Hoa ngô đồng khoe sắc. Ảnh: Hoàng Lê
Ngô đồng đến Huế không phải bằng con đường của những loài cây thông thường. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, thời Minh Mạng, hai cây ngô đồng đầu tiên được mang về từ Quảng Đông, được cho trồng nơi Đại Cung Môn như một biểu tượng. Sau đó, vua sai biền binh lên rừng tìm cây, mang về nhân giống và trồng tại các góc điện. Có lẽ, sâu xa hơn, vị vua ấy không chỉ trồng cây ngô đồng, mà đang gieo xuống đất Thần Kinh một ước vọng: đất này cũng có thể dưỡng nên linh khí của đế vương, cũng có thể đón chim phượng hoàng về đậu.
Thế nên, cây ngô đồng trong lòng Huế không chỉ là một sinh thể thực vật, mà là một dấu ấn tâm linh, một giấc mơ dựng triều của những bậc đế vương phương Nam.
Huế có thói quen giữ lại mọi vẻ đẹp trong một lớp sương mờ. Ngô đồng cũng thế. Nó không phô trương như phượng, chẳng rực rỡ như hoa gạo, cũng chẳng ngát hương như hoa sữa hay ngọc lan. Nó chọn nở vào cuối xuân, đầu hạ – khi mùa chưa kịp chuyển thân, khi nắng chỉ vừa mới nhẹ gõ vào tường thành cũ. Hoa bung nở khi cây gần như rụng hết lá. Trên cành khô, chỉ còn những chùm hoa tím nhạt, thanh thoát và phiêu lãng. Như thể hoa không mọc từ cành, mà mọc từ một khoảng lặng nào đó trong tâm tưởng.
Người đi trong Đại Nội Huế vào mùa này thường dừng lại thật lâu dưới tán ngô đồng. Có khi chỉ để ngẩng nhìn một vòm hoa tím lặng, có khi để lắng nghe một điều gì rất mơ hồ trong gió. Gió ở Huế tháng này mềm như lụa, thơm như có mùi cũ. Gió thổi qua từng cánh hoa, như gọi một lời của thời gian, của lịch sử, của những nỗi niềm mơ hồ không thể gọi tên.
Có người bảo “Phượng hoàng chỉ đậu trên ngô đồng” nên ngô đồng là loài cây được chọn, không phải vì dáng hay sắc, mà vì khí. Trên Cửu đỉnh trước Thế Miếu, hình chim phượng và cây ngô đồng được khắc liền nhau. Đó không chỉ là một tác phẩm mỹ thuật, mà là một tuyên ngôn về cái đẹp vương giả, trầm tĩnh, hướng thượng. Cái đẹp ấy không cần phải nói nhiều, tự nó tỏa ra từ chính sự im lặng.
Trong nhạc cụ truyền thống Huế, gỗ ngô đồng - gọi là cầm mộc - là lựa chọn hàng đầu để làm đàn tranh, đàn tỳ bà. Người thợ xứ Huế xưa có cách chờ gỗ khô tự nhiên, không sấy, không ép, để từng thớ gỗ ngấm thời gian, hài hòa cùng khí hậu Huế. Gỗ ấy làm nên tiếng đàn thanh mà ấm, lảnh lót mà sâu. Một tiếng đàn tranh giữa trưa tháng Tư, có khi khiến lòng người như chạm phải một nốt trầm của nỗi nhớ không tên. Tôi chợt nhớ những câu thơ rất hay của Phùng Tấn Đông trong bài thơ “Nghe tiếng đàn tranh ở Huế”: Mùa nào bắt đầu khi mười ngón tay em chạm xuống đàn tranh/ Mùa hạ vơi đầy trên mặt nước sông/ Mùa xuân tần ngần trên cây trên lá…
Không chỉ mùa hạ, mà cả mùa xuân, mùa thu, mùa đông của Huế như đều trú ẩn trong một tiếng đàn, trong một thân gỗ ngô đồng lặng lẽ được đánh thức sau giấc ngủ dài.
Bây giờ, ngô đồng không còn là cây độc quyền của hoàng cung. Chúng đã bước ra công viên, bên đường, ven sông. Từ Phu Văn Lâu đến công viên Tứ Tượng, từ lăng Tự Đức đến công viên Thương Bạc, và bay lên cả trên đồi Thiên An…, ngô đồng đã hiện diện như nét hoa kinh điển, như một phần thực thể đời sống Huế, nhưng vẫn giữ nguyên cái dáng vẻ khiêm nhường và thanh thoát.
Giới trẻ Huế và cả nước, vào tháng Ba, tháng Tư hoa ngô đồng nở rộ, lại kéo nhau chụp ảnh dưới vòm hoa. Mạng xã hội ngập tràn sắc tím ngô đồng. Trên Instagram, Facebook, TikTok, hàng trăm bức ảnh được ghi lại mỗi ngày. Có bạn trẻ mặc áo dài trắng đứng dưới gốc cây ở sau điện Thái Hòa. Có đôi tình nhân cùng ngồi ở công viên Tứ Tượng, nhặt từng cánh hoa ép vào trang sách. Có những video tua nhanh khoảnh khắc hoa rụng theo gió, trôi nhẹ qua hè phố như một vệt tơ nhung nhớ.
Ngô đồng, bằng cách rất riêng, đã bước vào tuổi trẻ của Huế hôm nay. Giới trẻ cũng yêu cái đẹp thầm lặng. Họ chọn những thứ không quá ồn ào. Và có lẽ, vì thế mà họ tìm đến ngô đồng như một biểu tượng mới của sự dịu dàng, tinh tế, sâu lắng - một cái đẹp không cần lớn tiếng vẫn khiến người khác dừng lại. Những status ngắn đi kèm ảnh: “Tháng Tư lại về với hoa ngô đồng”, “Huế thâm sâu như một bài hát không lời”, hay “Gửi một cánh hoa cho người không còn ở lại”… là những lời thì thầm, phảng phất nỗi buồn nhưng cũng thật dịu dàng và cũng mang hy vọng.
Một chiều tháng Tư, tôi đứng bên bờ sông Hương, nhìn ngô đồng đang rụng hoa theo gió. Hoa rơi không vội, nhẹ như tơ, chạm đất như một vũ điệu lông vũ. Tôi nghĩ, có lẽ Huế là thành phố được xây nên từ những thứ như thế - một cánh hoa rơi chậm, một làn gió mảnh mai, một tiếng dạ thưa nhẹ bẫng… một nhịp sống không nhất thiết phải đuổi theo một điều gì mà vẫn luôn để người ta nhớ mãi.
Hồ Đăng Thanh Ngọc