Nội dung
1. Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ béo phì và ít vận động
2. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư vú
1. Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ béo phì và ít vận động
Thống kê cho thấy, trên thế giới có hơn 600 triệu người đang sống chung với tình trạng béo phì, trong đó phụ nữ có tỷ lệ béo phì cao hơn nam giới. Béo phì ở phụ nữ có liên quan đến nhiều biến chứng sức khỏe bao gồm chảy máu tử cung bất thường, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, vô sinh và một số bệnh ung thư.
Ít vận động là một yếu tố nguy cơ của nhiều biến chứng sức khỏe, bao gồm các rối loạn tim mạch và hô hấp, kháng insulin, yếu cơ và giảm tiêu hao năng lượng. Tất cả những tình trạng này đều có khả năng làm tăng nguy cơ béo phì và hội chứng chuyển hóa.
Ngồi lâu hàng ngày được coi như một hành vi ít vận động đã được phát hiện có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ nói chung. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa hành vi ít vận động với tỷ lệ mắc ung thư vú ở nhóm dân số có nguy cơ cao như phụ nữ béo phì.
Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ béo phì và ít vận động. Ảnh minh họa.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMC Women'Health phụ nữ béo phì và ít vận động, ngồi nhiều trong thời gian dài có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn đáng kể.
Nghiên cứu do các nhóm tác giả tại Trung Quốc thực hiện, nhằm mục đích điều tra mối liên hệ giữa thời gian ngồi hàng ngày và tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ béo phì đồng thời xem xét vai trò của hoạt động thể chất trong việc giảm thiểu mối liên hệ này. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu được từ Khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia (NHANES), một cuộc khảo sát đánh giá sức khỏe và dinh dưỡng do Trung tâm thống kê y tế quốc gia Hoa Kỳ thực hiện từ năm 1999.
Tổng cộng 9.706 phụ nữ béo phì tham gia khảo sát đã được đưa vào nghiên cứu này. Những người tham gia được chia thành bốn nhóm tùy thuộc vào thời gian ngồi hằng ngày bao gồm: dưới 4 giờ mỗi ngày, 4-6 giờ mỗi ngày, 6-8 giờ mỗi ngày và hơn 8 giờ mỗi ngày. Tác động của thời gian ngồi hằng ngày lên tỷ lệ mắc ung thư vú được đánh giá sau khi điều chỉnh các yếu tố nhân khẩu học, lối sống và yếu tố gây nhiễu y tế.
Phát hiện cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn đáng kể ở những phụ nữ có thời gian ngồi nhiều (4-6 giờ, 6-8 giờ và hơn 8 giờ) so với những người có thời gian ngồi ít hơn (dưới 4 giờ). Ngược lại, không thấy sự gia tăng đáng kể nào về tỷ lệ mắc ung thư vú ở những phụ nữ béo phì hoạt động thể chất ở bất kỳ thời gian ngồi nào.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ sau mãn kinh phải đối mặt với nguy cơ tăng cao nhất do ngồi nhiều. Đây là một phát hiện quan trọng vì hơn 40% bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán sau 65 tuổi.
2. Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư vú
Hoạt động thể chất thường xuyên là một trong những yếu tố lối sống quan trọng nhất giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ, cả trước và sau mãn kinh.
Nghiên cứu cho thấy, sự mất cân bằng nồng độ hormone sinh dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các bằng chứng hiện có cho thấy việc giảm nồng độ hormone sinh dục thông qua hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, tăng khả năng miễn dịch chống ung thư và cải thiện tiên lượng ung thư.
Hành vi ít vận động cũng được biết là làm tăng nồng độ hormone do béo phì, kháng insulin và viêm toàn thân, tất cả những yếu tố này có thể góp phần gây ra ung thư vú.
Một phát hiện đáng chú ý khác của nghiên cứu là tác động có lợi của hoạt động thể chất trong việc giảm thiểu mối liên quan bất lợi của thời gian ngồi lâu với tỷ lệ mắc ung thư vú.
Hoạt động thể chất thường xuyên mang lại nhiều lợi ích sinh lý, bao gồm giảm mô mỡ nội tạng, điều hòa nồng độ hormone sinh dục và chuyển hóa, giảm viêm và cải thiện độ nhạy insulin. Những lợi ích này kết hợp lại có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư vú và cải thiện tiên lượng bệnh.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.
Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất có thể được coi là một phương pháp đầy hứa hẹn giúp giảm tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ béo phì, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi và sau mãn kinh. Ở những nhóm dân số có nguy cơ cao này, các nhà nghiên cứu khuyến nghị nên ưu tiên giảm thời gian ngồi xuống dưới 4 giờ mỗi ngày và tăng cường hoạt động thể chất để chống lại sự mất cân bằng chuyển hóa và nội tiết tố.
Thừa cân hoặc béo phì đã được Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ xếp vào danh sách các yếu tố nguy cơ ung thư vú liên quan đến lối sống ở phụ nữ sau mãn kinh. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, phụ nữ nên duy trì cân nặng khỏe mạnh trong suốt cuộc đời và tránh tăng cân quá mức bằng cách cân bằng lượng thức ăn, đồ uống nạp vào với hoạt động thể chất.
Theo tổ chức này, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh, ngay cả chỉ vài giờ mỗi tuần cũng có thể hữu ích. Người ta vẫn chưa rõ chính xác hoạt động thể chất giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú như thế nào nhưng có thể là do tác động của nó đến cân nặng, tình trạng viêm và mức độ hormone.
Đức Minh