Theo thông tin trên trang web chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc, Hội nghị về công tác ứng phó với xung đột thương mại toàn quốc năm 2025 vừa được tổ chức tại Bắc Kinh từ 24-25/4.
Hội nghị nêu rõ, xung đột thương mại của Trung Quốc hiện nay đã bước vào giai đoạn cường độ cao. Hội nghị yêu cầu, trước những khó khăn, thách thức, nước này phải củng cố niềm tin, giữ vững tập trung, chú trọng sách lược, tạo ra cơ hội mới trong khủng hoảng, mở ra cục diện mới trong hoàn cảnh thay đổi, tăng cường chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất và cực đoan nhất, nỗ lực phòng ngừa và hóa giải rủi ro thương mại.
Hội nghị này nhằm tổng kết công tác ứng phó với xung đột thương mại từ năm 2024 đến nay và nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành liên quan thuộc chính phủ, cơ quan thương mại các tỉnh, thành, hiệp hội doanh nghiệp các ngành công nghiệp trọng điểm và các viện nghiên cứu của Trung Quốc.
(Ảnh minh họa - VCG)
Cũng trong ngày 25/4, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị phân tích tình hình và công tác kinh tế dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Hội nghị cho rằng nền tảng phục hồi kinh tế của nước này cần tiếp tục được củng cố trong bối cảnh các cú sốc từ bên ngoài gia tăng. Trung Quốc cũng cần phối hợp công tác kinh tế trong nước với đấu tranh kinh tế, thương mại quốc tế, tập trung ổn định việc làm, doanh nghiệp, thị trường và kỳ vọng.
Cùng ngày, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc (AmCham Trung Quốc) đã công bố Sách Trắng năm 2025, xác định căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc là thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt và vấn đề này đã trở thành thách thức chính trong 5 năm liên tiếp.
Theo đó, 63% thành viên AmCham Trung Quốc xếp căng thẳng Mỹ-Trung là thách thức kinh doanh hàng đầu tại Trung Quốc, với hơn 1/2 bày tỏ lo ngại quan hệ song phương có thể tiếp tục xấu đi trước đợt tăng thuế quan mới nhất.
Báo cáo cho biết, dự kiến, trong năm 2024, 46% doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc kinh doanh có lãi, 36% hòa vốn và 18% thua lỗ. Báo cáo cũng cho thấy, trong khi 49% công ty vẫn xếp Trung Quốc là 1 trong 3 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, thì 21% công ty khác không còn đưa nước này vào danh sách điểm đến đầu tư ưu tiên, giảm 6 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này gấp đôi mức trước đại dịch, điều mà Sách Trắng gọi là “gây sốc”.
Bên cạnh việc đưa ra các khuyến nghị cho chính phủ Trung Quốc về cạnh tranh công bằng, Sách Trắng cũng khuyến nghị chính phủ Mỹ giảm thuế xuất nhập khẩu, hai nước tăng cường đối thoại về các vấn đề liên quan đến thương mại và thuế quan, giải quyết ổn thỏa bất đồng, giới hạn phạm vi kiểm soát xuất khẩu để chỉ nhắm vào những rủi ro an ninh quốc gia nhạy cảm nhất và giảm thiểu sự gián đoạn đối với các nền kinh tế liên quan.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh