Ngôi làng 'cất giấu' rừng Cấm ở thượng sông Kôn

Ngôi làng 'cất giấu' rừng Cấm ở thượng sông Kôn
7 giờ trướcBài gốc
Cả làng xem rừng cây như “long mạch” đem đến vận may, no ấm cho dân làng. Trải qua hàng trăm năm, rừng cây được giữ nguyên vẹn, nhiều cổ thụ cao lớn sản sinh ra nhiều mùa quả để người làng cải thiện đời sống.
Giữ rừng để chống đói
Giữa tháng 5, nắng như đổ lửa, men dọc dòng sông Kôn, chúng tôi ngược ngàn tìm về ngôi làng Tiên Hòa (xã Vĩnh Hòa) để “mục sở thị” khu rừng thu nhỏ mà ngôi làng này đang "cất giấu". Trên đường đi, lướt qua mắt là vùng đồi núi khô cằn, khắp nơi nắng nóng bao phủ, cây cối quặt quẹo. Nhưng đến làng Tiên Hòa, một thế giới khác hiện ra đầy ấn tượng khi giữa nơi bán sơn địa khô quắt lại có một khu rừng nhỏ xanh ngát, chim thú hót vang cả một góc.
Ông Phạm Ngọc Anh chỉ tay về rừng cây nhỏ mà cả làng "cất giấu" qua nhiều thế hệ
Ở đầu làng Tiên Hòa, ông Phạm Ngọc Anh (69 tuổi) kể, rừng cây có tên Hòn Cấm được cả làng bảo vệ từ hàng trăm năm qua. Ngày xưa, các ông chủ làng ban bố những lệnh cấm rừng rất nghiêm khắc. Nếu ai đụng đến một cây nhỏ cũng bị quở phạt, còn vi phạm nặng thì bị phạt làm thuê, gánh lúa công ích cho làng.
Bên trong Hòn Cấm "cất giấu" nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi
“Lúc còn nhỏ, tôi được nghe ông bà kể lại, cả làng giữ rừng là để giữ lấy mạch nước cho các giếng làng và những đồng lúa nước. Ngày xưa, cứ mỗi mùa khô hạn là khắp nơi mất mùa, thiếu đói nên làng nào có nước là dân làng đó ấm no. Nhờ có nước Hòn Cấm nên ruộng đồng của làng luôn tươi tốt, nuôi sống bao thế hệ, dân chưa bao giờ lo đói khát”, ông Anh kể.
Rừng Cấm của làng Tiên Hòa vẫn còn nguyên vẹn giữa vùng bán sơn địa
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Cấm nhờ có vị trí chiến lược lại nhiều cây rừng nên được bộ đội lựa chọn làm nơi ẩn náu. Về sau, địch phát hiện Hòn Cấm có quân ta thì dùng máy bay rải bom cày nát đồi núi khiến cây rừng bị tàn phá. “Sau giải phóng, rừng cây bị tàn phá nhiều nên mấy năm sau làng liên tục bị khô hạn, ruộng lúa thiếu nước, mất mùa, nhiều người khó khăn. Từ đó, cả làng hiểu vai trò quan trọng Hòn Cấm và quyết tâm phải giữ lại cho đến hôm nay”, ông Anh kể thêm.
Một cây xay ăn quả cổ thụ 3 người ôm không xuể
Rừng cây đẻ lộc
Để được “mục sở thị” Hòn Cấm, chúng tôi đến nhờ ông Lê Văn Hùng, Trưởng thôn Tiên Hòa, hỗ trợ và nhận lời làm "hoa tiêu" đưa đường nhập Hòn Cấm. Từ trong làng, chúng tôi phải leo qua một con dốc cao dựng đứng mới đến những quần thể cổ thụ. Càng vào sâu, đoàn như đang lạc vào khu rừng nguyên sinh thu nhỏ với nhiều tầng cây đan xen, nhiều loài dây leo khổng lồ vươn mình như muốn ngán đường khách lạ xâm nhập.
