Nghịch lý thành tích của thể thao Việt Nam

Nghịch lý thành tích của thể thao Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
Nguyễn Thị Huyền ăn mừng vô địch nội dung chạy 400m rào nữ SEA Games 32. (Ảnh: DƯƠNG THUẬT)
Trong hai kỳ SEA Games vừa qua, Việt Nam đều giành ngôi đầu bảng xếp hạng thành tích toàn đoàn. Nếu việc nước ta đoạt 205 Huy chương vàng (HCV) trên sân nhà ở SEA Games 31 năm 2021 (trong khi đoàn Thái Lan chỉ giành 92 HCV) không gây nhiều bất ngờ thì việc thể thao Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ở SEA Games 32 năm 2023 tại Campuchia với 136 HCV (đoàn Thái Lan xếp thứ 2, có 108 HCV) càng cho thấy rõ quyết tâm đầu tư để giữ vững ngôi vị đứng đầu Đông Nam Á của chúng ta.
Thời gian tới, thể thao Việt Nam tiếp tục khó vươn tầm Olympic nếu không có sự thay đổi đột phá về tư duy, định hướng đầu tư.
Thế nhưng, thành tích này không còn thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận trong nước, thậm chí còn gây thất vọng khi ngay sau đó, Việt Nam "trắng huy chương" tại kỳ Olympic thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, các nước trong khu vực từ lâu đã tập trung hướng tới mục tiêu vươn tầm châu lục, thế giới và bước đầu gặt hái thành công. Tại Olympic Paris 2024, Philippines đoạt hai HCV, hai Huy chương đồng (HCĐ); Indonesia có hai HCV, một HCĐ; Thái Lan có một HCV, ba Huy chương bạc và hai HCĐ; Malaysia có hai HCĐ; thậm chí đoàn Singapore chỉ đứng thứ sáu tại SEA Games 32 cũng có một HCĐ.
Thời gian tới, thể thao Việt Nam tiếp tục khó vươn tầm Olympic nếu không có sự thay đổi đột phá về tư duy, định hướng đầu tư. Quyết tâm vượt trội ở SEA Games không phải là sai. Những thành tích đạt được là rất đáng ghi nhận. Nhưng đầu tư hiệu quả để các VĐV đủ thực lực vươn tầm châu lục, xa hơn là Olympic thì phải là "một mũi tên trúng hai đích".
Thay vì tiếp tục đầu tư dàn trải, Việt Nam cần lựa chọn trọng tâm, tập trung hỗ trợ VĐV ở các bộ môn có khả năng giành một trong ba vị trí dẫn đầu tại SEA Games, đồng thời đủ sức cạnh tranh huy chương ở các đấu trường ASIAD và Olympic.
Điều này cũng sẽ giải quyết được vấn đề nan giải suốt thời gian qua khi các VĐV tại đấu trường ASIAD và Olympic thường gặp khó khăn trong việc thuê chuyên gia huấn luyện giỏi, nâng cao chế độ dinh dưỡng, thuốc men, cơ sở vật chất…
Bên cạnh đó, chỉ đầu tư mang tính phát triển phong trào cho một số bộ môn lựa chọn, có thể thi đấu ở SEA Games, theo kinh nghiệm ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á: Philippines là bóng rổ, billiards; Thái Lan là muay; Indonesia là cầu lông, pencak silat…
Hiện nay, Cục Thể dục-Thể thao đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để xin tăng chế độ tập luyện cho VĐV có khả năng giành huy chương Thế vận hội. Đó là động thái tích cực bởi chỉ khi các nhà hoạch định và thi hành chính sách nhìn thẳng vào nghịch lý để tìm cách giải quyết vấn đề từ gốc thì lúc đó, kết quả cuối cùng mà các VĐV nỗ lực đạt được mới tạo ra đột phá và duy trì, phát triển bền vững.
Thời gian tới đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về định hướng đầu tư chuyên nghiệp cho thể thao thành tích cao với lộ trình và mục tiêu vươn tầm rõ ràng ở từng bộ môn, từng VĐV cụ thể.
Đã đến lúc phải thật sự quyết liệt với định hướng rõ ràng, bài bản nếu chúng ta không muốn thể thao Việt Nam tiếp tục loay hoay tìm cách thay đổi trong khi mục tiêu Huy chương Olympic mãi vẫn là mơ ước.
MINH GIANG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nghich-ly-thanh-tich-cua-the-thao-viet-nam-post861207.html