Ngọc Linh lúa chín 'cúi đầu'

Ngọc Linh lúa chín 'cúi đầu'
6 giờ trướcBài gốc
Nông dân xóm Ngọc Linh (xã Phục Linh, Đại Từ) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn.
Do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, ít ngày trước, nhiều chân ruộng lúa mùa ở xóm Ngọc Linh cũng chìm trong biển nước, nhưng nhờ có hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hóa 100% nên đảm bảo công tác tưới tiêu, nước rút nhanh, thiệt hại không đáng kể. Những ngày này, bà con nông dân phấn khởi xuống đồng thu hoạch lúa, bông nào bông nấy nặng hạt, “cúi đầu” nhưng không gẫy đổ dù vừa trải qua mưa lũ.
Dẫn chúng tôi ra thăm đồng lúa trĩu bông, trải rộng một màu vàng tươi mới trong nắng Thu, anh Bùi Văn Hảo, Trưởng xóm Ngọc Linh, bước xuống chân ruộng trước mặt, hai tay nâng bông lúa nặng hạt, tự hào giới thiệu: Nhờ đồng đất bằng phẳng, phì nhiêu, nên phần lớn các hộ trong xóm chuyên canh trên 23ha lúa chủ yếu bằng giống BC15, trong đó có 15ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, số ít hộ có đất đồi bãi thì trồng thêm chè để nâng cao thu nhập. Chỉ nhờ cây lúa thôi mà nhiều hộ trong xóm đã thoát nghèo, lo cho các con học hành, có thêm tích lũy và đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xóm...
Có những chân ruộng ở xóm Ngọc Linh đạt năng suất 3 tạ/sào, cao nhất xã Phục Linh (Đại Từ).
Chúng tôi gặp anh Trần Đình Minh đang ra thăm đồng, chuẩn bị gặt lúa. Anh cho biết: Gia đình tôi có 7 sào ruộng, trong đó dành 5 sào để sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần cùng với bà con trong xóm hướng đến sản xuất nông sản sạch, nâng cao chất lượng gạo. Gạo sạch, cơm ngon, trước hết là phục vụ bữa ăn của gia đình, sau đó nếu có dư thóc gạo để bán cũng sẽ được giá hơn, tạo dựng niềm tin với khách hàng khi mua gạo Ngọc Linh.
Bao đời nay, cuộc sống của người nông dân vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đồng ruộng, nhưng nay họ đã thay đổi tư duy, từ chỗ sản xuất thóc lúa chỉ mong đủ ăn, sang nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích đất canh tác. Nhờ đó, nhiều xóm thuần nông như Ngọc Linh đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chính đồng đất quê hương mình. Bà con nông dân không chỉ canh tác đơn thuần mà vươn lên sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, hiện nay xóm không còn nhà tranh vách đất, chỉ còn 4/137 hộ thuộc diện nghèo.
Xóm có 2 hộ đầu tư mua 2 máy gặt đập liên hoàn (trị giá trên 300 triệu đồng/máy), bảo đảm thu hoạch lúa cho cả xóm; khâu làm đất cũng có trên 50 máy cày, bừa thay thế sức trâu, bò. Nhờ đó, dù phần lớn những người trong độ tuổi lao động ở Ngọc Linh đi làm việc tại các công ty, nhà máy nhưng những người ở nhà vẫn đảm đương tốt công việc đồng áng vì có máy móc hỗ trợ, cả cánh đồng rộng lớn vẫn "mùa nào thức nấy", không ngơi nghỉ.
Gia đình ông Trần Minh Hợi (ở xóm Ngọc Linh, xã Phục Linh, Đại Từ) sẵn sàng hiến đất và tài sản trên đất để mở rộng đường xóm lên 6m, đổ bê tông.
Điều kiện kinh tế dư giả, người dân Ngọc Linh sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để đối ứng cùng Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, như nhà văn hóa, kênh mương nội đồng, đường bê tông… Hiện nay, trên 4km đường nội đồng ở xóm đều được đổ bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con canh tác, thu hoạch, vận chuyển nông sản; trên 80% tuyến đường trục xóm (hơn 1km) được mở rộng từ 3m lên 6m và đổ bê tông.
Nhiều hộ bị ảnh hưởng bởi các công trình sẵn sàng hiến đất ở, tài sản trên đất với tổng trị giá cả trăm triệu đồng mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì, tiêu biểu như các ông Trần Minh Cường, Trần Minh Hợi, Trần Văn Sửu...
“Để góp phần cùng bà con làm đường, gia đình tôi đã phá bỏ hàng rào, cổng và xây lùi vào hơn 1m, tính ra tổng trị giá đất và tài sản trên đất là hơn 100 triệu đồng. Nhưng tôi và các thành viên trong gia đình đều hiểu được ý nghĩa, lợi ích khi tuyến đường xóm được mở rộng, nên tất cả đều đồng thuận về việc này” - ông Trần Minh Hợi chia sẻ.
Tình cờ chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Nương, Bí thư Chi bộ xóm Ngọc Linh, đang cùng bà con bàn thảo về mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị phấn khởi cho biết: Chúng tôi rất tự hào về xóm Ngọc Linh. Tuy xuất phát điểm thấp, là xóm thuần nông nhưng bà con đã biết tận dụng lợi thế về địa hình, đất đai để vươn lên từ chính đồng ruộng của mình. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xóm luôn đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao...
Hải Đăng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202410/ngoc-linh-lua-chin-cui-dau-2ce2ca0/