Tại phiên thảo luận sáng 12/5, góp ý vào dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) và Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đã đưa ra hàng loạt kiến nghị có tính chiến lược, hướng đến xây dựng môi trường thuế công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy báo chí chuyển đổi số.
Sáng 12/5/2025, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: VPQH
Thuế phải là đòn bẩy, không phải là gánh nặng
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Duy Minh đánh giá cao dự thảo luật khi đã bước đầu đưa vào các nội dung miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trái phiếu xanh, tín chỉ carbon. Tuy nhiên, ông cho rằng các quy định hiện hành vẫn chưa đủ mạnh và chưa bao quát được toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng như đặc thù vận hành của các startup công nghệ cao.
Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng. Ảnh: VPQH
Đại biểu Nguyễn Duy Minh kiến nghị kéo dài thời gian miễn thuế R&D từ 3 năm lên tối đa 5 năm, vì chu kỳ phát triển sản phẩm công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng tái tạo và AI có thể kéo dài 10 - 15 năm.
“Khởi nghiệp là lực lượng tiên phong. Chính sách thuế phải là cánh tay hỗ trợ chứ không thể là gánh nặng”, đại biểu nhấn mạnh và đề xuất: Miễn thuế tối đa 3 năm cho các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế chưa vượt 1 tỷ đồng/năm, hoạt động trong ngành nghề ưu tiên. Ngoài ra, cần có thêm quy định miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu có lãi cho doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và startup tiềm năng.
Liên quan đến quy định tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu, ông yêu cầu cần phải sửa đổi. Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, đây là cách tiếp cận chưa phù hợp với startup vì khi doanh nghiệp còn đang lỗ, chưa có lãi, lại phải nộp thuế trên doanh thu là điều phi lý.
Ngoài ra, đại biểu đề xuất cho phép đưa các chi phí như nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân sự vào khoản được trừ để xác định thu nhập chịu thuế. Theo ông, đây là các chi phí “nền tảng nhưng chưa được luật hóa đầy đủ”.
Đáng chú ý, ông đề nghị tích hợp ngay chính sách ưu đãi thuế cho R&D và khởi nghiệp vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này để tránh tình trạng “một chính sách nằm rải rác ở nhiều luật”, gây chồng chéo, khó áp dụng.
Về hiệu lực thi hành, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề nghị rút ngắn thời gian có hiệu lực từ 1/1/2026 xuống 1/10/2025 để phù hợp với tiến độ triển khai Nghị quyết 68 và nhu cầu bức thiết từ cộng đồng doanh nghiệp.
Báo chí chính thống cần được ưu đãi đúng bản chất
Đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Luật khi đã bổ sung báo chí và quảng cáo trên báo chí vào đối tượng được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Đại biểu Thạch Phước Bình gọi đây là “bước tiến chiến lược”, góp phần hỗ trợ ngành báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh: VPQH
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất cần quy định chặt chẽ để tránh tình trạng các tổ chức truyền thông trá hình lợi dụng chính sách. Theo ông, chỉ các cơ quan báo chí được cấp phép theo Luật Báo chí mới đủ điều kiện được hưởng ưu đãi này. Đồng thời, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị làm rõ liệu quảng cáo trên báo điện tử có thuộc phạm vi ưu đãi hay không.
“Báo chí không đơn thuần là hoạt động kinh doanh mà còn mang sứ mệnh chính trị - xã hội. Do đó, ưu đãi thuế không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn là sự công nhận giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề xuất xây dựng các tiêu chí để kiểm soát hiệu quả ưu đãi thuế đối với báo chí, như tỷ lệ nội dung chính thống, chất lượng sản phẩm thông tin, năng lực cạnh tranh nội dung số và khả năng tiếp cận cộng đồng.
Không dừng lại ở ưu đãi thuế, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí địa phương còn hạn chế về nguồn lực.
Ở nhóm nội dung khác, đại biểu bày tỏ lo ngại về việc các quy định ưu đãi thuế lại giao Chính phủ ban hành qua các văn bản dưới luật. Điều này khiến doanh nghiệp khó tra cứu, khó lên kế hoạch đầu tư. Đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị cần ban hành danh mục ngành nghề và địa bàn được ưu đãi ngay trong luật hoặc ít nhất ban hành kèm theo một phụ lục chính thức.
Riêng với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ông cho rằng cần có chế độ kế toán đơn giản hoặc chi phí mặc định theo tỷ lệ định mức. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn xử lý sai sót nhỏ về chứng từ, hóa đơn điện tử, tránh gây áp lực không đáng có cho doanh nghiệp.
Về thuế xuyên biên giới và thuế tối thiểu toàn cầu, ông đề nghị bổ sung rõ trách nhiệm kê khai và nộp thuế của các tập đoàn kỹ thuật số lớn không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cần có giải pháp triển khai các tiêu chuẩn OECD để đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng trong thu thuế toàn cầu.
5 đề xuất nổi bật của đại biểu Quốc hội về Luật Thuế TNDN (sửa đổi):
Miễn giảm thuế tối đa 5 năm cho doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; không tính thuế theo doanh thu với startup đang lỗ, chưa có lãi; ưu đãi thuế rõ ràng cho báo chí chính thống, tránh bị lợi dụng; áp dụng cơ chế kế toán đơn giản cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; quy định rõ trách nhiệm thuế của các tập đoàn công nghệ xuyên biên giới.
Hoàng Nhưỡng