Các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, góp phần làm đa dạng, phong phú kho tàng văn hóa truyền thống xứ Thanh. Ảnh: Khôi Nguyên
Văn hóa là hồn cốt...
Thanh Hóa trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã khẳng định vị thế vững chắc của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Bởi xứ Thanh là đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ, từ Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê sơ, Lê Trung hưng và triều Nguyễn; đồng thời là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Chưa kể, mảnh đất gian lao mà anh dũng này từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong các bộ chính sử từ thời cổ - trung đại đến thời cận hiện đại.
Bàn về mảnh đất này, đã có không ít nhận định và kiến giải vô cùng sâu sắc của các sử gia, nhà nghiên cứu từ cổ chí kim. Nổi tiếng nhất và không thể không nhắc đến nhận định của sử gia Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”: “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”. Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” thì nhấn mạnh cốt cách con người xứ Thanh: “Kẻ sĩ chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc.
Có rất nhiều minh chứng sinh động để chứng minh rằng, những nhận định kể trên không đơn thuần là những lời “có cánh”, mà nó xuất phát từ thực tiễn lịch sử của chính mảnh đất này. Trong đó, minh chứng thuyết phục nhất là thân thế, sự nghiệp của nhiều anh hùng hào kiệt đã có những cống hiến to lớn, xuất sắc trong sự nghiệp dựng xây và bảo vệ đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Điển hình phải kể đến anh hùng Triệu Thị Trinh đã phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc Đông Ngô năm 248. Hay đến thế kỷ X mảnh đất xứ Thanh lại xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, tiêu biểu như Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn. Rồi khi nhà Hồ thất bại trong việc cải cách khiến đất nước rơi vào tay giặc Minh, thì Bình Định vương Lê Lợi đã xuất hiện trên vũ đài chính trị. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đặt nền móng cho sự ra đời của một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử quốc gia Đại Việt, đặc biệt là dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông (1460-1497)...
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ “Trừ một thời gian ngắn nhà Tây Sơn quản lý đất nước (1788-1802), còn phần lớn giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XX, bản lĩnh, trí tuệ, công lao đóng góp của người xứ Thanh được tỏ rõ qua sự hiện diện của các triều đại gắn với ba dòng họ lớn: họ Lê, họ Trịnh và họ Nguyễn - có nguồn gốc đích thực xứ Thanh. Điều ấy khẳng định tầm vóc, vị trí trọng yếu của mảnh đất Thanh Hóa trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vị thế ấy, tầm vóc ấy được thể hiện cụ thể qua phẩm chất riêng có của những nhân vật kiệt xuất, của những vọng tộc, cự tộc ở xứ Thanh từng hiện diện trong lịch sử Việt Nam thời trung đại”.
Cũng trên tiến trình dựng xây và bảo vệ đất nước, với những đóng góp quan trọng của các nhân vật lịch sử cùng sức sáng tạo tuyệt vời của con người nơi đây, đã vun đúc nên một bề dày văn hóa đặc sắc, phong phú và giàu giá trị. Nhờ đó, Thanh Hóa được đánh giá là cái nôi di sản, với sự phát tích của những nền văn hóa cổ, những di chỉ gắn với sự hình thành và phát triển của xã hội loài người, như di chỉ Núi Đọ, hang Con Moong... Đặc biệt, đây còn là nơi tìm thấy dấu tích của một trong những đỉnh cao văn minh người Việt: văn hóa Đông Sơn. Mặc dù được tìm thấy ở nhiều khu vực, song lưu vực sông Mã được xem là một trung tâm lớn của văn hóa Đông Sơn. Các di tích Đông Sơn phân bố trên phạm vi rộng lớn từ vùng đồng bằng ven biển đến các vùng núi, trong đó đậm đặc hơn ở vùng đồng bằng nơi hợp lưu của sông Mã, sông Chu và đồng bằng ven biển.
