Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông thúc đẩy đàm phán ngừng bắn: Nhiệm vụ khó khả thi

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông thúc đẩy đàm phán ngừng bắn: Nhiệm vụ khó khả thi
2 giờ trướcBài gốc
Chuyến công du thứ 11
Chuyến thăm Trung Đông mới nhất của nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ là chuyến ngoại giao lần thứ 11 của ông tới khu vực này kể từ khi các chiến binh Hamas ở Palestine tấn công miền Nam Israel vào ngày 7.10.2023, dẫn tới cuộc chiến tranh ở Gaza. Ông Blinken tới Israel trong bối cảnh quân đội Do Thái tăng cường chiến dịch tại vùng đất Palestine này cũng như mở mặt trận mới trên bộ ở Lebanon nhằm vào lực lượng dân quân Hezbollah.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken công du Trung Đông, thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Ảnh: Reuters
Trong chuyến công du kéo dài một tuần, dự kiến, ngày 23.10, ông Blinken sẽ dừng chân tại Jordan và Qatar, trong bối cảnh các quốc gia này cũng đang chuẩn bị cho phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran vào Israel vào ngày 1.10. Bất kỳ cuộc tấn công trả đũa nào của Israel có thể làm gián đoạn thị trường dầu mỏ và có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai kẻ thù không đội trời chung.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, về vấn đề Gaza, Blinken sẽ tập trung thảo luận về cách chấm dứt chiến tranh, kế hoạch cho vùng đất này sau khi giao tranh kết thúc và các biện pháp để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo.
Tuần trước, Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã viết thư cho các quan chức Israel yêu cầu các biện pháp cụ thể để giải quyết tình hình ngày càng tồi tệ ở Gaza, nếu không sẽ phải đối mặt với những hạn chế tiềm tàng về viện trợ quân sự của Hoa Kỳ.
Vị quan chức này cho biết, trong các cuộc gặp với Israel và các nước Ảrập, Blinken sẽ đi sâu vào các vấn đề "tương lai", đặc biệt là an ninh, quản trị và tái thiết. Kế hoạch chi tiết cho từng vấn đề này được coi là điều kiện tiên quyết để đạt được bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho cuộc xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ thảo luận với Israel và các nước khác về cách đảm bảo một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột với Hezbollah, đồng thời sẽ tiếp tục cuộc đối thoại của Washington với Israel về phản ứng dự kiến của họ đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran, vị quan chức này cho biết.
Sẽ khó có đột phá
Các chuyên gia cho rằng, Hamas và Israel vẫn bất bất đồng sâu sắc về các điều kiện ngừng bắn và khó có thể đưa ra nhượng bộ đáng kể trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 5.11, sự kiện có thể làm đảo lộn chính sách của Mỹ đối với Trung Đông.
Aaron David Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết "Thật khó để Ngoại trưởng Blinken đạt được bước đột phá trong tuần này, vì cả Hamas và Thủ tướng Israel Netanyahu đều không có nhu cầu cấp thiết phải chấm dứt chiến tranh.
Ông Miller cho rằng: "Việc Mỹ cho rằng cần tận dụng thời điểm này có thể là một suy nghĩ sai lầm". Chính quyền Tổng thống Biden coi vụ quân đội Israel tiêu diệt nhà lãnh đạo Hamas Sinwar vào tuần trước là một động thái có thể mở đường cho khả năng chấm dứt chiến tranh ở Gaza, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố giao tranh vẫn sẽ tiếp diễn.
Israel đang đẩy nhanh các hoạt động quân sự để đẩy Hezbollah ra khỏi biên giới phía Bắc của mình trong khi tiến vào trại tị nạn Jabalia đông đúc ở Gaza, động thái mà người Palestine và các cơ quan Liên Hợp Quốc lo ngại có thể là một nỗ lực nhằm cô lập miền Bắc Gaza khỏi phần còn lại của vùng đất này.
Các nhà phân tích cho biết ông Netanyahu có thể đang muốn chờ đến khi nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kết thúc vào tháng 1 và thử vận may với tổng thống tiếp theo, bất kể là ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris hay đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump. Có vẻ như ông Netanyahu đã nói chuyện với Trump về cuộc xung đột qua điện thoại vào 19.10, cả văn phòng của Trump và Netanyahu đều cho biết.
Nhà phân tích Miller cho biết đề xuất ngừng bắn ở Gaza mà Hoa Kỳ và các nhà trung gian là Ai Cập và Qatar đã thảo luận trong nhiều tháng qua không còn khả thi nữa. Bên cạnh đó, việc Hamas thiếu một người lãnh đạo cao nhất cũng như có khả năng kiểm soát toàn cục cũng làm phức tạp thêm quá trình đàm phán.
Phát biểu với các phóng viên hôm 21.10, Phát ngôn viên phó của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel nhấn mạnh rằng các quan chức Hoa Kỳ cảm thấy "có cơ hội để thúc đẩy" lệnh ngừng bắn. Ông cho biết: "Tôi sẽ không suy đoán về bất kỳ kết quả cuối cùng nào (từ chuyến đi), nhưng chúng tôi cảm thấy rằng điều quan trọng là phải hợp tác không chỉ với người Israel mà còn với các đối tác khác trong khu vực".
Quỳnh Vũ (Theo Reuters)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ngoai-truong-my-toi-trung-dong-thuc-day-dam-phan-ngung-ban-nhiem-vu-kho-kha-thi-post394011.html