Ngô Thị Ninh - Những vần thơ thắm đượm tình quê

Ngô Thị Ninh - Những vần thơ thắm đượm tình quê
8 giờ trướcBài gốc
Tôi nói như vậy là vì sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, Ngô Thi Ninh học lớp kế toán ở huyện rồi về công tác ở UBND xã Minh Côi cho đến ngày được nghỉ chế độ. Ngô Thị Ninh là một nhà thơ nông thôn của miền trung du, chưa hề được đào tạo qua một lớp văn học nghệ thuật nào nhưng với năng khiếu bẩm sinh và lòng yêu thơ cô đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.
Ảnh minh họa Internet
Tác phẩm đầu tiên phải kể đến đó là bài chèo "Minh Côi trong trái tim tôi" mà Ngô Thị Ninh sáng tác đã được nhân dân xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa đón nhận như một "hiện tượng văn nghệ" trong năm 2024. Tác phẩm này của cô đã được CLB Chèo xã Minh Côi dàn dựng mang đi biểu diễn ở huyện và tỉnh. Và cũng năm đó nhà thơ Ngô Nếp đã cho ra mắt tập thơ "Bến Quê" gồm 54 bài thơ mà cô sáng tác trong những năm qua.
Tôi có dịp đến thăm nhà thơ trong một chiều hè của tháng năm. Trên con đường hẹp được trải bê tông, phải vượt qua một số ao cá và những bãi sắn, nương ngô tôi mới đến được khu vườn nhà nằm sâu trong phía núi sặc sở sắc hoa: hoa sim màu tím, hoa mẫu đơn màu đỏ… Trong sân nhà của cô bộn bề những bao tải ngô vừa mới thu hoạch. Bấy giờ tôi mới hiểu ra rằng, tại sao Ngô Thị Ninh lại chọn cho mình cái tên nhà thơ Ngô Nếp, có lẽ là vậy…
Ngô Thị Ninh có dáng người nhỏ nhắn khuôn mặt trái xoan và cặp mắt đượm buồn… Có lẽ những năm tháng tuổi thơ đầy vất vả và sự ra đi của người chồng cách đây bảy năm đã làm cho cô già dặn hơn cái tuổi năm bảy. Nhà thơ chia sẻ: Từ bé em đã phải làm lụng khá vất vả mà em đã mô tả trong bài thơ "Hồn quê". Vớt ốc nhồi đem về cha nấu chuối, Đô Úc ơi sao thân thương mãi gọi, Cây Vối ơi gánh lúa đẫm mồ hôi… Đặc biệt cách đây bảy năm khi người chồng thương yêu của em bị trọng bệnh và đã ra đi bỏ lại em và hai cô con gái… Anh bảo hoàn cảnh như vậy mà em vẫn đứng vững là may, chứ đừng nói gì đến chuyện thơ phú… Nhưng anh ơi cũng chính trong hoàn cảnh đó đã tạo cho em nhiều cảm xúc để em đến với thơ… Thực ra từ bé em cũng đã rất yêu thơ, khi đọc các bài thơ trong sách phổ thông của các nhà thơ Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Giang Nam em đã rất thích thú và cũng có lúc tập làm thơ, nhưng mãi sau này khi đã trưởng thành em mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp và chiều sâu của thơ và em chính thức bắt đầu làm thơ từ đó.
Có thể nói nhà thơ Ngô Nếp là nhà thơ trữ tình. Những bài thơ của cô viết về quê hương thật thắm đượm tình quê. Trong bài "Về Hạ Hòa với hội thơ", cô như reo lên khi giới thiệu quê hương Minh Côi, Hạ Hòa tươi đẹp và rất đỗi yêu thương:
"Rừng cọ, đồi chè trung du sao đẹp quá,
Bến ao Châu tỏa sóng nước mây trời,
Về Hạ Hòa sao thương nhớ đầy vơi,
Bâng khuâng chiều khi nhìn về núi Buộm
Thả hồn quê trên cầu sang Ấm Thượng
Lòng bồi hồi nhớ lắm một miền quê".
