Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc khẩn trương đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp kinh doanh vào các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Tiềm năng và thách thức
Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến cuối năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có hơn 4.000 DN khởi nghiệp sáng tạo (trong đó có 2 kỳ lân, 11 DN được định giá trên 100 triệu USD, hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, 202 khu làm việc chung); 208 quỹ đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; 79 cơ sở ươm tạo (trong đó khoảng 170 trường đại học/cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia).
Cũng trong năm 2024, Việt Nam xếp hạng thứ 56, tăng 2 hạng so với năm 2023 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Trong đó có Hà Nội và TPHCM vào Top 200, Đà Nẵng vào Top 1.000 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.
Đáng chú ý, vốn vào khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” trên toàn cầu. Theo đó, trong năm 2024 có gần 100 quỹ đầu tư rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, với tổng số vốn khoảng 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước.
Song theo đánh giá của ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC, so với mức giảm 35% của tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu, thì mức giảm 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước nhiều thách thức trên thị trường vốn.
Khi nhìn vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, hầu hết các chuyên gia đều có những đánh giá rất tích cực. Tại phiên thảo luận thúc đẩy đầu tư cho các DN khởi nghiệp mới tại các nền kinh tế mới nổi, trong khuôn khổ P4G 2025 diễn ra hồi giữa tháng 4 vừa qua, bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm TouchStone Partners nhìn nhận, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện đang có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là khả năng chống chịu tốt, tư duy thực tế, sáng tạo và linh hoạt.
Tiềm năng lớn, thế nhưng các DN khởi nghiệp của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đầu tiên có thể nhắc đến chính là thiếu vốn. Hầu hết các công ty khởi nghiệp thường phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài, như tìm kiếm vốn từ các nhà đầu tư thiên thần hay các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng cũng không hề đơn giản.
Thông thường các nhà đầu tư thiên thần của các công ty khởi nghiệp Việt đến từ chính gia đình, người thân. Bởi tiếp cận vốn ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp, bài toán quá khó với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp. Còn vốn từ ngân sách nhà nước thường được đánh giá khó tiếp cận, vì thủ tục phức tạp mà số vốn vay còn hạn chế.
Từng bước gỡ rào cản
Trong nội dung đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế chính sách của Nghị quyết 68 nêu rõ, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa, thương mại điện tử...
Có cơ chế thử nghiệm đối với những ngành, lĩnh vực mới trên cơ sở hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là tin vui đầu tiên với giới khởi nghiệp sáng tạo, vì khi có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, DN khởi nghiệp sẽ giảm được quy trình đăng ký kinh doanh rườm rà khi có mô hình hay ý tưởng mới.
Một điểm nữa cũng được cộng đồng DN khởi nghiệp quan tâm trong Nghị quyết 68, chính là việc ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
Điều này được đánh giá có thể giúp DN khởi nghiệp thử nghiệm mô hình kinh doanh, sản phẩm hoặc công nghệ mới, mà không phải tuân thủ toàn bộ quy định pháp lý khắt khe ngay từ đầu, giúp giảm đáng kể chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian ra thị trường, và quan trọng hơn cả là mở ra không gian cho đột phá sáng tạo trong các lĩnh vực có tính mới như AI, blockchain hay fintech.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 chỉ rõ có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập DN phải nộp. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo.
Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại DN khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính sách này được đánh giá sẽ hỗ trợ thêm cơ hội cho việc tìm vốn, nhân lực của DN khởi nghiệp.
Với riêng câu chuyện vốn, một thách thức được nói đến nhiều với các DN khởi nghiệp, thì Nghị quyết 68 cũng đưa ra những giải pháp rất cụ thể. Theo đó, có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa, DN công nghiệp hỗ trợ, DN khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng.
Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thẩm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp. Nếu có những cơ chế này, DN khởi nghiệp sẽ “dễ thở” hơn khi tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong giai đoạn đầu khởi sự kinh doanh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng chỉ rõ phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hóa, minh bạch hóa, số hóa điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn; đa dạng hóa nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đóng góp từ DN, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Nhiều DN bày tỏ niềm vui và sự tin tưởng mạnh mẽ vào những đột phá cho sự phát triển của kinh tế tư nhân nói chung, nhóm DN khởi nghiệp sáng tạo nói riêng của Nghị quyết 68. Song cái DN chờ đợi nhiều hơn nữa chính là quá trình đưa Nghị quyết 68 vào thực tế. Nếu tinh thần của Nghị quyết 68 được thực hiện tốt trong thực tế sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho khu vực kinh tế tư nhân, cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh việc khẩn trương đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp kinh doanh vào các cơ sở giáo dục, đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong học sinh, sinh viên.
THANH DUNG