Nghị quyết 68 trở thành cuộc cách mạng tư duy về thể chế cho khu vực kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 trở thành cuộc cách mạng tư duy về thể chế cho khu vực kinh tế tư nhân
5 giờ trướcBài gốc
Cuộc cách mạng về tư duy bắt đầu được thực hiện
Nhiều lần tiếng vỗ tay đã lan rộng tại hội trường Quốc hội, nơi tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân diễn ra sáng nay, 18/5/2025, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày các nội dung trọng tâm cốt lõi của Nghị quyết.
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân diễn ra sáng nay, 18/5/2025. Ảnh: Quochoi.vn
Nhất là khi Thủ tướng trình bày rất chi tiết nhóm giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp này nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề thể chế, không để thể chế tiếp tục là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà là động lực thúc đẩy mạnh mẽ KTTN phát triển. Tinh thần đặt ra là phải đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"; khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quá giữa giữa các bộ, ngành, địa phương; chủ động kiến tạo một môi trường thể chế thuận lợi nhất; tập trung giải quyết về bản chất những vấn đề cốt lõi nhất về bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng, thực thi hợp đồng; phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
“Đây là nội dung doanh nghiệp rất quan tâm và chờ đợi việc triển khai ngay khi Nghị quyết 68 được ban hành”, Thủ tướng nhấn mạnh khi trình bày 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân của Nghị quyết 68.
“Chúng ta đã tiến tới nhận thức rất rõ, là kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, đang đi vào hành động quyết liệt”, Thủ tướng khẳng định.
Tính từ ngày 4/5/2025, Nghị quyết 68/NQ-TW mới được ban hành tròn 2 tuần, nhưng đã cơ sở pháp lý để thực hiện đã cơ bản được hoàn thiện. Hôm qua, ngày 17/5, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.Ngày 16/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Chiều hôm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội. Thời gian gấp, nhưng tinh thần làm việc rất khẩn trương của, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư”, Thủ tướng báo cáo rất chi tiết tại Hội nghị.
Nghị quyết 139 được Thủ tướng khẳng định là tập trung thực hiện với phương châm là quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Tinh thần “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”, bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW.
“Chương trình hành động của Chính phủ: 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể”, Thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt, phát biểu tại Hội nghị, cùng với cuộc cách mạng về tổ chức đang được triển khai, các nghị quyết của Bộ Chính trị vừa được ban hành (gồm Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về xây dựng và thực thi pháp luật) Nghị quyết 68 được Thủ tướng Chính phủ khẳng định là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, cuộc cách mạng về tổ chức sẽ chuyển trạng thái của bộ máy nhà nước từ thụ động tiếp nhận giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, người dân sang trạng thái chủ động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, cắt giảm đầu mối, cắt giảm khâu trung gian, tăng cường năng lực cơ sở sẽ mở ra không gian phát triển mới...
Doanh nghiệp sẵn sàng cống hiến
Nhưng cuộc cách mạng này không chỉ dừng lại trong hệ thống chính trị. Là doanh nhân đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco đã gọi Nghị quyết 68 như “cơn mưa rào” đến khi đang hạn hán.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
“Nghị quyết 68 đã nói đến các vướng mắc, những trăn trở của doanh nghiệp, doanh nhân, những lý do mà nhiều năm nay, chúng tôi mong muốn làm nhiều việc, muốn cống hiến, nhưng chưa làm được. Chúng tôi cảm thấy như hạn hán gặp cơn mưa rào”, ông Vũ Văn Tiền chia sẻ cảm xúc.
Ngay tại Hội nghị, ông đã kêu gọi cộng đồng doanh nhân cùng hưởng ứng, cùng cống hiến khi Nghị quyết 68 đã giải phóng các nguồn lực trong doanh nghiệp, trong người dân, trong nền kinh tế.
Nhưng cũng chính sự hào hứng, phấn khởi này đang đặt các doanh nghiệp, doanh nhân vào sự kỳ vọng lớn hơn, đó là giai đoạn thực thi, chờ đợi lớn vào các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ.
Thậm chí, ông Tiền đề xuất có cơ quan độc lập giám sát quá trình này, đồng thời có cơ quan tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện để gửi tới Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ…
Cùng với ông Tiền, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cũng kiến nghị Chính phủ có lộ trình số hóa hệ thống pháp lý để doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận.
Trả lời ngay tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cam kết thực thi theo tinh thần đã hứa là làm, đã làm là phải ra sản phẩm. Các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp thu tinh thần này để thực hiện tốt hơn.
“Rất mong doanh nghiệp cùng với tinh thần này để thực hiện Nghị quyết 68”, Thủ tướng kỳ vọng.
Vì, Thủ tướng chia sẻ quan điểm, ngoài việc tham gia thực hiện quyết liệt, trách nhiệm của bộ, ngành, Nhà nước, rất cần sự tham gia, vào cuộc của doanh nghiệp”, Thủ tướng đặt vấn đề, với các doanh nghiệp, doanh nhân đang tham gia Hội nghị quán triệt.
Ngay tại Nghị quyết 68 cùng như các nghị quyết của Quốc hội, chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ đang thực hiện yêu cầu tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Thủ tướng khẳng định đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
"Chính phủ đã giao việc, doanh nhiệp doanh nhân cần thực hiện đúng tinh thần đã nói là làm, đã làm là ra sản phẩm", Thủ tướng làm rõ yêu cầu.
Đặc biệt, tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sẽ phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta. "Tổng Bí thư đã chỉ đạo mọi người, mọi nhà cùng tham gia. Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Nội vụ sẽ sớm phát động phong trào này".
Nhóm 50 nhiệm vụ cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng
- Sửa đổi bổ sung 11 Luật gồm: Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đấu thầu, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Phí và Lệ phí, Luật Thống kê, Luật Cán bộ công chức, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật phá sản, Luật Thương mại, Luật Thanh tra...
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí, điều kiện kinh doanh; quán triệt công chức, viên chức, người lao động đổi mới tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, đảm bảo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”; nghiêm cấm lạm dụng cơ chế “xin-cho”, hành vi bảo hộ cục bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.
- Đẩy mạnh thực thi pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong và ngoài nước, thực hiện hiệu quả 19 FTA đã ký kết và tiếp tục đàm phán, ký kết, nâng cấp các FTA với các đối tác khu vực châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ...
- Hoàn thiện pháp luật liên quan đến dữ liệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an ninh, an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp xác minh, phòng ngừa rủi ro an ninh, xử lý hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh trên không gian mạng; hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn lao động.
- Có giải pháp chấm dứt ngay tình trạng nợ đọng thanh toán của cơ quan nhà nước, chiếm dụng vốn của doanh nghiệp. Thanh tra Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương thực hiện rà soát, phân loại đối tượng; chấm dứt thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài; đẩy mạnh hoạt động thanh tra trực tuyến, từ xa.
- Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ để thực hiện trực tuyến toàn trình thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; rút ngắn 30% thời gian thực hiện thủ tục yêu cầu cấp quyền sở hữu trí tuệ.
- Rà soát, sửa đổi các Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự để cụ thể hóa, phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự trong xử lý vi phạm; tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật.
Nguồn: Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 17/5/2025
Khánh Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nghi-quyet-68-tro-thanh-cuoc-cach-mang-tu-duy-ve-the-che-cho-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-d285335.html