Ngoài nỗ lực khẩn trương tổ chức các hoạt động khắc phục hậu quả động đất của chính quyền nước sở tại, nhiều tổ chức cứu trợ quốc tế, các lực lượng cứu hộ cứu nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã lập tức lên đường, tới các địa phương, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất tại Myanmar để kịp thời ứng cứu.
Bằng niềm thôi thúc tự thân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á cũng đã lập tức sang Myanmar để ghi lại nhịp sống và các hoạt động sau thảm họa kể trên. Đặc biệt Nguyễn Á đã dành nhiều tâm lực để ghi lại công việc thầm lặng mà nhân văn của lực lượng cứu hộ cứu nạn của Việt Nam khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước bạn, mà theo anh tinh thần tương thân tương ái đó là minh chứng cho nghĩa tình Việt Nam và Myanmar. Người Đô Thị trân trọng giới thiệu phóng sự ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á về câu chuyện đặc biệt này.
* * *
Khi biết được thông tin về trận động đất và việc lực lượng cứu hộ cứu nạn của Việt Nam sẽ sang Myanmar hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả, tôi đã quyết định bay sang Myanmar. Sau trận động đất vẫn còn dư chấn và tiên lượng có thể sẽ gặp nhiều rủi ro khi đi đến những vùng chịu hậu quả nặng nề từ cơn động đất, nhưng với quyết tâm của một người làm nghề, muốn ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc, biến động sau trận động đất. Và trên hết tôi muốn có được hình ảnh lực lượng cứu hộ cứu nạn của Việt Nam, những con người quả cảm với tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái đã không ngại khó khăn, sự khắc nghiệt của thời tiết và môi trường, họ đã hết mình hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân động đất.
Tôi đã thấy lực lượng cứu hộ cứu nạn của Việt Nam bất chấp nguy hiểm, họ đi vào các khu nhà đổ sập, sử dụng hệ thống dò tìm radar xuyên tường và thiết bị tìm kiếm bằng hình ảnh, âm thanh để xác định chính xác vị trí của nạn nhân, tiến hành khoan, đục, cắt, moi để đưa người bị nạn ra ngoài.
Đoàn cũng sử dụng chó nghiệp vụ cùng các thiết bị chuyên dụng để phát hiện vị trí có nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát. Nhìn thấy người dân Myanmar chờ đợi với hy vọng mong manh tìm được người thân và họ đã rất biết ơn lực lượng cứu hộ của Việt Nam đã tìm được thi thể cha, mẹ… những người thương yêu, tôi đã rơi nước mắt trước cảnh họ ngã quỵ khi nhận thi thể người thân.
Những trải nghiệm sau chuyến đi, những hình ảnh đau thương về cái chết do hậu quả của trận động đất, mùi tử thi khắp nơi dưới cái nóng 40 độ C, tôi sẽ không bao giờ quên được. Trong quá trình di chuyển qua các vùng bị ảnh hưởng tôi đã chứng kiến sự kiểm soát gắt gao của chính quyền quân sự Myanmar, là người nước ngoài tôi luôn phải trình hộ chiếu và các thông tin liên quan. Khó khăn là thế nhưng tôi cảm thấy ấm áp về tình cảm của lực lượng cứu hộ Việt Nam nói riêng và đất nước chúng ta dành cho người dân Myanmar.
Mong cho đất nước Myanmar sớm vươt qua được nỗi đau mất mát và trở lại cuộc sống bình thường.
Lực lượng công binh Việt Nam đang nỗ lực hết sức cùng lực lượng cứu hộ nước sở tại tìm kiếm các nạn nhân trận động đất.
Lực lượng cứu hộ Việt Nam sử dụng các thiết bị để tìm kiếm các nạn nhân.
Tại hiện trường trong bệnh viện Ottara Thiri (thủ đô Naypyidaw), máy xúc được đưa vào những vị trí khó, phức tạp để hỗ trợ tìm kiếm.
Phải dùng thiết bị cắt sắt để cắt bỏ các tấm đan của tòa nhà.
Dựng lều dã chiến để phục vụ các bệnh nhân bên ngoài bệnh viện Ottara Thiri.
Buổi cơm trưa ăn vội dưới bóng cây để tránh cái nóng khắc nghiệt tại Myanmar.
Sự quyết tâm thể hiện trên khuôn mặt của các chiến sĩ lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Hai chú chó nghiệp vụ đánh hơi hỗ trợ lực lượng công binh tìm kiếm các nạn nhân còn mắc kẹt.
Tìm được một số tiền mặt và đã bàn giao cho chính quyền địa phương.
Sự tương trợ của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam và Myanmar, ấm áp tình nghĩa của hai nước.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn của ba nước (Việt Nam, Myanmar, UAE) đã tìm được xác nạn nhân sau hơn 4 giờ tìm kiếm.
Bất kể ngày hay đêm, công việc cứu hộ vẫn được tiến hành rất khẩn trương.
Bên ngoài bệnh viện, gia đình của các nạn nhân xấu số vẫn chờ đợi với hy vọng mong manh.
Đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt trên 40 độ C.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng đoàn Cứu hộ - Cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam động viên người thân có người nhà là bố và mẹ mất cùng một lúc.
Người thân của nạn nhân xúc động cảm ơn Đại tá Phạm Tân Phong - Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Phó trưởng đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Quân đội Việt Nam đang lắng nghe thư biểu dương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.
Lá cờ Việt Nam tung bay trên đất nước Myanmar. Lực lượng cứu hộ cứu nạn Việt Nam trở về sau tám ngày(*) nỗ lực tìm kiếm, khắc phục hậu quả của trận động đất, thể hiện tinh thần tương thân tương ái.
Bài và ảnh: Nguyễn Á
__________________
(*)Tối 8.4, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Myanmar, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân và Công an Việt Nam đã lên máy bay trở về nước. Sau hơn một tuần tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar, kết quả, đoàn cứu hộ, cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát hiện 32 vị trí có nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát; trực tiếp tổ chức tìm kiếm ở 20 vị trí, đưa ra ngoài 21 thi thể nạn nhân. Đặc biệt, đoàn phối hợp với lực lượng cứu hộ của Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ cứu sống một nam thanh niên 26 tuổi bị mắc kẹt trong đống đổ nát 5 ngày. Trong khi đó, đoàn Bộ Công an đã độc lập giải cứu 7 nạn nhân và phối hợp với các đội cứu hộ Myanmar, Philippines, Indonesia, Singapore xác định vị trí và hỗ trợ giải cứu 7 nạn nhân khác. Ngoài ra, đoàn còn tổ chức khám chữa bệnh, sơ cứu, sát khuẩn, thay băng vết thương, cấp phát thuốc cho hơn 50 bệnh nhân...
Vào chiều 9.4, Lễ tuyên dương Lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất, hoàn thành nhiệm vụ trở về nước cũng đã được tổ chức. Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và biểu dương lực lượng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân đã tổ chức tốt, nhanh về mặt lực lượng, phương tiện, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quốc tế...