Nghị quyết của khát vọng

Nghị quyết của khát vọng
14 giờ trướcBài gốc
Chính quyền số - thúc đẩy hiện đại hóa hành chính
Trước đây, với một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính có kết nối internet, người dân đã có thể tra cứu nhiều thông tin trong nước và thế giới. Nhưng giờ đây, cũng với chiếc điện thoại hoặc máy tính ấy, người dân còn có thể đăng ký tạm trú, cấp hộ chiếu, đăng ký cấp biển số xe, thay thế thẻ bảo hiểm y tế… Bởi hiện nay, số thủ tục hành chính đã cung cấp trên cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh lên tới 2.405 DVC, trong đó 1.366 DVC kết nối Cổng DVC quốc gia, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; chất lượng cung cấp DVC xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Chị Nguyễn Hiền Thiên Trang ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản chia sẻ: “CĐS đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân. Thay vì đến xếp hàng ở cơ quan giải quyết thủ tục trong giờ hành chính, có khi phải xin nghỉ làm để đi nộp hồ sơ, thì với DVC trực tuyến, tôi có thể nộp hồ sơ bất cứ khi nào, kể cả ngoài giờ hành chính. So với cách nộp hồ sơ trực tiếp truyền thống thì nay thời gian đã rút gọn hơn rất nhiều”.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh và đại biểu tham quan các giải pháp công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tại hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bình Phước năm 2023
Chính quyền số - trụ cột có ý nghĩa quyết định, tạo ra sự lan tỏa mang yếu tố nền tảng cho toàn xã hội để kinh tế số và xã hội số tăng trưởng mạnh mẽ với 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; công tác chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc đều được thực hiện trên môi trường số ở cả 3 cấp. Ngoài cung cấp DVC trực tuyến còn thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa, vì vậy lượng công việc xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử từ cấp tỉnh đến xã đều đạt yêu cầu đề ra.
Trung tâm sử dụng kios tự động quét căn cước công dân, giúp người dân rút ngắn quy trình giải quyết TTHC
Ông Đỗ Xuân Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã được số hóa đầu vào, ký số kết quả giải quyết thủ tục hành chính và trả cho người dân trên môi trường số để tái sử dụng. Cùng với đó là chấp nhận thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt. Việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu lên Cổng DVC quốc gia giúp minh bạch quá trình giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế hồ sơ trễ hạn.
Các nhà mạng VNPT, Viettel Bình Phước giới thiệu các phần mềm, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số
Một điểm sáng trong trụ cột chính quyền số đó là tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06. Hiện Bình Phước đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. “Bình Phước đã hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp cho 100% trường hợp đủ điều kiện; kích hoạt 669.475 tài khoản định danh điện tử VNeID; số hóa, làm sạch hơn 1,1 triệu dữ liệu hộ tịch của tỉnh với dữ liệu dân cư, phục vụ các tiện ích của CĐS. Qua đó, giúp công dân được xác thực danh tính chính xác trên môi trường điện tử, đồng thời thụ hưởng các tiện ích mà căn cước công dân gắn chíp điện tử và tài khoản định danh điện tử mang lại” - Đại tá Nguyễn Huy Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh.
Nền tảng vững chắc từ xã hội số
Trong các nhiệm vụ CĐS, tỉnh xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và là mục tiêu, động lực, từ đó dành nguồn lực đầu tư tương xứng. Hạ tầng công nghệ số phủ rộng đã giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. 100% thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định; mạng di động 3G/4G phủ sóng 100% thôn, ấp; tỷ lệ người dân sử dụng thuê bao điện thoại đạt 125%; số thuê bao internet băng rộng đạt 110%... Ông Vũ Tuấn Dũng, Giám đốc Viettel Bình Phước chia sẻ: “Cùng với gần 900 trạm BTS phủ sóng 96% diện tích toàn tỉnh, Viettel Bình Phước đã phát sóng 38 trạm 5G tại các khu trung tâm và khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu kết nối của người dân. Do nhu cầu sử dụng băng thông của Bình Phước tăng trưởng rất lớn, chúng tôi đang tiếp tục đầu tư hạ tầng mạng lưới để phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ CĐS của tỉnh”.
