Đến thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang đã phát triển được khoảng 6.400 doanh nghiệp và 65.000 hộ kinh doanh trên các lĩnh vực, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Từ sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành công nghiệp địa phương đã phục hồi mạnh mẽ, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng 12%, thường đứng hàng thứ 3 khu vực ĐBSCL. Cá biệt năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 6,5 tỷ USD tăng gần 20% so với năm trước đó.
Hiện nay, Tiền Giang có 03 khu công nghiệp là Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, với tổng diện tích hơn 816 ha đã đi vào hoạt động ổn định với tỷ lệ thuê đất đạt hơn 89%. Riêng KCN Bình Đông và KCN Tân Phước 1 đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng. Theo kế hoạch tiến độ đăng ký, dự kiến cuối năm 2025, Tiền Giang sẽ có 02 KCN này đưa vào khai thác với diện tích khoảng 120 ha. Tuy nhiên so với tiềm năng, lợi thế của địa phương thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn có một số mặt hạn chế nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất nhỏ lẽ, tính cạnh tranh hàng hóa chưa cao, chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa mang tính bền vững. Do đó, Nghị quyết 68 của Bộ chính trị là “luồng gió mới”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân vươn mình.
Doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Tiền Giang đang phát triển, tạo ra hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận, tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang- doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng nước giải khát, mỹ phẩm từ trái cây phấn khởi: “Nói chung chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân thì thấy Nghị quyết này rất đúng đắn. Trước đây, Đảng ta đã lãnh đạo có cho kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng XHCN, nhưng giờ này thấy trên thế giới đã mở ra cho tư nhân phát triển kinh tế, đất nước người ta ngày càng giàu, nên đây là cái chuyển mình trong thời đại mới nên tôi cho rằng chủ trương này hết sức đúng đắn để vươn lên tầm cao mới. Đảng, Nhà nước cần quan tâm tháo gỡ những chủ trương, chính sách, tinh giảm bớt biên chế, làm sao cho bộ máy ngày càng thông thoáng hơn, xác thực hơn, giúp cho doanh nghiệp, “cởi trói” nhiều cho doanh nghiệp hơn nữa để doanh nghiệp phát triển hơn, nhất là các thủ tục hành chính, quản lý chồng chéo, lòng vòng, mất hiệu quả mà còn sinh ra tham ô, tham nhũng, thâm lạm của nhà nước”.
Đội ngũ doanh nhân tỉnh Tiền Giang đã khẳng định vai trò, vị thế của mình trên mặt trận sản xuất, kinh doanh
Còn ông Phạm Nguyên Khang, Phó Giám đốc công ty Thép Minh Trang tại xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khi tìm hiểu các nộ dung từ Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị cũng cho rằng, đây là “ chìa khóa” mở ra cơ hội để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; trong đó có vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân.
“Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, tôi thấy kinh tế tư nhân là một trong những động lực của đất nước, người dân rất là hài lòng từ quản lý hành chính công chuyển sang phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân để phát triển bền vững. Trước giờ đã có quan tâm rất nhiều rồi, người dân đã làm được những gì mà pháp luật cho phép. Thời gian tới, khi có Nghị quyết 68, mong sẽ có những thay đổi, nhất là thủ tục hành chính công làm sao cho nhanh, gọn để người dân và doanh nghiệp được thuận lợi. Những gì mà người dân, doanh nghiệp bức xúc cần giải quyết liền”- Ông Phạm Nguyên Khang chia sẻ.
Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận được tuyên dương doanh nhân tiêu biểu toàn quốc
Thời gian qua, Tỉnh ủy- UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang rất quan tâm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Song song đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các dự án đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đến thăm các chủ doanh nghiệp tiêu biểu
Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2030, Tiền Giang sẽ phát triển 11 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.358 ha, gồm 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Bình Đông, Tân Phước 1 với tổng diện tích hơn 1.783 ha; riêng 5 KCN gồm: Tân Phước 2, Tân Phước 3, Tân Phước 4, Tân Phước 5, Phú Tân với tổng diện tích 1.575 ha sẽ được phát triển mới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp. Dự kiến đến năm 2030, Tiền Giang sẽ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp tại 3 KCN: Long Giang, Bình Đông và Tân Phước 1. Song song đó, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.375 ha, nâng tổng số cụm công nghiệp lên 30 CCN với tổng diện tích 1.476 ha. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng (Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Gia Thuận 1), với tổng diện tích trên 101 ha.
Tiền Giang đang xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư
Với việc tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp, thời gian qua, các khu, CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án khi đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và xuất khẩu… Hiện nay, các KCN trên toàn tỉnh thu hút được 114 dự án với tổng vốn đầu tư là 2,85 tỷ USD và 4.959 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 86.700 lao động. Các cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút 68 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 14.500 lao động.
Để Nghị quyết 68 của Bộ chính trị đi vào thực tiễn, phát huy được hiệu quả cao nhất cần sớm triển khai, thực hiện với các chính sách quan tâm, hỗ trợ nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ về vấn đề vốn vay ưu đãi, thuế, các chính sách hỗ trợ...
Ông Nguyễn Myxso Vinasec, Phó giám đốc công ty TNHH thương mại Chăn nuôi Hoàng Gia Huy – doanh nghiệp chuyên kinh doanh trứng gà tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo bày tỏ: “Chủ trương của Đảng- Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân rất tốt sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thêm động lực để phát triển mạnh hơn nữa và đi được “đường dài”, góp phần phát triển lĩnh vực của mình. Lĩnh vực kinh doanh của tôi là trứng gà nên sẽ tập trung gia tăng sản xuất, nghiêm chỉnh thực hiện vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, làm sao cho trứng gà đạt chất lượng, tăng quy mô, mở rộng thị trường, đưa hàng hóa vô siêu thị, cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài, giải quyết công ăn việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước tại địa phương. Nhà nước cần hỗ trợ về vốn vay ưu đãi lãi suất, chính sách thuế ưu đãi để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh thêm”.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vừa ban hành đã được sự đón nhận, ủng hộ rất cao của doanh nghiệp tư nhân ở tỉnh Tiền Giang cũng như cả nước. Với những thành quả đã đạt được trong thời gian qua và những chủ trương, chính sách mới từ Nghị quyết 68, tin rằng kinh tế tư nhân ở tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, vững vàng giương buồm ra biển lớn.
Chu Trinh/VOV - ĐBSCL