Ngôi chùa Khmer lưu giữ nhiều cổ vật giá trị

Ngôi chùa Khmer lưu giữ nhiều cổ vật giá trị
5 giờ trướcBài gốc
Một góc chùa Xiêm Cán. Ảnh: Đặng Thúy
Ngôi chùa gần 140 năm tuổi
Chúng tôi đến thăm các vị sư sãi và tăng ni của chùa Xiêm Cán vào một ngày cuối Thu. Đón đoàn chúng tôi ngay tại cổng tam quan của chùa là Thượng tọa Dương Quân hiện đang trụ trì chùa Xiêm Cán.
Trong gian chánh điện, cũng là giảng đường cổ xưa của chùa, Thượng tọa Dương Quân cho biết, Xiêm Cán là ngôi chùa Khmer tọa lạc tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Chùa được xây dựng vào năm 1887, có diện tích rộng khoảng 5ha và theo hệ phái Phật giáo Nam tông. Dựa theo ghi chép trên bia đá được tạc bằng chữ Khmer cổ ở hai mặt trước và sau đặt bên phải chính điện, thì chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào ngày 7 tháng 5 dương lịch năm 1887. Tuy không phải là ngôi chùa Khmer cổ nhất ở khu vực này, nhưng chùa Xiêm Cán luôn là điểm dừng chân của du khách mỗi khi đặt chân đến Bạc Liêu, không chỉ bởi những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo, mà còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị.
Người có công xây dựng chùa là vợ chồng ông Nên (63 tuổi) và bà Ngét (54 tuổi), đây là một gia đình giàu có trong vùng và có tín ngưỡng phật pháp. Cùng góp sức còn có 30 hộ gia đình khác hàng ngày khai phá để lấy cây, đất xây cất chùa. Sau hơn hai tháng thi công và hoàn thành, bà con trong phum sóc họp bàn rồi đến mời pháp sư Thạch Mau (1829-1909), một người am hiểu kinh kệ, tinh thông phật pháp về làm trụ trì chùa. Theo tâm tư, nguyện vọng cũng như sự đề bạt chân thành của bà con, pháp sư Thạch Mau về trụ trì chùa và trở thành vị trụ trì đầu tiên của chùa Xiêm Cán. Đến nay, ngôi chùa Khmer này đã trải qua 9 đời trụ trì và vài lần trùng tu, sửa chữa.
Thượng tọa Dương Quân lý giải thêm: Ngày trước, vùng này còn hoang sơ, cây cối rừng rậm rất nhiều, đường sá không có được như bây giờ, chỉ đi bằng xuồng ba lá từ kênh Bạc Liêu. Từ bên ngoài đi vào phải mất gần một buổi ngồi xuồng. Người dân vào đây để lập nghiệp được khoảng mấy chục gia đình nên mới có nhu cầu thành lập chùa. Do đường sá khó khăn, vùng này lại giáp biển nên trụ trì đầu tiên - sư Thạch Mau đặt tên chùa bằng tiếng Khmer có tên là chùa Komphisako, tức là biển sâu, ý nghĩa là sự sâu xa, sự uyên bác của trí tuệ nhà phật. Ngoài tên gọi Komphisako, chùa còn có tên theo địa danh là Komphirsakor Prét Chru. Prét có nghĩa là “sông”, còn Chru có nghĩa là “sâu”, ghép lại là “sông sâu”.
Thời gian sau, có một bộ phận người Hoa người gốc Triều Châu (Trung Quốc) đến định cư, vì tiếng Khmer khó đọc nên họ đã dịch từ Prét Chru sang thành Xiêm Cán có nghĩa là “giáp nước”, ý nói một ngôi chùa ngự trên một vùng đất ngay bên cạnh bãi bồi ven biển. Giải nghĩa cho điều này là do khi xưa, chùa Xiêm Cán chỉ cách bờ biển khoảng 500m. Song, do bờ biển Bạc Liêu là dòng biển bồi nên bây giờ khoảng cách từ chùa đến bờ biển gần 5km. Tồn tại cùng thời gian với hơn 137 năm đầy thăng trầm, mỗi đời trụ trì đều dốc sức tôn tạo, gìn giữ và mở rộng để ngôi chùa hoàn hảo như ngày nay.
Tinh hoa văn hóa Khmer
Có thể chùa Xiêm Cán không phải là ngôi lâu đời nhất, cũng chưa phải là chùa Khmer lớn nhất ở miền Tây, nhưng về vẻ đẹp và quy mô, ngôi chùa này luôn là điểm đến được yêu thích bậc nhất.