Thơ của Ngô Thị Ninh tập trung phản ánh cuộc sống nông dân, nông thôn một cách sống động, trong bài " Yêu lắm đồng quê", nhà thơ viết:
"Tiếng máy bừa vẫn đều đặn vang lên
Trời sắp tối mà cánh đồng chưa ngủ
Vào vụ rồi mà nước về chưa đủ
Chị nông dân vẫn vác cuộc lội ngang đồng"
Ở nhà thơ Ngô Nếp, ngoài tình cảm với quê hương đất nước, với người dân nông thôn, với thửa ruộng con trâu còn toát lên tình yêu thương chan chứa con người. Những bài thơ mang tính tự sự sâu lắng với người thân, với những anh chiến sĩ nơi biên giới.
Trong bài "sống để yêu thương", Ngô Nếp viết:
"Hãy yêu thương nhau khi còn có thể
Ai biết được cuộc sống sẽ ra sao
Có ai biết ốm đau bệnh tật đến lúc nào
Có ai biết ngày mai mà ly biệt."
Hoặc khi tâm sự với người lính nơi đảo xa:
"Em hỏi anh chiến tranh đã qua lâu
Sao nước da anh vẫn một màu sương gió
Cuộc đời lính vẫn lang thang đây đó
Biên giới mù sương hay hải đảo xa xôi
Thấy không em, ở ngay giữa ngàn khơi
Đảo Trường Sa anh ngày đêm canh giữ".
Thơ của Ngô Nếp có lúc cũng rất buồn, buồn vì phải chia tay, buồn vì mối tình dang dở, buồn vì sự vô tình của người đời. Nỗi buồn thê thảm muốn bỏ đi để mua vui vẫn không được… Sự độc đáo trong bài "Bán buồn mua vui", nghe thật ngồ ngộ:
"Em đi bán bớt nỗi buồn
Tìm không thấy chợ mưa tuôn ít hàng
Ngại ngùng rảo bước thang thang
Bến sông sóng nước mơ mạng lao xao."
Nhà thơ Ngô Nếp đón tiếp tác giả tại nhà
Mùa đông đối với nhà thơ Ngô Nếp là những kỷ niệm khó phai, mùa chia ly hay mong đợi mà trong tập thơ 54 bài của cô phải có đến 5 bài về mùa đông. Trong bài "Đông buồn" cô viết:
"Chiều đông ngọn gió hao gầy
Mưa giăng nhè nhẹ hàng cây trước nhà
Mịt mùng sương tỏa đồng xa
Chợt nghe chuông gió la đà chợt buông".
Hay trong bài "Nỗi nhớ mùa đông", có đoạn:
"Anh còn nhớ tới em không
Lời hứa hôm nào anh từng nhắn nhủ
Rằng đông này anh về ru em ngủ
Trong vòng tay ấm áp của tình yêu."
Thơ của Ngô Nếp buồn nhưng không bi lụy, nhớ nhung mà mà ước mơ vẫn đong đầy… Trong bài " Đường Đời " nhà thơ viết:
"Tự nhủ lòng rằng đã bao lần
Hãy sống vui như lá hoa cây cỏ
Dẫu đường đời vẫn muôn vàn sóng gió
Dù biển kia vẫn mù mịt bão giông
Cuộc sống kia không chỉ một màu hồng
Mạnh mẽ bước tương lai đang chào đón".
Với một tác phẩm đầu tay, nhà thơ Ngô Thị Ninh đã mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện về cảnh nông thôn của vùng trung du, thuộc tỉnh Phú Thọ, những đổi thay hàng ngày của đất và người Minh Côi, Hạ Hòa nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung. Những bài thơ của cô mang tính tự sự, trữ tình những tình cảm chân thành của người với người, giữa con người và thiên nhiên, đất nước… Tin chắc rằng với sự đam mê của mình nhà thơ Ngô Nếp sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa. Độc giả mong chờ sự thăng hoa của nhà thơ Ngô Thị Ninh.
Trần Anh Tuấn
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/ngo-thi-ninh-nhung-van-tho-tham-duom-tinh-que-a28794.html