Ngoại trưởng Trung Quốc thăm châu Âu: Nỗ lực hài hòa quan hệ

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm châu Âu: Nỗ lực hài hòa quan hệ
6 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Bỉ Bart De Wever đón Ngoại trưởng Vương Nghị tại Brussels, ngày 1/7. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Chuyến thăm của ông Vương Nghị thực hiện theo lời mời của Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas, Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul và Bộ trưởng phụ trách châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot.
Trong chuyến công cán, Ngoại trưởng Vương Nghị đồng chủ trì Đối thoại chiến lược cấp cao Trung Quốc-EU lần thứ 13, thăm Đức và tham dự vòng Đối thoại chiến lược Trung Quốc-Đức về ngoại giao và an ninh lần thứ tám rồi đến Pháp hội đàm với người đồng cấp Pháp và dự đối thoại cấp cao Trung Quốc-Pháp về trao đổi nhân dân.
Tìm bước tiến mới
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chịu sức ép lớn từ cạnh tranh thương mại và vấn đề thuế quan với Mỹ. Việc mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ trở thành nhu cầu cấp thiết với Trung Quốc.
Bắc Kinh đã thể hiện rõ quan điểm này, khi mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Quách Gia Côn cho biết, với việc chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng gia tăng, Trung Quốc và EU cần tăng cường giao tiếp, bảo vệ thương mại tự do và các quy tắc quốc tế, đồng thời có hành động vững chắc như “mỏ neo cho sự ổn định” trong một thế giới nhiều biến động.
Bên cạnh đó, chuyến thăm lần này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc - EU, đánh dấu vòng đối thoại đầu tiên về các vấn đề an ninh chiến lược kể từ khi nhiệm kỳ mới của Ủy ban châu Âu bắt đầu. Chính vì vậy, chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị được kỳ vọng tạo bước tiến mới, góp phần định hình mối quan hệ hợp tác sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và EU trong giai đoạn tiếp theo.
Trên thực tế, trước thềm chuyến thăm, vào đầu tháng 5/2025, Bắc Kinh quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt được áp dụng vào năm 2021 đối với năm nhà lập pháp châu Âu. Đây là động thái cho thấy sự sẵn sàng và nỗ lực của Trung Quốc trong giảm bớt căng thẳng ngoại giao và khôi phục các cuộc trao đổi với EU.
Những thách thức hiện hữu
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị được đánh giá là cơ hội giúp thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và EU, song cũng đặt ra yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại - các vấn đề trọng tâm thảo luận giữa hai bên.
Thứ nhất, hai bên đang phải đối mặt với căng thẳng thương mại liên quan tình trạng mất cân bằng kinh tế, với mức thâm hụt thương mại lên tới 357,1 tỷ USD nghiêng về phía Trung Quốc. Để đối phó với vấn đề này, những năm gần đây, EU có xu hướng cứng rắn hơn trước các động thái kinh tế được cho là “thiếu công bằng” từ Trung Quốc, dẫn đến việc Bắc Kinh tìm cách đáp trả.
Mới đây, việc EU áp thuế với xe điện Trung Quốc đã khiến nước này đưa ra các biện pháp thuế tương tự, bao gồm đánh thuế rượu cognac của Pháp. Căng thẳng tiếp tục leo thang trong tháng 6/2025 khi EU cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu các thiết bị y tế của chính phủ trị giá trên 5 triệu Euro - động thái được coi là nhằm phản ứng trước các rào cản mà Trung Quốc đặt ra với doanh nghiệp EU.
Thứ hai, vấn đề đất hiếm hiện cũng đang gây ra căng thẳng hai bên. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, từ tháng 4/2025, Bắc Kinh đã áp dụng quy định yêu cầu giấy phép đối với việc xuất khẩu các loại vật liệu chiến lược này. Trung Quốc hiện chiếm gần hai phần ba tổng sản lượng khai thác và chiếm 92% tổng sản lượng tinh chế đất hiếm toàn cầu.
Đây là nhóm kim loại có vai trò thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất pin cho xe điện. Quy định mới của Trung Quốc vấp phải sự chỉ trích từ các doanh nghiệp và hiệp hội công nghiệp phương Tây, vốn lo ngại về tính minh bạch và ổn định trong quy trình cấp phép của Trung Quốc. Để xoa dịu lo ngại, trong tháng 6/2025, Bộ Thương mại Trung Quốc đề xuất thiết lập một “kênh xanh” nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu đất hiếm sang thị trường EU.
Thứ ba, xung đột Nga-Ukraine là cản trở cho việc xây dựng lòng tin giữa Trung Quốc và EU. Việc Bắc Kinh duy trì quan hệ mật thiết với Moscow đã làm dấy lên nhiều lo ngại ở EU. Dù Bắc Kinh khẳng định lập trường trung lập trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn ba năm, nhiều nhà lãnh đạo EU vẫn công khai chỉ trích Trung Quốc gián tiếp hậu thuẫn cho Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và giúp cho Moscow có được sự hỗ trợ đáng kể về kinh tế và ngoại giao.
Thứ tư, việc quản lý kỳ vọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và EU là vô cùng quan trọng. Bà Thôi Hồng Kiến, Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc cho rằng, việc Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump liên tục tạo sức ép lên châu Âu có thể khiến cho khối 27 nước tăng cường mong muốn hợp tác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp, nội bộ EU đang tồn tại những chia rẽ về chính sách đối với Trung Quốc, đồng thời, một số chính trị gia châu Âu vẫn nhấn mạnh việc nên ưu tiên quan hệ với Mỹ.
Vì thế, một kịch bản hai bên xích lại gần nhau để đối trọng hoàn toàn với Mỹ là rất khó thành hiện thực. Việc Brussels có bước đi thúc đẩy quan hệ hợp tác với Bắc Kinh có thể sẽ chỉ là những điều chỉnh mang tính chiến lược, chứ không phải là thay đổi chính sách dài hạn.
Một số học giả nhận định, chuyến thăm châu Âu lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị phản ánh rõ nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy một khuôn khổ quan hệ ổn định và lâu dài với EU. Trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Brussels đều đang đối mặt với những thách thức riêng về kinh tế, địa chính trị và chiến lược, nhu cầu đối thoại và hợp tác ngày càng trở nên cấp thiết.
Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-EU. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị cho thấy cơ hội làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Đối thoại chân thành, tôn trọng lẫn nhau và điều chỉnh kỳ vọng một cách thực tế sẽ là chìa khóa giúp hai bên tìm được tiếng nói chung, từ đó hướng tới một mối quan hệ ổn định, cân bằng và cùng có lợi trong thời gian tới.
Nguyễn Thanh Xuân
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/ngoai-truong-trung-quoc-tham-chau-au-no-luc-hai-hoa-quan-he-319784.html