Ngôi nhà chung trên thung lũng A Lưới

Ngôi nhà chung trên thung lũng A Lưới
3 giờ trướcBài gốc
Ngôi nhà truyền thống Cơ Tu. Ảnh: Bảo Anh
Dưới bóng đồi sim
A Lưới vừa chính thức được công nhận thoát khỏi một trong những huyện nghèo của cả nước. Việc triển khai xây dựng Làng văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa bàn huyện nhằm phát triển các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa với tổng mức kinh phí gần 20,8 tỉ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Ngôi làng tọa lạc giữa đồi sim thơ mộng, gồm khối nhà chung sinh hoạt cộng đồng và 3 ngôi nhà truyền thống của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu.
Bản sắc văn hóa thể hiện ở không gian cảnh quan, kiến trúc nhà Guơl, nhà Rông và nhà Moong của đồng bào, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa của người dân và du khách. Từ tháng 8/2024 đến nay, nhiều đoàn khách du lịch đã đến tham quan và check-in tại Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới. Mọi người cùng chung vui tại lễ hội của các dân tộc tại các không gian văn hóa của đồng bào.
Làng văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa của người dân và du khách. Đây cũng là nơi tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường, phong tục tập quán, văn hóa lễ hội và bảo tồn nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt zèng và các tri thức dân gian được bảo tồn và phục dựng. Đồng thời, dự án được xây dựng còn mở ra điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị các nghề truyền thống tại A Lưới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
A Lưới là điểm đến du lịch hấp dẫn ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhiều mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp trải nghiệm cảnh quan sinh thái và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc như Làng du lịch sinh thái cộng đồng ở A Nôr (xã Hồng Kim), mô hình du lịch cộng đồng ở A Roàng (xã A Roàng), điểm du lịch sinh thái suối Pâr Le (xã Hồng Hạ). Nhiều người dân A Lưới cũng kỳ vọng tương lai Làng văn hóa truyền thống này cũng sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách. Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể, các tập tục văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới được duy trì thường xuyên.
Các lễ hội truyền thống của đồng bào và nhiều di sản văn hóa khác được khôi phục, phục dựng. Phong trào văn hóa dân gian đang được phát huy mạnh mẽ ở các làng, thôn, tổ dân phố của huyện. Các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc thiểu số đã được sưu tầm, bảo tồn, thường xuyên được tổ chức tại cộng đồng phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm. Tại Làng văn hóa truyền thống này sẽ diễn ra nhiều hoạt động tái hiện các lễ hội truyền thống, trưng bày giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trình diễn nghề truyền thống cùng các hoạt động văn hóa dân gian.
Chị Hồ Thị Thúy (dân tộc Pa Cô, xã Hồng Thượng) rất hào hứng khi cùng giao lưu với bạn bè các dân tộc khác tại Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới, chia sẻ: “Mình luôn luôn tôn trọng và mang theo những trang phục của dân tộc mình. Đi đâu mình cũng kể về dân tộc mình và rất tự hào về điều đó. Ở nơi này, mình được gặp gỡ rất nhiều bạn bè từ các dân tộc khác nhau như Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy. Mọi người đều chung tay lan tỏa, giới thiệu cho các bạn biết dân tộc mình có những nét văn hóa gì”.
Mây núi hòa ca
Mới được khánh thành cách đây không lâu, nhưng trong trao đổi với những người đứng đầu địa phương, họ đều kỳ vọng rằng, để Làng văn hóa này thực sự có sức sống, có sức thu hút với nhiều người, nhiều du khách, chính quyền địa phương cũng dự định trong thời gian tới sẽ đưa một số hộ dân thuộc các cộng đồng dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu vào sinh sống tại khu vực này. Có làng văn hóa, có cộng đồng người sinh sống, hơi thở của đất và người mới quyện hòa cùng nhau, mới tạo nên đúng sắc màu của không gian văn hóa vốn có ngàn đời của bà con đồng bào. Và trong cuộc sống đó, sẽ xây dựng, tái hiện không gian văn hóa cổ xưa của các dân tộc trên từng địa bàn. Đồng thời, kho tàng tri thức của các già làng, trưởng bản, người có uy tín sẽ trao truyền những tư liệu có giá trị cao để xây dựng và phát triển Làng văn hóa này nhiều hơn nữa.
Làng Văn hóa truyền thống, nơi sinh hoạt, bảo tồn văn hóa các dân tộc huyện A Lưới. Ảnh: Bảo Anh
Ngôi làng chung này cũng là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, sắt son, một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, huyện A Lưới cho biết: “Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới được xây dựng trên địa bàn xã Hồng Thượng. Chính quyền và người dân Hồng Thượng sẽ cùng với người dân huyện A Lưới vừa bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số, vừa phát triển du lịch sau này trên địa bàn”.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện A Lưới cho biết, Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới là nơi hội tụ sắc màu văn hóa các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy. Với định hướng xuyên suốt, A Lưới đang triển khai công tác bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo động lực, khuyến khích bà con làm du lịch. Đồng thời, huyện cũng tranh thủ các nguồn dự án để phát triển du lịch trên địa bàn. Chính quyền và người dân địa phương hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và điểm đến, phấn đấu để A Lưới là “nơi đáng đến, đáng ở lại và có thứ đáng để mang về”.
Minh Ngọc - Bảo Anh
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/ngoi-nha-chung-tren-thung-lung-a-luoi-post482738.html