Kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ảnh minh họa: INT
Với sự khẳng định mạnh mẽ về vai trò và vị thế, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới đầy triển vọng cho kinh tế tư nhân Việt Nam, với những cơ hội vàng để bứt phá và phát triển.
Song, để tối ưu hóa phát huy tối đa hiệu quả, chặng đường phía trước đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của chính cộng đồng doanh nghiệp.
Quyết sách mang tầm vóc lịch sử
Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, là việc tiếp cận các nguồn lực quan trọng như vốn, đất đai, khoa học công nghệ và thông tin thị trường. Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc phải có những chính sách cụ thể để tháo gỡ những nút thắt này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực một cách công bằng và hiệu quả hơn.
Nghị quyết đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được ưu tiên, tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Sự khẳng định vai trò “động lực quan trọng nhất” cũng đồng nghĩa với việc vị thế xã hội và uy tín của doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân được nâng lên một tầm cao mới. Điều này sẽ tạo ra một môi trường tâm lý tích cực, khích lệ tinh thần cống hiến, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ doanh nhân, những người lính trên mặt trận kinh tế.
Cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào các dự án lớn của quốc gia: Với sự tin tưởng và trao quyền lớn hơn, doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia, đóng góp trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị thực sự là một bước ngoặt tư duy, một quyết sách mang tầm vóc lịch sử, “tiếp lửa” cho khát vọng vươn lên của kinh tế tư nhân Việt Nam. Nó không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp to lớn mà còn là sự đặt niềm tin, trao trọng trách và mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có cho khu vực kinh tế năng động này.
Tuy nhiên, để những chủ trương đúng đắn, những định hướng chiến lược của nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tối đa hiệu quả, chặng đường phía trước đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng của chính cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phan Minh Thông. Ảnh: NVCC
Cơ hội và thách thức đan xen
Những biến động địa chính trị và cuộc cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là việc Hoa Kỳ gia tăng chính sách thuế quan với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, đã tạo ra những tác động đa chiều và phức tạp đến nền kinh tế Việt Nam.
Một mặt, có những cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Mặt khác, Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ vô hình trung bị quy về “trạm trung chuyển” hoặc vướng vào các cáo buộc gian lận xuất xứ, dẫn đến những biện pháp trừng phạt thương mại.
Đối với nhiều doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn, nguy cơ đối mặt với các rào cản thuế quan cao hơn là hiện hữu. Nguyên nhân không chỉ đến từ các yếu tố khách quan bên ngoài mà còn từ những hạn chế nội tại như: Thiếu một chuỗi cung ứng nội địa đồng bộ, mạnh mẽ; Tên tuổi và thương hiệu trên thị trường quốc tế chưa đủ lớn để có tiếng nói và vị thế đàm phán vững chắc.
Trong bối cảnh đó, sự phân hóa trong cộng đồng doanh nghiệp ngày càng rõ rệt: Những doanh nghiệp nhanh nhạy, có sự chuẩn bị tốt và sở hữu những lợi thế riêng có thể tìm thấy cơ hội, trong khi những doanh nghiệp yếu thế hơn có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phúc Sinh đưa ra một góc nhìn lạc quan, nhưng không kém phần thực tế: Hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh độc đáo, đồng thời rất phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh hóa, bền vững đang ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu. Các sản phẩm nông sản nhiệt đới đặc thù của chúng ta là những thứ mà nhiều thị trường, kể cả những thị trường khó tính, luôn có nhu cầu.
“Một đối tác của chúng tôi, Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan khẳng định: Biến động thuế quan không đáng lo bằng biến đổi khí hậu. Theo đó, tôi cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ, cần thiết trên tầm nhìn để trang bị cho doanh nghiệp sức mạnh cạnh tranh bền vững, dài hơn trong tương lai, không chỉ đơn thuần là chống chịu, phục hồi hay tăng trưởng trong ngắn hạn.
Và quan trọng nhất, mọi chính sách phải thiết thực, doanh nghiệp tiếp cận được - tránh trường hợp hỗ trợ ưu đãi như trước đây, sau đó kiểm toán và doanh nghiệp bị phạt, gây khó khăn trở ngại trong tiếp cận và rào cản hiệu quả thật của các chính sách hỗ trợ”, ông Thông chia sẻ.
Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xuất xứ, điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực cốt lõi của mình. Đó là xây dựng và bảo vệ thương hiệu, quản trị hiệu quả chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng, và quan trọng nhất là phải luôn sẵn sàng tâm thế để đối mặt và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường.
Nếu những thách thức từ thị trường quốc tế là yếu tố khách quan khó kiểm soát hoàn toàn, thì những rào cản từ chính môi trường kinh doanh nội địa lại là điều khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, nhưng “khoảng cách” giữa chính sách và thực thi vẫn còn hiện hữu.
_______________________
Bài 1:
Bài cuối: Bứt phá từ cải cách và nội lực
Hà Trang