Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA), cho rằng những định hướng và giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 68 chính là điều cộng đồng doanh nghiệp cần ngay lúc này. Nghị quyết không chỉ đặt ra mục tiêu, quan điểm phát triển rõ ràng mà còn xác định vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh hỗ trợ về vốn, doanh nghiệp còn cần hỗ trợ về hạ tầng, chuyển đổi số và chính sách khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Đây cũng là những nội dung đã được nêu cụ thể trong Nghị quyết, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong chiến lược phát triển khu vực tư nhân.
Nhận thức rõ vai trò và tiềm năng của khu vực này, ngành Ngân hàng đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển, từ các chính sách tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất, cải cách thủ tục vay vốn, đến các chương trình tín dụng chuyên biệt. Sự ra đời của Nghị quyết 68 không chỉ là cơ sở chính trị mà còn là động lực quan trọng để ngành Ngân hàng tăng cường hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
ACB đã triển khai gói tín dụng trị giá 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dành riêng cho DNNVV
Theo báo cáo của NHNN, hiện có khoảng 7 triệu tỷ đồng vốn cho vay các doanh nghiệp tư nhân, chiếm 44% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Một trong những điểm nhấn rõ nét trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân là các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay và dành nhiều gói tín dụng ưu đãi cho sản xuất kinh doanh suốt thời gian qua. Thời điểm tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân giảm áp lực chi phí vốn trong sản xuất kinh doanh. Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ), lãi suất cho vay chỉ định ở mức 4%/năm. Tại Đà Nẵng, ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu chia sẻ, nhờ nguồn vốn vay lãi suất 4,5 - 4,7% từ BIDV chi nhánh Đà Nẵng, doanh nghiệp đã có điều kiện đầu tư dây chuyền sản xuất carton mới, thay thế thiết bị lỗi thời, từ đó giúp tăng năng suất và giảm chi phí. Ông Thống đánh giá cao vai trò khuyến khích của Nghị quyết 68 khi đã tạo cơ chế khuyến khích các TCTD ưu tiên dòng vốn thương mại cho DNNVV.
Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, ACB là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai loạt giải pháp tín dụng ưu đãi để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Cụ thể, ACB đã triển khai gói tín dụng trị giá 40.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dành riêng cho DNNVV, với mức lãi suất thấp hơn 2% so với thông thường. Ngân hàng cũng triển khai các hình thức cho vay tín chấp, tài trợ theo chuỗi cung ứng và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. “Hơn 95% khách hàng doanh nghiệp của ACB là DNNVV - đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ Nghị quyết 68. Vì vậy, ACB chọn hành động sớm, hành động nhanh để giúp khách hàng nắm bắt tốt hơn các cơ hội”, Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, với quyết tâm chính trị cao và sự chuyển biến tích cực trong cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Ngân hàng đang và sẽ tiếp tục là “bệ đỡ tài chính” vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân.
Ông Lê Anh Xuân - Giám đốc NHNN khu vực 9 cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng luôn là một trong những nhiệm vụ được ngành Ngân hàng đặc biệt chú trọng. Trong chính sách tín dụng hiện hành, các ngân hàng đang ưu tiên cho vay đối với 5 lĩnh vực: xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, DNNVV và công nghiệp hỗ trợ, với mức lãi suất ưu đãi chỉ 4%/năm.
Bên cạnh cơ chế chính sách, các TCTD cũng chủ động thiết kế nhiều gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân. Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân, cải thiện chính sách tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn phục vụ đầu tư, sản xuất và phát triển bền vững. Để mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp tốt hơn, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các TCTD phải thực sự chia sẻ, hỗ trợ với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là đối tác, là một thành tố trong hệ sinh thái để đồng hành. “Doanh nghiệp càng khó khăn thì ngân hàng càng phải chia sẻ”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN lưu ý, tín dụng là câu chuyện hai chiều. Ngân hàng sẵn sàng cung cấp vốn, nhưng doanh nghiệp cũng cần minh bạch tài chính, nâng cao năng lực quản trị để đáp ứng các tiêu chuẩn tín dụng.
Theo các chuyên gia chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp như: nâng cao năng lực, tham gia mở rộng thị trường, thuế, đất đai... Vì vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng để tạo nên một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo…
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân bứt phá góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp… Đồng thời NHNN sẽ theo dõi và kiểm tra, thanh tra các NHTM tăng lãi suất tiền gửi, tiền vay, không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN; Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn…
Nguyễn Minh