Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc

Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc
8 giờ trướcBài gốc
Một cửa hàng của Apple ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo Global Times, Sách trắng được Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) công bố hôm 25/4 đã liệt kê căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, một mối lo ngại đã đứng đầu trong 5 năm liên tiếp.
Theo Sách trắng Hoạt động kinh doanh của Mỹ ở Trung Quốc 2025, trước các đợt tăng thuế mới nhất, 63% số thành viên của AmCham China coi căng thẳng Mỹ-Trung là thách thức kinh doanh lớn nhất mà họ phải đối mặt ở Trung Quốc và hơn 50% bày tỏ lo ngại rằng quan hệ song phương có thể xấu đi thêm nữa. Cuộc khảo sát được tiến hành trước các đợt tăng thuế mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.
Báo cáo cho thấy 46% các công ty thành viên có lãi, 36% hòa vốn và 18% thua lỗ vào năm 2024. Báo cáo đánh giá những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc cải thiện môi trường đầu tư, chẳng hạn như cập nhật Các biện pháp hành chính đặc biệt đối với tiếp cận đầu tư nước ngoài và đưa ra các sáng kiến mới nhằm cải cách quy định.
Theo báo cáo, khi được hỏi về môi trường đầu tư của Trung Quốc, 33% các công ty thành viên cho biết đã có sự cải thiện so với năm trước đó, tăng 5 điểm phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ các công ty cho rằng môi trường đầu tư xấu đi đã giảm 7 điểm phần trăm xuống còn 28%.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy mặc dù 49% số công ty được khảo sát vẫn liệt kê Trung Quốc là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, nhưng tỷ lệ xác định Trung Quốc là mục tiêu đầu tư chính của họ đã giảm 6 điểm phần trăm so với năm 2023. Điều đáng lo ngại là 21% các công ty không còn coi Trung Quốc là điểm đến đầu tư nữa, gấp đôi con số trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Ông Huo Jianguo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Tổ chức Thương mại Thế giới của Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói rằng trước đây, các công ty Mỹ tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nội địa của Trung Quốc, chẳng hạn như bảo vệ sở hữu trí tuệ và cải cách đấu thầu nhưng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ rõ ràng trong những lĩnh vực này. Bây giờ, mối quan tâm chủ yếu là xung đột thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thuế quan như vậy.
Theo Phó Chủ tịch Huo Jianguo, không chỉ các nhà xuất khẩu Trung Quốc bị ảnh hưởng vì nhiều công ty Mỹ ở Trung Quốc, cũng là nhà xuất khẩu, có những sản phẩm cần xuất khẩu, một số sang thị trường Mỹ và một số sang các thị trường khác nhau. Do đó, doanh nghiệp của cả hai bên đều phải đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức.
Bất chấp những thách thức, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc. Trong thỏa thuận hợp tác chiến lược với chính quyền thành phố Thượng Hải, Toyota cam kết đầu tư 14,6 tỷ NDT (2 tỷ USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện mang thương hiệu Lexus ở Thượng Hải.
Chủ tịch AmCham China Michael Hart thừa nhận rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và năng lực sản xuất tiên tiến khiến Trung Quốc trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Hải Yến (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thach-thuc-lon-nhat-voi-doanh-nghiep-my-hoat-dong-tai-trung-quoc/371513.html