Nghĩ về cách ứng xử với cái sai

Nghĩ về cách ứng xử với cái sai
6 giờ trướcBài gốc
Theo bản tin này, trong hai tuần học giáo dục quốc phòng, nhiều sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh từ phần thừa của người ăn trước dồn lại và trong cơm còn có ruồi, gián, phân chuột(1). Tin này cũng được ban lãnh đạo nhà trường thừa nhận là đúng sự thật sau vài giờ đài phát sóng.
Kể lại trên bản tin VTV24, một nam sinh viên tiểu đội phục vụ, cho biết: “Khi các bạn trực nhà ăn định đem cơm đó đổ đi thì bác ấy ngăn lại, và bác ấy dồn hết vào một cái âu đổ vào nồi cơm lớn. Em bị bắt làm nhưng em thường trốn đi, em không làm. Cả đội sinh viên đi học quân sự này toàn là sinh viên thực phẩm. Sinh viên thực phẩm thì không thể làm thế được vì nó có nguy cơ lây nhiễm chéo”.
Một nữ sinh viên khác cũng thuộc tiểu đội phục vụ kể lại trong bản tin: “Em là người từng đi phục vụ ở chỗ đó, canh đó đổ vào cái nồi khác, rồi đi phân phát cho những bàn sau. Đó là bắt buộc phải làm vì người ta bảo em làm thế nào thì em làm như thế, chả nhẽ ngay trước mặt những cô chú ở đấy em lại đổ canh đi, em không muốn làm. Nó cứ bị vi phạm đạo đức thế nào ấy, nó bẩn, nó không an toàn, nói chung cảm thấy trái với lương tâm. Nếu một người bị bệnh gì đó truyền qua đường nước bọt thì một người bị có thể lây cho cả đại đội bị”.
Lời kể của hai sinh viên này cho thấy, họ biết rất rõ việc họ được yêu cầu làm là hoàn toàn sai, vi phạm đạo đức và trái lương tâm. Họ cũng biết rõ tác hại của việc dồn thức ăn thừa của người ăn trước dọn cho người ăn sau.
Là sinh viên, tức là người đã đủ 18 tuổi, được xem là trưởng thành và tự chịu trách nhiệm về bản thân thế nhưng hai sinh viên trực tiếp tham gia phân chia thức ăn này không dám có ý kiến phản đối và yêu cầu nhân viên nhà ăn ngừng việc làm sai đó lại. Họ cũng không liên lạc với nhà trường để yêu cầu ngăn chặn hành vi sai trái của nhân viên nhà ăn.
Cũng trong bản tin này, một số sinh viên khác cho biết họ đã vài lần chứng kiến ruồi, gián, phân chuột trong thức ăn và phản ánh nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ nhân viên nhà ăn A15 và họ... cũng bỏ qua.
Thậm chí, một nhóm sinh viên kể lại, họ từng gặp phải thức ăn thừa và không dám ăn. Thế nhưng các sinh viên này lại cam chịu bỏ ra ngoài mua bánh mì ăn, chấp nhận bỏ luôn suất cơm mà họ phải đóng tiền để được phục vụ.
Tôi đã xem lại bản tin rất nhiều lần nhưng thật lòng không thể hiểu được vì sao các bạn sinh viên trong bản tin đó lại có những cách ứng xử như vậy. Bạn chấp nhận làm “vì người ta bảo em làm thế nào thì em làm như thế”. Bạn chấp nhận bỏ đĩa cơm để mua bánh mì ăn. Bạn “trốn đi” không làm vì nói là không thể làm như vậy, vì mất an toàn vệ sinh thực phẩm - điều mà các bạn đã được học. Tuy mỗi người có cách hành xử khác nhau nhưng đều có một điểm chung là giữ yên lặng sau đó và tuyệt nhiên không có báo cáo nào với nhà trường.
Với cách suy nghĩ và ứng xử này, liệu sau này ra trường đi làm, khi phải đối diện với tình huống ở nơi làm việc - bị yêu cầu làm những việc vi phạm pháp luật thì họ sẽ ứng xử ra sao? Hậu quả của cách nghĩ, cách làm này có thể khiến họ rơi vào vòng lao lý dù không chủ tâm làm điều sai trái.
Dù trên báo chí, ban lãnh đạo nhà trường cho hay họ cũng rất bất ngờ với vụ sinh viên phải ăn thức ăn thừa, bẩn và trên các kênh chính thức, nhà trường chưa nhận được phản ánh nào từ sinh viên về các suất ăn. Ngoài ra, thứ Năm hàng tuần đều có buổi học dân chủ, nhưng sinh viên cũng không phản ánh(2).
Thiết nghĩ về điểm này, nhà trường cũng phải xem xét lại kênh truyền thông nội bộ và cách truyền thông để sinh viên xem đây là kênh đầu tiên mà họ nghĩ đến khi muốn phản ánh thông tin. Với việc nghiêm trọng là phải ăn thức ăn thừa, thức ăn bẩn mà sinh viên vẫn chọn cách im lặng không phản ánh với nhà trường thì hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin của trường chưa hoạt động hiệu quả.
Song Nghi
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/nghi-ve-cach-ung-xu-voi-cai-sai/