Hầu hết các tỉnh thành ở Trung Quốc đều chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh trong những năm gần đây. Ảnh: VCG.
Tại khu vực Triều Sán, phía đông tỉnh Quảng Đông – nơi các làng mạc vẫn giữ nguyên những từ đường cổ kính và văn hóa dòng tộc được tôn vinh – truyền thống sinh con đông vẫn bền bỉ tồn tại, theo SCMP.
Chen Jiahui, 28 tuổi, cho biết nhiều anh chị họ lớn tuổi của cô đã có hai, thậm chí ba con, dù ở lại quê hay chuyển đến nơi khác sinh sống. “Quan niệm rằng con cái mang lại phúc đức, con trai nối dõi tông đường vẫn rất mạnh mẽ ở đây”, cô nói.
Tỷ lệ sinh cao nhất Trung Quốc
Khi phần lớn Trung Quốc chìm trong làn sóng già hóa dân số, thì tại Quảng Đông, những giá trị truyền thống ủng hộ gia đình đông con vẫn có chỗ đứng.
Là tỉnh đông dân và giàu có nhất cả nước, Quảng Đông ghi nhận 1,13 triệu ca sinh trong năm 2024 – tăng 100.000 so với năm trước – giữ vững vị trí đầu bảng về số ca sinh trong 7 năm liên tiếp, và là tỉnh duy nhất vượt mốc một triệu trẻ sơ sinh trong 5 năm liền. Tỉ lệ sinh đạt 8,89 trẻ trên 1.000 dân – thuộc nhóm cao nhất toàn quốc.
Khác với các tỉnh có tỉ lệ sinh cao thường tập trung ở khu vực miền Tây kém phát triển, Quảng Đông là nơi có GDP khu vực cao nhất Trung Quốc.
Dù đối mặt với suy thoái bất động sản và giảm sút trong khu vực tư nhân, tỉnh này vẫn duy trì vị thế dẫn đầu suốt 36 năm qua, với tổng sản phẩm kinh tế đạt 14.160 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.940 tỷ USD) – ngang ngửa GDP hàng năm của Nga.
Biểu đồ số lượng người được sinh ra và mất đi tại Trung Quốc giai đoạn 2001 - 2024. Biểu đồ: SCMP.
Sức hút kinh tế của Quảng Đông cũng góp phần thu hút lực lượng lao động trẻ nhập cư, tạo lợi thế nhân khẩu đáng kể. Dân số cư trú của tỉnh đạt 127,8 triệu người vào cuối năm 2024 – tăng 740.000 người, mức tăng cao nhất cả nước.
Ông Peng Peng, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Cải cách Quảng Đông – một tổ chức tư vấn chính sách địa phương – cho biết, ngay cả ở những nơi như Triều Sán hay Trạm Giang, tuy ý định sinh con đã giảm theo xu thế chung, song ảnh hưởng của truyền thống vẫn sâu đậm hơn các vùng khác.
“Sự kết hợp giữa giàu có và văn hóa là điều rất khó nhân rộng”, ông nhận định.
Cụ thể, Sán Đầu – một thành phố thuộc vùng Triều Sán – ghi nhận tỉ lệ sinh 12,3/1.000 dân trong năm 2023. Năm 2024, Trạm Giang có 77.500 ca sinh, đạt 10,92/1.000 dân – đều vượt xa mức trung bình toàn quốc.
Chính sách hỗ trợ sinh đẻ
Ở các khu vực phía Bắc – đặc biệt là Đông Bắc – nhiều quan niệm truyền thống về sinh con đã phai nhạt. “Ý niệm ‘nối dõi tông đường’ giờ bị xem là lạc hậu”, nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu tại Quảng Đông chia sẻ.
“Không thể áp đặt văn hóa sinh đẻ truyền thống lên toàn quốc. Nếu muốn tăng tỉ lệ sinh hiện nay, chính sách kinh tế và hỗ trợ tài chính là con đường khả thi”, ông nhận định.
Trong bối cảnh khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng nghiêm trọng, nhiều gia đình Trung Quốc trì hoãn kế hoạch sinh con vì gánh nặng tài chính, bất ổn thị trường lao động và áp lực nuôi dạy con trong xã hội cạnh tranh khốc liệt.