Có thể nói, văn hóa Đông Sơn đã xuất hiện và lưu dấu ấn đậm nét trên vùng đất xứ Thanh “địa linh” này. Để rồi, đây cũng là nền tảng để người dân xứ Thanh tiếp tục bồi đắp nên một truyền thống văn hóa rất giàu bản sắc, giàu giá trị. Trong đó, chỉ tính riêng di sản văn hóa vật thể đã có 1.535 di tích, với 810 di tích đã được xếp hạng (706 di tích cấp tỉnh, 99 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 1 di sản văn hóa thế giới). Song bấy nhiêu chưa phải là tất cả. Bởi nói về kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể phong phú, phản ánh tầm cao và chiều sâu trí tuệ dân gian. Đó là những tập tục, lễ nghi, tín ngưỡng, tri thức dân gian, sinh hoạt văn hóa... vừa mộc mạc, dân dã, vừa tinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, có hàng chục di sản văn hóa phi vật thể đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là những di sản đã song hành cùng thăng trầm lịch sử vùng đất và vượt qua sự kiểm chứng khắt khe của thời gian, để luôn “sống” và góp phần định hình nên diện mạo, bề dày truyền thống văn hóa xứ Thanh. Đồng thời, là một minh chứng thuyết phục về sự đặc sắc và giàu giá trị của kho tàng văn hóa xứ Thanh trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
“Tấm khiên” chắn vững chắc
Có nhận định cho rằng, sự vận hành của xã hội luôn được điều chỉnh bằng hệ giá trị mà mỗi cộng đồng, dân tộc đã tích lũy được trong quá trình lịch sử. Đó là tinh thần yêu nước, tinh thần cố kết cộng đồng, tinh thần ngợi ca lao động, tình yêu cuộc sống, khát vọng hạnh phúc... Các giá trị ấy cũng chính là những yếu tố cốt lõi, đã đan kết nên bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc. Song, văn hóa vốn dĩ không phải một “hằng số bất biến”, nhất là trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, văn hóa càng là nhân tố dễ bị “tổn thương” hơn cả. Do vậy, phải nỗ lực bảo vệ và phát huy các giá trị tinh hoa, cốt lõi của văn hóa dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; đồng thời, tạo ra “tấm khiên” chắn vững chắc để bảo vệ văn hóa truyền thống khỏi các luồng văn hóa tiêu cực, ngoại lai, phản động. Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho mỗi địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa trong việc bảo vệ và phát huy nguồn lực văn hóa cho phát triển.
Lam Kinh - “kinh đô tưởng niệm” của vương triều Lê Sơ.
Nhiều năm trở lại đây, cùng với tập trung phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đến sự nghiệp văn hóa và xem văn hóa là một trụ cột quan trọng cho phát triển. Trong đó, sự ra đời của Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 4/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới, không chỉ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa; mà còn tạo tiền đề để văn hóa thực sự đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Với vai trò định hướng, dẫn dắt sự nghiệp phát triển văn hóa, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã đề ra những quan điểm mang tính cốt lõi, vừa có tính bao quát, toàn diện vừa sâu sắc. Trong đó nhấn mạnh, văn hóa và con người Thanh Hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, mà còn là nền tảng vật chất vững chắc, là nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Do đó, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa phải trên cơ sở gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; đồng thời, chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, bảo đảm phù hợp, làm phong phú thêm giá trị văn hóa của quê hương.
Văn hóa nói chung và các giá trị cốt lõi, bản sắc nói riêng được hình thành, chắt lọc, vun đắp qua thời gian dài. Do đó, việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa cũng phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, gắn bó mật thiết với nhau. Trong đó, trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa là phát triển con người, đặc biệt là xây dựng con người phát triển toàn diện, có nhân cách cao đẹp. Phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển, song thực tế cho thấy, nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, có lúc có nơi vẫn “chưa tới”. Do đó, Nghị quyết số 17-NQ/TU đã nhấn mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền. Đồng thời, phát huy vai trò tham mưu, phối hợp của các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa của các tầng lớp Nhân dân...
Nhà chính trị, nhà văn hóa Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã đưa ra một nhận định rất sâu sắc rằng: “Một cá nhân con người cũng như một chiều sâu lịch sử nhất định. Họ được đánh giá cao bởi một nguồn gốc trong quá khứ...”. Bởi vậy, cái “diện mạo” đầy tự hào mà mỗi người dân xứ Thanh đang được khoác lên mình, vốn được đan dệt từ vô vàn sợi tơ của truyền thống lịch sử và văn hóa vùng đất này. Để rồi, trách nhiệm của mỗi người là tiếp tục bảo vệ và vun đắp cho mạch nguồn truyền thống ấy thêm dày, thêm đẹp, thêm giá trị và thêm sức sống, để trao truyền cho muôn đời sau.
Khôi Nguyên
Bài 2: Kiến tạo môi trường tiến bộ, văn minh