Lời tòa soạn
Trong những năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 công lập tại Hà Nội cao nhất chỉ hơn 60%. Một suất học công lập giữa lòng Thủ đô trở thành “cuộc đua nóng” khiến nhiều phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”. Thực tế này có nguyên nhân tồn tại nhiều năm do hệ thống trường công ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. VietNamNet thực hiện tuyến bài về thực trạng và giải pháp tháo gỡ vấn đề này trong bối cảnh bỏ cấp huyện, sáp nhập phường xã và sắp xếp trụ sở dôi dư.
Tình trạng thiếu trầm trọng trường THPT tồn tại nhiều năm
Cuối năm 2023, trong báo cáo của HĐND TP Hà Nội về kết khảo sát công tác tuyển sinh đầu cấp, xây dựng trường đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, tại nghị quyết năm 2012 của HĐND TP Hà Nội về quy hoạch mạng lưới trường học đã xác định tối thiểu mỗi xã, phường từ 3-5 vạn dân phải có 1 trường THPT. Tuy nhiên, đánh giá quá trình thực hiện cho thấy tình trạng thiếu trường các cấp trầm trọng ở các quận nội thành. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn 2020-2023, toàn thành phố mới chỉ xây được 6 trường.
Xét theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, tình trạng thiếu trường THPT ở Hà Nội còn trầm trọng hơn. Cụ thể, quy chuẩn xác định, với các khu vực có dân số từ 20.000 người cần ít nhất một trường THPT. Như vậy ước tính, với 8,7 triệu dân, Hà Nội cần tối thiểu 435 trường THPT. Trong khi đó, hiện Thủ đô chỉ có 119 trường THPT công lập, hơn 100 trường tư, gần 30 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và một số trường quốc tế. Như vậy, Hà Nội còn thiếu hơn 150 trường THPT.
Tính riêng tại 12 quận ở Hà Nội, Hoàng Mai đang thiếu nhiều nhất với khoảng 18 trường. Xếp sau đó là các quận Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Long Biên.
Một số quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm đủ số trường theo quy chuẩn, do ngoài trường THPT công lập, đây là những địa bàn có nhiều trường tư thục, trường công tự chủ và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Chẳng hạn, quận Nam Từ Liêm ngoài 4 trường công còn có 14 trường tư thục/trường quốc tế; hay quận Thanh Xuân bên cạnh 4 trường công, có tới 11 trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài.
Theo báo cáo về việc cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của thành phố Hà Nội hồi cuối năm 2023, nhu cầu trong giai đoạn 2023-2027 được xác định với con số tăng vọt, cần phải xây mới thêm 53 trường THPT công lập.
Tuy nhiên, trong năm học 2023-2024, chỉ thành lập 1 trường THPT công lập và đến năm học 2024-2025, có thêm 2 trường. Con số này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Còn thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm học 2024-2025 của các quận, huyện, thị xã, 5 quận thiếu nhiều trường THPT công lập nhất là: Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm.
269 trường học các cấp ở các khu đô thị không xây dựng theo tiến độ
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu trường THPT công lập ở Thủ đô là do công tác quy hoạch để xây dựng trường lớp chưa chuẩn, tỷ lệ người dân tại các tỉnh di cư lên Hà Nội nhiều, chưa được kiểm soát hết.
Hà Nội cũng là nơi có nhiều người dân nhập cư để học tập, làm việc, dẫn tới dân số tăng cơ học lớn. Trong khi đó, tốc độ xây dựng trường lớp chưa đồng bộ, các trường muốn cơi nới, tăng số phòng học phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng, phòng cháy.
“Hiện nay, chúng ta phê duyệt các dự án khu chung cư nhưng chưa dành quỹ đất, không gian cho trường lớp. Điều này dẫn tới việc đô thị hóa nhanh, quỹ đất dành cho giáo dục chưa đáp ứng, hệ quả chính là việc thiếu trường lớp. Chưa kể, chúng ta chưa dành ưu đãi nhiều cho hệ thống giáo dục ngoài công lập nên học phí trường tư đang quá cao”, ông Trần Thành Nam nói.
Đồng quan điểm, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Thủ đô thiếu trường một phần do công tác dự báo dân số chưa chuẩn, dẫn tới tốc độ xây dựng trường không kịp với tốc độ dân số tăng. Chẳng hạn, trước quy hoạch, Hà Nội dự kiến đến năm 2030 mới đạt 9,2 triệu dân, nhưng giờ đây, Thủ đô đã có gần 9 triệu dân.
Ngoài ra, theo chuẩn, các khu đô thị mới phải đảm bảo chỉ tiêu số trường học trên quy mô dân, nhưng thực tế các khu này đều có dân số tăng nhanh hơn so với quy hoạch. Các trường học mới cũng không đảm bảo quy mô và diện tích.
Ông Nghiêm cho biết, hiện nay nhiều ý kiến đề xuất cần có quy chuẩn riêng cho Hà Nội, chẳng hạn cho phép xây trường cao nhiều tầng, nhưng cũng rất khó do phải đảm bảo an toàn, không chỉ cần cầu thang bộ mà còn phải có thang máy, lối thoát nạn cần thiết...
Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Phạm Hải
Báo cáo về việc cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của Hà Nội năm 2023 cũng chỉ ra nguyên nhân gây quá tải trường lớp là do phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch chưa bắt kịp tốc độ gia tăng dân số, chủ yếu tập trung tại các quận nội đô không còn quỹ đất để xây mới hoặc mở rộng trường học.
Tính đến thời điểm cuối 2023, còn 269 trường học các cấp (khoảng 70% số trường trong quy hoạch) chưa được xây dựng đúng tiến độ tại các khu đô thị.
Nỗ lực xây thêm trường, nhưng tiến độ vẫn chưa theo kịp nhu cầu
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm 2024 ngành đã tham mưu, đề xuất thành phố dành nguồn lực để xây mới trường THPT công lập, nhưng việc xây dựng cần có lộ trình, không thể xong trong thời gian ngắn.
“Đây là một khó khăn lớn, bởi để một trường mới đi vào hoạt động phải có sự chuẩn bị từ đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng cho tới cấp phép phòng cháy, tiêu chuẩn xây dựng mới”, ông Cương nói.
Tuy vậy, theo ông, thời gian qua, thành phố rất quan tâm đến việc xây thêm trường, phòng học mới. Giai đoạn 2017-2023, Hà Nội đã xây, thành lập mới 11 trường THPT công lập.
Năm 2025, có 76 trường THPT đang thi công, dự kiến hoàn thành đưa vào phục vụ năm học mới 2025-2026 là 42 trường, gồm 3 trường mới xây và thành lập.
Giai đoạn 2025-2030, Hà Nội dự kiến có thêm 30-35 trường công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
“Song song với việc xây trường mới, Hà Nội đã và đang cải tạo phòng học sẵn có để học sinh có thêm chỗ học, tăng phòng thí nghiệm, phòng tổ bộ môn. Dự kiến cải tạo và xây mới, đưa vào sử dụng trong năm học mới tới đây khoảng 900 phòng học”, ông Cương thông tin.
Thúy Nga
Hoàng Thanh