Các nhà hoạch định chính sách đã tung ra nhiều ưu đãi – từ trợ cấp nhà ở, tiền mặt đến ưu đãi thuế cho các cặp vợ chồng sinh con. Dù một số chính sách bắt đầu phát huy tác dụng, song giới chuyên gia vẫn nghi ngờ hiệu quả đủ lớn để đảo ngược xu hướng suy giảm.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh toàn quốc chỉ đạt 6,77/1.000 dân. Số ca tử vong tiếp tục vượt số sinh, khiến dân số Trung Quốc giảm năm thứ ba liên tiếp – mất 1,39 triệu người, còn 1,4083 tỷ dân theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia.
Tuy nhiên, số trẻ chào đời đã tăng nhẹ lần đầu tiên kể từ năm 2017, đạt 9,54 triệu – so với 9,02 triệu năm trước. Các chuyên gia cho rằng điều này một phần nhờ vào năm Thìn – con giáp may mắn, khi nhiều bậc phụ huynh đợi đến 2024 để sinh “con rồng”.
Thuận lợi và thách thức từ xu hướng hiện đại
Ông Dong Yuzheng, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Dân số Quảng Đông và cố vấn chính quyền tỉnh, cho biết sức mạnh kinh tế cùng vai trò trung tâm nhập cư đã tạo lợi thế nhân khẩu rõ rệt.
Ngoài ra, tỉnh này còn hưởng lợi từ cấu trúc công nghiệp đa dạng. Trong khi các trung tâm sản xuất truyền thống như Đông Quản, Phật Sơn vẫn thu hút lao động, thì những thành phố như Thâm Quyến – nơi đặt trụ sở của Huawei, Tencent – lại trở thành điểm đến của giới trẻ năng động nhờ tinh thần khởi nghiệp, hệ sinh thái start-up phát triển và cơ hội việc làm dồi dào.
Văn hóa truyền thống cũng là yếu tố ảnh hưởng. Tại quê hương của Chen ở Giới Dương, các chuẩn mực gia tộc và tư tưởng phụ hệ vẫn hiện diện dù đã bước vào thời hiện đại.
“Tại đám cưới hay tang lễ, nếu không có con trai, người ta sẽ thấy buổi lễ thiếu trọn vẹn. Điều đó vô hình trung tạo áp lực xã hội khiến nhiều người cảm thấy cần sinh thêm con,” cô cho biết.
Tuy vậy, giới trẻ đang dần thay đổi. Mặc dù mức độ không bằng những đô thị như Thượng Hải – nơi tâm lý phản đối sinh con mạnh mẽ nhất – song xu hướng giảm sinh tại Quảng Đông vẫn hiện hữu.
“Giờ đây, hầu hết người trẻ đều tin rằng con trai hay con gái đều như nhau. Áp lực kết hôn sớm, sinh đông con hay có con trai chủ yếu đến từ thế hệ lớn tuổi”, Chen chia sẻ.
Xu hướng giảm sinh tại Quảng Đông vẫn còn hiện hữu khi giới trẻ đang thay đổi quan điểm về sinh con. Ảnh: Xinhua.
Khác với các anh chị họ lớn tuổi, Chen – từng học tại Anh – cho biết cô chưa có kế hoạch kết hôn hay sinh con vì lo ngại tác động thể chất của việc sinh nở, khó khăn trong cân bằng công việc và gia đình, cũng như chi phí nuôi con quá cao.
“Áp lực phải sinh con trai hay có nhiều con giờ nhẹ đi rất nhiều. Ngược lại, trong mắt người trẻ, sinh đông con lại là điều khá kỳ lạ”.
Sự thay đổi trong tư duy phản ánh những chuyển động sâu rộng của xã hội hiện đại – vừa làm giảm áp lực, vừa khiến giới trẻ thận trọng hơn với chuyện sinh con. Việc duy trì mức sinh cao tại Quảng Đông sẽ không hề dễ dàng.
John Li, 30 tuổi, vừa kết hôn và sống tại trung tâm Quảng Đông, đồng tình rằng tư tưởng truyền thống vẫn còn phổ biến, nhưng giới trẻ ngày nay thực tế hơn nhiều.
“Dù hiện tại người dân vẫn khá coi trọng việc có con trai, nhưng tư duy kiểu cũ ấy đang phai nhạt dần – chứ chưa biến mất hẳn”, anh nói.
Theo anh, kinh tế mới là yếu tố quyết định số lượng con cái của mỗi gia đình: “Nếu có điều kiện, người ta có thể sinh nhiều con. Nếu không, thì một con – thậm chí không có con – cũng là điều bình thường”.
Phương Linh