Toàn cảnh phiên họp của Tổ 8 sáng 13.2. Ảnh: H.Lan
Đây là ý kiến của các đại biểu tại Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh: Điện Biên, Kon Tum, Vĩnh Long) khi tham gia phiên thảo luận tổ sáng nay, 13.2, về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Góp ý với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, các ĐBQH bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết này.
Theo ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum), chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình này sẽ phát sinh nhiều vấn đề và không tránh khỏi "khoảng trống" pháp lý, bởi chúng ta không thể sửa hết một lúc hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
“Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết để lấp "khoảng trống" pháp lý đó; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy; bảo đảm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; không ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy nhà nước sau sắp xếp và không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế. Tôi tán thành rất cao việc ban hành Nghị quyết này.”, đại biểu Tô Văn Tám khẳng định.
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: H.Lan
Góp ý về nội dung cụ thể, đại biểu Tô Văn Tám dẫn Khoản 6, Điều 4 của dự thảo Nghị quyết quy định: Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra.
“Quy định như vậy đã bao quát hết chưa, bởi một số cơ quan sau sắp xếp sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ, nhập lại vào một cơ quan khác… Ví dụ, hiện nay không còn công an cấp huyện, chuyển hết về cấp xã. Vậy việc xét xử, kiểm sát các vụ việc thuộc cấp huyện sẽ như thế nào? Đề nghị rà soát và làm rõ thêm quy định này để thực hiện thông suốt”, đại biểu nêu vấn đề.
Đại biểu đánh giá cao dự thảo Nghị quyết đã thiết kế Điều 13 về giải quyết vấn đề phát sinh.
Trong đó, Khoản 1, Điều 13 quy định: Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, ban hành văn bản, giải quyết hoặc ủy quyền ban hành văn bản, giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội, định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, trong quá trình sắp xếp bộ máy sẽ phát sinh những vấn đề mà ngay dự thảo Nghị quyết cũng chưa bao quát, chưa lường hết được. Vì vậy, cần có quy định xử lý những vấn đề này.
“Ủy quyền như vậy (như Điều 13 - PV) rất cần thiết, vì chờ Quốc hội thì không kịp. Tuy nhiên, khi ban hành những quy định này nên cho áp dụng thủ tục rút gọn thì mới kịp được, nếu ban hành theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì vẫn sẽ chậm”, đại biểu Tô Văn Tám phân tích.
Sau khi được Quốc hội thông qua, dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2025. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội thông qua để các cơ quan, địa phương có cơ sở pháp lý triển khai nhiệm vụ trong thẩm quyền của mình.
Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) thống nhất cao với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: H.Lan
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, nhiều đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng các văn bản liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy trên bàn.
“Dự thảo Nghị quyết cần có hiệu lực ngay mới bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế, ảnh hưởng đến người dân”.
Góp ý về thời gian thực hiện Nghị quyết, đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết, theo dự thảo, Nghị quyết này được thực hiện đến hết ngày 28.2.2027. Từ nay tới đó, các cơ quan nhà nước phải ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật phục vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước.
“Thời gian này hơi gấp, áp lực đặt ra rất lớn, nhất là với Chính phủ, với Trung ương vì số lượng văn bản phải sửa đổi rất lớn. Lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin trên 150 luật và trên 200 nghị định phải sửa đổi, ban hành. Vì vậy, nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết lên 3 năm, hoặc tới năm 2029”, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị.
Trước đó, trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu rõ, bên cạnh một số ý kiến đồng ý với việc xác định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.3.2025 như Chính phủ trình, thì đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành ngay khi Quốc hội thông qua.
Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý "càng sớm càng tốt" cho các cơ quan từ trung ương đến địa phương thực hiện việc sắp xếp và chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Bởi lẽ, hiện tại đã có một số cơ quan công bố và chính thức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo các phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để bảo đảm thực hiện hiệu quả Nghị quyết này của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết ngay từ bây giờ. Trong đó, xác định rõ các đầu mục công việc cần triển khai, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, thời hạn hoàn thành; đặc biệt là cần tổ chức xây dựng danh mục cụ thể các luật, nghị quyết của Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết quy định thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết (theo đề xuất của Chính phủ là đến hết ngày 28.2.2027) để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật do dự thảo Nghị quyết quy định một số nội dung khác với luật hiện hành.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn và đề nghị Chính phủ giải thích rõ thời hạn thi hành Nghị quyết có đồng thời là thời hạn thi hành các văn bản hành chính hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh quy định tại Điều 13 hay không?
Hà Lan