Nghiên cứu 230 giống nho mới, Khánh Hòa mở rộng diện tích nho chất lượng cao

Nghiên cứu 230 giống nho mới, Khánh Hòa mở rộng diện tích nho chất lượng cao
11 giờ trướcBài gốc
Giống nho đỏ chín trĩu quả của hộ dân ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải trồng phục vụ ăn tươi cho du khách.
Để phát triển ngành hàng đặc trưng này, ngành nông nghiệp Khánh Hòa đang tập trung nguồn lực, đưa ra chính sách đầu tư cho vùng sản xuất nho theo quy hoạch; trong đó, ưu tiên vùng có chỉ dẫn địa lý, hình thành những vùng trồng tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế. Qua đó, để giữ vững vai trò là vùng sản xuất nho hàng đầu của cả nước.
Cây làm giàu
Các địa phương khu vực phía Nam của tỉnh Khánh Hòa từ trước giờ luôn đối mặt với thách thức thiếu mưa, thức nắng. Tuy nhiên, đây lại chính là lợi thế cho phát triển nông nghiệp đặc thù, nhất là các loại cây trồng có tính đặc trưng vùng miền, giá trị kinh tế cao như cây nho. Đến hết năm 2024, diện tích trồng nho ở phía Nam của tỉnh hơn 1.100 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 26.000 - 28.000 tấn nho ăn tươi.
Tại các địa phương như Xã Vĩnh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, phường Phan Rang... nghề trồng nho phát triển rất mạnh, nhất là các giống nho ăn tươi như nho đỏ (Red Cardinal), nho xanh (NH01-48), nho hồng nhật (NH01-152), nho Black Queen và các giống nho rượu. Đồng thời, một số giống nho mới cho năng suất cao, chất lượng tốt cũng đã được trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi để nhân rộng như nho mẫu đơn, nho hạ đen, nho ngón tay đen… là những giống nho ăn tươi mới, không hạt có chất lượng cao với nhiều triển vọng giúp người trồng nho nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Phạm Văn Trí (43 tuổi, ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải) phấn khởi cho biết, 85% hộ dân ở thôn đều làm nghề trồng nho. Gia đình ông cũng trồng 5 sào nho và hiện đanh mở rộng thêm diện tích trồng các giống nho mới như nho kẹo. Hiện giá nho dao động từ 50.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại. Điều đáng mừng là những năm gần đây nho không bao giờ rớt giá, bởi người dân đã biết làm nho sạch. Người tiêu dùng tin cậy hơn và thị trường tiêu thụ ngày một nhiều hơn. Bởi thế người dân nơi đây luôn có thu nhập cao từ loại cây trồng đặc thù này.
Du khách đến từ TP Hồ Chí Minh rất thích thú tham quan, trải nghiệm vườn nho chín trĩu quả ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, ông Nguyễn Khắc Phòng cũng cho biết, cây nho là cây có giá trị kinh tế nhất trong các loại cây trồng, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào sản xuất và thay đổi tư duy sản xuất (trồng giống nho mới, giống nho không hạt chất lượng cao, trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng nho trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế chẩm sinh học, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp IPM...), năng suất nho đạt khá cao khoảng trên 250 tấn/ha, hiệu quả kinh tế mang lại sau thu hoạch là rất lớn, tùy mùa vụ.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nho tập trung theo quy mô làng, xã như: Làng nho thôn Thái An, xã Vĩnh Hải; Làng nho xã Xuân Hải; Làng nho Văn Hải, phường Phan Rang; Làng nho Nho Lâm, xã Thuận Nam... Tổng diện tích đã cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 254 ha; trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao trên 85 ha. Các làng nho, vùng sản xuất nho này luôn thu hút đông đúc du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nho cũng được chú trọng phát triển. Đến nay trên địa bàn đã có nhiều liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời có trên 10 cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm từ nho, 30 doanh nghiệp tư nhân cùng khoảng 200 hộ sản xuất nhỏ dưới dạng hộ gia đình… cũng tham gia chế biến sản phẩm từ nho như mật nho, siro nho, rượu nho, vang nho, mức nho, nho khô và nước ép nho… rất được thị trường ưu chuộng. Các cơ sở chế biến mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 75.000 - 80.000 lít siro nho, rượu vang nho, nước ép nho và khoảng 8 -10 tấn ô mai nho, nho sấy dẻo, nho sấy khô.
