Ngày 25-4, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh: “Ứng dụng Công nghệ sông trong ao để nuôi cá biển tại Khánh Hòa”. Đề tài do Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông Khánh Hòa chủ trì thực hiện, với đồng chủ nhiệm là Kỹ sư Nguyễn Thị Hương Thảo và Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà trình bày đề tài trước Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa.
Đề tài được triển khai trong 36 tháng, từ tháng 3-2022 đến tháng 2-2025, với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng, trong đó có ngân sách nhà nước và ngân sách từ các nguồn khác. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và vận hành thành công hai mô hình nuôi cá biển theo công nghệ “sông trong ao” tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa, cụ thể là mô hình nuôi cá chim vây vàng và cá chẽm.
Các kết quả thu được bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt: Cá chim vây vàng đạt sản lượng hơn 11,5 tấn, tỷ lệ sống 96,6%, năng suất đạt 52,6kg/m³; cá chẽm đạt sản lượng hơn 10,8 tấn, tỷ lệ sống 87,5%, năng suất đạt 49,2kg/m³. Công nghệ “sông trong ao” giúp hạn chế ô nhiễm ao nuôi và giảm thiểu dịch bệnh. Bên cạnh đó, công nghệ này còn có khả năng ứng dụng rộng rãi ở những vùng nuôi ven biển bị bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Tham gia đề tài, hơn 30 hộ dân và cán bộ kỹ thuật tại địa phương đã được tập huấn, tiếp cận công nghệ mới, tạo nền tảng để mở rộng ứng dụng trong thời gian tới.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thực tiễn, khả năng nhân rộng và tác động tích cực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường của đề tài, đồng thời đề xuất tiếp tục hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng rộng rãi mô hình tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh. Đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá đạt.