Ngôi đền từ thế kỷ XIV nơi cửa biển đông khách dịp cuối năm

Ngôi đền từ thế kỷ XIV nơi cửa biển đông khách dịp cuối năm
10 giờ trướcBài gốc
Cổng chính vào Đền Bà Hải. Ảnh: HN.
Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (còn gọi là Đền Bà Hải) tọa lạc tại thôn Tam Hải 2 (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cách quốc lộ 1A khoảng 8km về phía Đông.
Đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu nằm ở vùng cửa biển, với vị trí đẹp, kiến trúc cổ kính và linh thiêng. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng mà còn là nơi lưu giữ những chiến tích chiến tranh cổ xưa từ thời nhà Trần.
Tấm bia ghi lại lịch sử ngôi đền. Ảnh: HN.
Vì thế, đền luôn thu hút du khách, vừa lễ đền, vừa tìm hiểu lịch sử văn hóa. Dịp cuối năm, ngôi đền linh thiêng này đón hàng trăm lượt du khách về thưởng lãm, vãn cảnh, viếng đền.
Ghi nhận của PV, những ngày cuối năm Giáp Thìn, du khách khắp mọi miền tìm đến Đền Bà Hải để dâng hương. Dòng người tấp nập hành lễ ở tất cả các khu vực bên trong đền.
Theo du khách, trước đây, họ chỉ đi lễ đầu năm nhưng những năm gần đây đi cả dịp cuối năm để đáp lễ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.
Điều đặc biệt nhất của ngôi đền mà du khách cảm nhận được khi tới đây chính là sự linh thiêng mà ngôi đền mang lại.
Cuối năm, hàng trăm lượt du khách về Đền Bà Hải vãn cảnh, dâng hương. Ảnh: HN.
Chị Bùi Thị Huyền (trú TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết, năm nào, vào dịp cuối năm và đầu năm, gia đình chị cũng đều đến Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu để dâng hương, cầu một năm bình an, mạnh khỏe, mọi sự hanh thông. “Tôi rất thích đến Đền Bà Hải bởi ở đây cực kỳ linh thiêng, trầm mặc, bình yên”, chị Huyền nói.
Đền Bà Hải nổi tiếng vì sự linh thiêng, tĩnh mịch. Ảnh: HN.
Ông Phan Công Đính, Trưởng BQL di tích lịch sử văn hóa danh thắng cấp Quốc gia Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu cho biết: Không chỉ đầu năm mà cuối năm, đền đón rất đông du khách. Mỗi ngày, đền đón từ 200-500 lượt khách đến vãn cảnh và dâng hương.
Ngôi đền thu hút du khách nội và ngoại tỉnh. Ảnh: HN.
“Để đảm bảo an ninh trật tự tại đền, chúng tôi có 3 tổ công tác gồm lực lượng công an, biên phòng và BQL đền gồm tổng 13 cán bộ. Dịp Tết, lực lượng túc trực 100% con số. Du khách đến tại đền dịp cuối và đầu năm để dâng hương cầu an. Tại đền không có hoạt động mê tín dị đoan”, ông Đính nói.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự tại đền được đảm bảo. Ảnh: HN.
Đền thờ Quý phi Bích Châu được xây dựng trên một cồn cát rất rộng vào thế kỷ XIV, bao gồm khu cổng chính với Đền miếu ông Quan Tả, nhà Quan Tả và Tam quan; khu điện thờ chính Quý phi Bích Châu gồm hạ điện, trung điện và thượng điện được kết nối với nhau theo kiểu chữ công.
Hàng năm, Đền Bà Hải thu hút hàng triệu lượt du khách. Ảnh: HN.
Từ tổng thể đến chi tiết, đền Quý phi Bích Châu được thiết kế cầu kỳ và công phu. Hình “lưỡng long chầu nguyệt” ở khu nhà hạ điện, bức hoành phi được sơn son thếp vàng đề chữ “Thánh Đức Lưu Phương” ở gian giữa vừa đẹp, cầu kỳ lại rất hoành tráng nhằm để tưởng nhớ và ca ngợi công đức của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu.
Kiến trúc ở Đền Bà Hải cổ kính. Ảnh: HN.
Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công. Bà sớm nổi tiếng thông tuệ, hiểu văn chương. Năm Long Khánh thứ nhất (1373), Nguyễn Thị Bích Châu được vua Trần Duệ Tông tuyển làm Tả cung Quý phi, lấy hiệu là Phù Dung.
Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu thảo bản “Kê minh thập sách” đưa ra được những điểm trọng yếu nhất, thiết thực nhất về đường lối chính trị, văn hóa, quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước.
Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu khuyên ngăn vua không được, bà đã xin đi theo để hộ giá. Trong trận giao chiến với giặc, quý phi đã bị trúng tên độc và từ trần vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 2 năm 1377.
Ba ngày sau, vì bệnh nặng lại thương tiếc quý phi, nhà vua phiền não nên cũng băng hà. Lúc này, triều đình lập vua mới, Trần Phế Đế lên ngôi. Nhà vua lệnh cho quần thần rước linh cữu vua Trần Duệ Tông về bằng đường bộ, còn linh cữu của Quý phi Bích Châu đi đường biển. Chờ lâu ngày biển vẫn không lặng, triều đình đành xuống chiếu cho quan quân an táng linh cữu và lập miếu thờ quý phi tại núi Ô Tôn, vùng Eo Bạch, huyện Kỳ Hoa, thuộc Châu Hoan, nay là thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Hạnh Nguyên
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ngoi-den-tu-the-ky-xiv-noi-cua-bien-dong-khach-dip-cuoi-nam-10298883.html