội phạm hình sự, nghiêm cấm các hành vi lạm dụng pháp luật trong quản lý thị trường…
Có thể nói, với quy định rõ ràng trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và định hướng cụ thể của Tổng Bí thư Tô Lâm, kinh tế tư nhân đang đứng trước một cơ hội không thể tốt hơn để bứt phá bay lên cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Làm kinh tế tư nhân không những không bị chèn ép làm khó dễ mà còn được pháp luật bảo vệ, được Nhà nước hỗ trợ, chăm lo về vốn, kỹ thuật và chính sách. Thử hỏi còn động lực nào hơn thế?
Quang Nam