Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí eBioMedicine, chỉ số khối cơ thể (BMI), huyết áp và mức độ hoạt động thể chất của trẻ em có thể ảnh hưởng đến cấu trúc não khi họ trưởng thành, đặc biệt là các vùng liên quan đến chứng mất trí nhớ.
Nói cách khác, sức khỏe không tốt trong giai đoạn tuổi thơ và thanh thiếu niên có thể dẫn đến suy giảm chức năng não bộ sau này.
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Khoa Tâm thần của Đại học Oxford dẫn đầu, cùng sự hợp tác với University College London, đã khảo sát dữ liệu của 860 người sinh ra vào những năm 1990. Nghiên cứu theo dõi sức khỏe của các cá nhân trong suốt thời gian dài, kiểm tra nhiều yếu tố sức khỏe khác nhau.
Ảnh minh họa: GI
Các nhà khoa học đã xem xét các yếu tố như huyết áp và BMI khi họ trong độ tuổi từ 7 đến 17, mức độ vận động thể chất từ 11 đến 15 tuổi, và chụp ảnh não khi các em khoảng 20 tuổi.
Kết quả cho thấy những dấu hiệu sức khỏe tim mạch kém, như huyết áp cao và tăng BMI trong giai đoạn thiếu niên, có liên quan đến những thay đổi trong cấu trúc chất xám của não, bao gồm độ dày và diện tích bề mặt của các vùng này. Những vùng não này đặc biệt liên quan đến chứng mất trí khi người ta già đi.
Mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và chức năng não đã được chứng minh ở những người lớn tuổi mắc chứng mất trí, và các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện của họ cung cấp "bằng chứng ban đầu" cho thấy nguy cơ mất trí có thể được xác định và giảm thiểu từ sớm trong cuộc sống.
Holly Haines, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng sức khỏe tim mạch trong những giai đoạn đầu đời có thể đóng vai trò quan trọng đối với cấu trúc của các vùng não bị ảnh hưởng do chứng mất trí ở tuổi già, và điều này xảy ra sớm hơn nhiều so với những gì chúng ta từng nghĩ".
Đồng tác giả, phó giáo sư Sana Suri từ Đại học Oxford, nhấn mạnh: "Các phát hiện này cho thấy chúng ta cần phải hướng tới việc can thiệp vào các yếu tố rủi ro lối sống có thể thay đổi được, chẳng hạn như béo phì và tập thể dục, từ khi còn trẻ, thay vì chỉ chờ đến tuổi trung niên".
Tiến sĩ Richard Oakley, phó giám đốc nghiên cứu tại Hiệp hội Alzheimer, nhận định rằng nghiên cứu này là bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch và chứng mất trí, đặc biệt là khi các yếu tố nguy cơ xuất hiện từ khi còn nhỏ.
"Mặc dù không có hành động đơn lẻ nào có thể ngăn ngừa chứng mất trí hoàn toàn, nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng thay đổi lối sống từ sớm có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí", ông nói.
David Thomas, người đứng đầu bộ phận chính sách tại Alzheimer's Research UK, cũng chỉ ra rằng nghiên cứu này giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về ảnh hưởng của thói quen không lành mạnh từ khi còn nhỏ đối với sức khỏe não bộ sau này. Ông nhấn mạnh rằng việc thay đổi thói quen như giảm béo phì và tăng cường vận động có thể giảm đến 45% nguy cơ mắc chứng mất trí.
Tuy nhiên, tiến sĩ Oakley lưu ý rằng nghiên cứu chủ yếu được thực hiện trên những người tham gia là người da trắng, thuộc tầng lớp thượng lưu hoặc trung lưu, và cần có thêm nghiên cứu trên các nhóm dân cư đa dạng hơn.
Hơn nữa, nghiên cứu mới chỉ là bước khởi đầu và cần nhiều nghiên cứu hơn để xác minh mối liên hệ giữa sức khỏe tim mạch kém ở trẻ em và nguy cơ mắc chứng mất trí trong tương lai.
Ngọc Ánh (theo SCMP, eBioMedicine)