Nghiên cứu: Deepfake có thể gây ra tổn thương lâu dài cho trẻ em

Nghiên cứu: Deepfake có thể gây ra tổn thương lâu dài cho trẻ em
2 ngày trướcBài gốc
Ngoài ra, 15% học sinh và 11% giáo viên còn biết đến những video deepfake có nội dung nhạy cảm, khiêu dâm liên quan đến học sinh trong trường.
Deepfake có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Khi những hình ảnh hoặc video nhạy cảm giả mạo của một người bị tung lên mạng, người đó có thể bị trầm cảm, thậm chí có ý định tự tử. Chưa hết, họ còn có thể bị những người khác quấy rối, đe dọa, và gặp khó khăn trong việc tìm việc làm hoặc xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Deepfake đang ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi hơn. Nếu không có những biện pháp bảo vệ kịp thời, con trẻ sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ xấu. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, thực tế đáng báo động hơn khi khảo sát của Trung tâm Dân chủ và Công nghệ nêu ra 57% học sinh trung học, 62% giáo viên trung học và 67% phụ huynh học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông thừa nhận rằng trường học của họ chưa có bất kỳ chính sách cụ thể nào về deepfake. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn học sinh đang đối mặt với nguy cơ bị tổn hại bởi deepfake mà không được bảo vệ đầy đủ.
Giáo dục trẻ em về tác hại
Bà Lindsay Lieberman, một luật sư bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân deepfake, đã chia sẻ những kinh nghiệm đau lòng của các khách hàng mình từng gặp với hãng tin CNN. Theo bà, deepfake không chỉ gây ra những tổn thương về tinh thần như trầm cảm, lo âu mà còn khiến nạn nhân bị cô lập, mất đi bạn bè và gặp khó khăn trong việc học tập cũng như tìm kiếm việc làm. Thậm chí, nhiều người còn phải đối mặt với những tổn thương về thể chất do căng thẳng kéo dài.
"Đó là lý do tại sao chúng ta cần dạy trẻ em không chỉ rằng chúng không nên tạo ra video deepfake mà còn không bao giờ nên tương tác với chúng bằng cách chia sẻ hoặc thích chúng", Lindsay Lieberman nói.
Tiến sĩ Devorah Heitner, một chuyên gia về giáo dục kỹ năng số, đã đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh: "Khi nói chuyện với con cái về deepfake, hãy đặt mình vào vị trí của chúng. Hãy hỏi con rằng chúng sẽ cảm thấy thế nào nếu bị người khác tạo ra những video giả mạo và tung lên mạng".
Giáo dục con cái về những nguy cơ có thể trở thành nạn nhân
Bà Lindsay Lieberman nhấn mạnh: "Càng trì hoãn việc cho con sử dụng mạng xã hội càng tốt. Tuy nhiên, nếu con bạn đã sử dụng mạng xã hội, hãy dạy con cách bảo vệ thông tin cá nhân. Con cần hiểu rằng chỉ nên chia sẻ hình ảnh và thông tin với những người mà con thực sự tin tưởng. Bằng cách này, con sẽ hạn chế tối đa khả năng bị người lạ lợi dụng để tạo ra những nội dung giả mạo".
Bà Lindsay Lieberman khuyên rằng: "Cha mẹ nên là tấm gương cho con cái trong việc sử dụng mạng xã hội. Hãy cẩn trọng với những gì bạn chia sẻ trực tuyến, vì con cái thường học hỏi và bắt chước theo cha mẹ". Ngoài ra, bà cũng lưu ý rằng: "Hãy cho con biết rằng nếu con gặp bất kỳ vấn đề gì liên quan đến deepfake, con có thể chia sẻ với cha mẹ mà không sợ bị mắng mỏ".
Tiến sĩ Devorah Heitner lại tập trung vào việc giúp trẻ em vượt qua những tổn thương. Bà cho rằng: "Chúng ta không nên chỉ tập trung vào việc đau khổ của trẻ mà hãy giúp trẻ hiểu rằng chúng có thể vượt qua được. Hãy khích lệ trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ những người xung quanh".
Hoàng Anh (theo CNN)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/nghien-cuu-deepfake-co-the-gay-ra-ton-thuong-lau-dai-cho-tre-em-post328872.html