Đưa nho “vươn ra biển lớn”
Nhiều sản phẩm được chế biến từ nho của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Để ngành hàng nho phát triển theo hướng bền vững, quy mô lớn, tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, ngoài việc thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất, ngành nông nghiệp còn chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang giữa “3 nhà” (nhà khoa học - nhà nông - nhà đầu tư, tức doanh nghiệp) trong ngành hàng để mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa khuyến khích các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư, từng bước hiện đại hóa khâu trồng trọt, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người trồng ứng dụng vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, bắt đầu từ khâu sản xuất, chế biến đến tổ chức quản lý sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nho trên thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, khuyến khích các nhà khoa học, Viện nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu lai tạo, tạo ra những giống nho mới chất lượng cao; đặc biệt có tính toán đến việc giảm tối đa chi phí trung gian trong sản xuất các loại giống nho không hạt, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc trưng của địa phương.
Các địa phương phía Nam tỉnh Khánh Hòa mở rộng diện tích trồng nho quy mô lớn.
Tiến sỹ Phan Công Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Các giống nho chuyển giao cho nông dân sản xuất đều xuất phát từ Viện. Trong bối cảnh khắc khe của giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi mới, Viện đã tính toán, nghiên cứu và lai tạo ra các giống nho mới để đưa vào sản xuất phù hợp với yêu cầu, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nho, mang lại lợi nhuận cao cho cả sản xuất và chế biến.
Hiện Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố đang lưu giữ trên đồng ruộng 230 giống nho mới các loại cho năng suất cao, có tính chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh, nổi bật như: NH01-48, NH01-93, NH01-96, NH01-152, NH01-26, NH01-16, NH01-205, NH02-90, NH02-97, NH04-102... đã công nhận và phóng thích vào sản xuất cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng.
Từ sự đa dạng về giống, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu, tuyển chọn từ 4 - 5 giống nho mới không hạt từ tập đoàn giống. Đến cuối năm 2025 đưa ra sản xuất thử trên diện rộng loại giống nho ăn tươi mới không hạt có năng suất, chất lượng cao, màu sắc hương vị quả đặc trưng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; khả năng kháng một số sinh vật gây hại cao hơn các giống hiện đang sản xuất. Trên cơ sở đó, đến năm 2030 sẽ nhân rộng mô hình sản xuất các giống nho mới không hạt theo hướng tập trung và thâm canh đạt từ 20 - 30% diện tích trồng nho trên địa bàn.
Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày; trong đó, có cây nho và ưu tiên xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển chế biến các sản phẩm từ nho đủ điều kiện xuất khẩu.
Ngoài diện tích đã được trồng trước đây, ngành nông nghiệp sẽ mở rộng diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt khoảng trên 1.000 ha, sản lượng ước đạt khoảng 27,9 nghìn tấn. Đến năm 2030 sẽ định hướng phát triển diện tích trồng khoảng 2.000 ha, sản lượng đạt trên 51.000 tấn; trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn đạt trên 1.500 ha, ước sản lượng đạt trên 40.000 tấn.
Nhiều sản phẩm được chế biến từ nho của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trịnh Minh Hoàng chia sẻ, để cây nho luôn đứng đầu so với các loại cây trồng và sản phẩm nho luôn ở thế thượng phong trên thị trường, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn vê sinh thực phẩm rất quan trọng. Do đó, ngành nông nghiệp phải có sự tính toán kỹ lượng để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đó.
Khánh Hòa sẽ tăng cường hỗ trợ đầu tư, mở rộng quy mô, diện tích trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… lên trên 60% tổng diện tích trồng của toàn tỉnh; phù hợp với quy hoạch và theo nhu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tỉnh cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung nhằm tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng trên cơ sở đồng nhất về giống và công nghệ sản xuất.
Nhiều sản phẩm được chế biến từ nho của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, tỉnh Khánh Hòa.
Từ hiệu quả trên, tỉnh hướng đến nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị đã hình thành có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp địa phương. Song song đó, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì nhãn mác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; sớm đưa nho tươi và các sản phẩm được chế biến từ nho “vươn ra biển lớn”.
Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/nghien-cuu-230-giong-nho-moi-khanh-hoa-mo-rong-dien-tich-nho-chat-luong-cao-20250709081827122.htm