Theo chân "hoa tiêu" vào Hòn Cấm
Vừa đi, vị trưởng thôn tâm sự: “Đối với làng Tiên Hòa và 400 hộ dân trong làng, vai trò Hòn Cấm rất quan trọng, trong đó có 150 hộ hưởng lợi trực tiếp từ rừng cây. Bên cạnh cảnh quan, môi trường mát mẻ, rừng cây ở Hòn Cấm còn giúp làng giữ được mạch nước ngầm từ lòng núi giúp dân chống hạn, cung cấp nước để bà con sinh hoạt, tưới tiêu ruộng đồng. Dù chẳng có quy chế, hình thức xử phạt nào cho hành vi xâm hại Hòn Cấm nhưng cả làng đều có ý thức giữ rừng rất cao, mọi người xem Hòn Cấm như di sản mà tổ tiên để lại”.
Một cây bằng lăng cổ thụ được cả làng Tiên Hòa gìn giữ hàng trăm năm
Sau một hồi lội rừng, chúng tôi đến gần một cây cổ thụ có thân đen nhánh, ông Hùng gọi đó là cây thị đen ăn trái. Mỗi mùa thị cho quả, khu rừng ngào ngạt mùi thơm gây mê hoặc cả con người và chim muông. Chưa hết, theo lời ông Hùng, Hòn Cấm còn có các loại cây cổ thụ khác như: bằng lăng, xay, ché, cóc rừng… Nhiều cây xay có đường kính gốc rất lớn phải 3 người ôm, mỗi mùa xay cho quả từ tháng 7-8. Người làng vào rừng để thu “lộc rừng” kiếm thêm thu nhập. Có năm, quả xay được giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, nhiều người thu bộn tiền.
Gốc cây thị đen ăn quả cổ thụ khác nằm giữa Hòn Cấm
Cứ thế, theo chân ông Hùng, chúng tôi được tận mắt nhìn những cây rừng cổ thụ ẩn mình trong Hòn Cấm. Ở một khu vực núi phía Tây Nam, rất nhiều cây thị đen, xay ăn quả ước tính có tuổi hàng trăm năm. Nhìn tổng thể, Hòn Cấm chỉ rộng hơn 10 héc ta nhưng hệ sinh thái rừng đa tầng, có những quần thể cổ thụ ken dày chẳng khác nào một cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn...
Cây xay ăn quả cổ thụ sản sinh những mùa quả giúp làng cải thiện thu nhập
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ cố gắng vận động, tuyên truyền bà con bằng mọi giá phải gìn giữ, bảo tồn Hòn Cấm nguyên trạng cho đến mai sau. Chúng tôi mong muốn cấp trên khảo sát, đánh giá lại giá trị của Hòn Cấm để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái ở đây. Nếu được vậy, tương lai Hòn Cấm sẽ có "danh phận", có quy chế bảo vệ nghiêm ngặt và lan tỏa văn hóa giữ rừng của cả làng cho nhiều người dân, du khách khắp nơi biết đến", ông Hùng bày tỏ nguyện vọng.
Suốt hành trình khám phá Hòn Cấm, chúng tôi được chiêm ngưỡng nhiều "lão cây" hàng trăm năm tuổi
Hình mẫu văn hóa giữ rừng
Ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh nhìn nhận, tục lệ gìn giữ rừng ở Hòn Cấm của làng Tiên Hòa là một hình mẫu văn hóa, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng dân cư với rừng cây, sinh thái, môi trường sống. Đây là một cộng đồng có trách nhiệm, một tấm gương truyền đi thông điệp để mọi người dân cùng chung tay giữ lấy rừng, lá phổi xanh cho con người và muôn loài trong tự nhiên...
Theo NGỌC OAI (SGGPO)
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/ngoi-lang-cat-giau-rung-cam-o-thuong-song-kon-post323983.html