Lực lượng công an thị xã Chơn Thành thu nhận thông tin sinh trắc học, ảnh khuôn mặt, vân tay, đặc biệt việc thu nhận mống mắt khi người dân làm thẻ căn cước
Thúc đẩy người dân lên môi trường số, tỉnh đã cấp 50.366 chữ ký số cho người dân để thực hiện DVC trực tuyến và các giao dịch điện tử khác. Đặc biệt, phát huy vai trò của 111 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.680 thành viên, 843 tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 tại thôn, ấp, khu phố với 5.963 thành viên cùng tham gia công tác tuyên truyền đã góp phần rất lớn nâng cao nhận thức về CĐS và Đề án 06 trong nhân dân.
Ông Đàm Tiến Đạt, chuyên viên Văn phòng Ủy ban quốc gia về CĐS, Cục CĐS quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định: Các tổ công nghệ số cộng đồng ở Bình Phước đã có nhiều cách làm linh hoạt, đóng góp tích cực trong thúc đẩy CĐS, thể hiện được vai trò cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân, giúp người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, dịch vụ hành chính công một cách dễ dàng, thuận tiện.
Kinh tế số tận dụng cơ hội để chuyển động
Kinh tế số được xác định là bước đột phá để gia tăng giá trị sản xuất, chất lượng cuộc sống cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh. Bình Phước đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; đẩy mạnh CĐS doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp công nghệ... Đến nay, kinh tế số chiếm khoảng 9,6% GRDP của tỉnh.
Kinh tế số được xác định là bước đột phá để gia tăng giá trị sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ra quân hướng dẫn hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ thanh toán, mua sắm trực tuyến
Trong đó, điểm sáng là thanh toán điện tử với 100% doanh nghiệp điện, nước, viễn thông trên địa bàn đã chuyển sang sử dụng hợp đồng điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Hiện người dân đi chợ, mua sắm, thanh toán tiền điện, nước, đóng học phí, viện phí cũng không cần dùng tiền mặt vì 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cơ sở giáo dục, y tế… trên địa bàn tỉnh có thiết bị thanh toán trực tuyến. Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đã giới thiệu 390 sản phẩm; hàng ngàn tài khoản kinh doanh trực tuyến được kích hoạt. 1.1183.721 giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã thực hiện thành công. Tổng giá trị giao dịch ước thực hiện thành công là 236.744 tỷ đồng.
Bình Phước đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến ngày chuyển đổi số (10-10). Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 ra quân hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến; cài đặt và sử dụng chữ ký số cá nhân... tại các chợ truyền thống
Chị Nguyễn Thị Tiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã đông trùng hạ thảo PN Bình Phước chia sẻ: “Đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiếp cận, tương tác với khách hàng ở mọi nơi trên thế giới thông qua nền tảng kỹ thuật số, đồng thời quản lý hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh phân phối tại 50 đại lý sỉ, lẻ trong toàn quốc, hợp tác xã đã đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến sản phẩm nấm đông trùng qua các kênh bán hàng trực tuyến và nền tảng số. Số lượng bán trên các nền tảng chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm, doanh thu từ đó cũng tăng”.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Động lực giúp Bình Phước hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 04 đã đề ra đó là sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị cùng với nền tảng hạ tầng số đang được hoàn thiện theo hướng tốt hơn. Đặc biệt, CĐS chỉ thành công khi các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân có khát vọng, từ đó thay đổi, truyền cảm hứng, thúc đẩy toàn xã hội cùng hành động, từng bước hiện thực hóa mục tiêu CĐS vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngân Hà
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/163684/nghi-quyet-cua-khat-vong