Điểm khác biệt của chùa Xiêm Cán chính là sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng họa tiết, dù là vách tường, mái nhà và trụ cột..., tất cả đều được trang trí công phu, nhiều màu sắc. Bên cạnh đó, chùa có đến 115 pho tượng, một bia đá và một quả chuông có từ năm 1887. Các công trình này cách nhau cả trăm mét, xen giữa là những khoảng sân cùng những hàng cây xanh mát, không gian toát lên vẻ thanh tĩnh và trang nghiêm.
Các thiếu nữ người dân tộc Khmer đến chùa Xiêm Cán để tập luyện các điệu múa truyền thống. Ảnh: Đặng Thúy
Quần thể kiến trúc chùa Xiêm Cán gồm nhiều hạng mục quay mặt về hướng Đông, được xây dựng theo trường phái Phật giáo Nam Tông đặc trưng nhưng mang đậm dấu ấn kiến trúc Angkor-Campuchia. Nổi bật nhất là chính điện của chùa. Tòa chính điện được xây theo dạng hình chữ nhật có chiều rộng 18m, chiều dài 36m, mặt chính quay về hướng Đông. Lối vào chính điện với 18 bậc thang để đi lên, phía trên là tượng Phật Thích Ca. Trên vách, trần, cột của chính điện đều được trang trí phù điêu bích họa cầu kỳ, công phu, nhiều màu sắc. Nổi bật các bích họa cỡ lớn kể về cuộc đời đức Phật từ lúc mới sinh ra cho đến quá trình tu hành đạt thành chính quả. Tọa lạc trên nền gạch cao 1,5m, vẻ đẹp bên trong chính điện mang một màu sắc rực rỡ, nổi bật và trang nghiêm, với 100 cây cột bê tông tròn tạo sự vững chắc cho tòa nhà. Phần góc mái của mỗi đỉnh đều được đắp khúc đuôi rắn dài, uốn cong, mềm mại và được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo bởi rất nhiều hoa văn... là một tuyệt tác khiến nhiều người mê đắm.
Thượng tọa Dương Quân kể: "Chính điện ngày xưa được xây cất bằng cây lá. Sau 16 năm thì gặp một trận bão khiến chính điện bị hư hỏng. Từ đó, các hòa thượng tìm cây lớn về làm cột xây chính điện, mái lợp mái bằng ngói. Tới năm 1974, chính điện của chùa lại xuống cấp mới nên mới xây dựng lại. Với bà con dân tộc Khmer, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bảo tồn bản sắc dân tộc, thờ phụng hài cốt ông bà quá cố... Do đó mà họ sẵn sàng đem hết công sức, của cải để xây dựng, tu bổ chùa. Đây cũng chính là lý do vì sao ngôi chùa ngày càng hoàn hảo theo thời gian. Đến Bạc Liêu vào những dịp lễ hội lớn như Ok Om bok, Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta, bạn sẽ thấy chùa Xiêm Cán được trang hoàng lộng lẫy. Không khí trong chùa những ngày này thật rộn ràng với ca hát, vũ hội...”.
Không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng với phong cách nghệ thuật lẫn kiến trúc độc đáo, chùa Xiêm Cán còn được biết đến là nơi lưu giữ và hình thành nên nhiều nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc người Khmer. Điều đặc biệt hơn, đây còn là nơi lưu giữ bộ sách Khmer cổ được viết trên lá cây buông, mỗi cuốn dày đến 70 trang với tuổi đời trên 100 năm.
Cẩn thận lau chùi những quyển kinh phật cổ được khắc trên lá buông, Thượng tọa Dương Quân kể: "Hồi đó không có máy đánh chữ nên các sư viết trên lá buông, khi viết phải có kỹ thuật rất giỏi, bút rất bén. Các sư học kinh, giáo lý của phật hay thuyết pháp đều nằm trên lá buông. Ngày nay, một số chùa vẫn giữ lưu niệm kinh viết trên lá buông. Trong đó chứa đựng nhiều giáo lý của Phật, góp phần cho con em mình biết chữ viết ngày xưa như thế nào".
Đến với chùa Xiêm Cán, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc công phu, tận hưởng không khí yên tĩnh, thanh bình, mà còn hiểu hơn về văn hóa tín ngưỡng, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ.
Đặng Thúy
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/ngoi-chua-khmer-luu-giu-nhieu-co-vat-gia-tri-post481625.html