Ngòi nổ mới cho căng thẳng Ấn Độ-Pakistan

Ngòi nổ mới cho căng thẳng Ấn Độ-Pakistan
8 giờ trướcBài gốc
Trạm kiểm soát Wagah giữa Ấn Độ và Pakistan bị phong tỏa vào 25/4 như một biện pháp trả đũa từ New Delhi. (Nguồn: AFP)
Đây được coi là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhiều năm qua tại khu vực. Theo truyền thông địa phương, bốn tay súng đã giả danh lực lượng kiểm tra rồi nổ súng vào khách du lịch. Những kẻ tấn công sử dụng súng AK-47 và còn gắn camera để ghi lại vụ việc.
Ngay sau vụ việc, nhóm “Kháng chiến Kashmir”, được cho là chi nhánh của tổ chức Lashkar-e-Taiba (LeT) có trụ sở tại Pakistan đã nhận trách nhiệm. Nhóm này tuyên bố mục đích tấn công là phản đối làn sóng hơn 85.000 người từ các bang khác của Ấn Độ đã được cấp quyền cư trú tại Jammu và Kashmir trong hai năm qua – mà họ gọi là "âm mưu thay đổi nhân khẩu học và xói mòn bản sắc văn hóa".
Ngay sau khi nhận thông tin vụ việc, Thủ tướng Narendra Modi đã rút ngắn chuyến công du Saudi Arabia, về nước khẩn cấp để trực tiếp chỉ đạo xử lý khủng hoảng. Ông lên án mạnh mẽ hành động khủng bố và cam kết đưa những kẻ gây án ra trước công lý. Lực lượng an ninh Ấn Độ ngay lập tức mở chiến dịch truy quét quy mô lớn. Hình ảnh ba nghi phạm chính, trong đó có hai người địa phương đã được công bố. Chủ mưu được xác định là Saifullah Kasuri, biệt danh Khalid, một thủ lĩnh cấp cao của LeT.
Một ngày sau vụ tấn công khủng bố, Ấn Độ đã có một loạt động thái cứng rắn với nước láng giềng Pakistan. Tất cả cố vấn quốc phòng trong phái bộ Pakistan tại New Delhi bị buộc phải rời khỏi Ấn Độ trong vòng một tuần. Ấn Độ cũng sẽ rút các cố vấn quốc phòng của mình tại Pakistan và giảm quy mô nhân viên tại phái bộ tại Islamabad từ 55 xuống còn 30 người. New Delhi ngay lập tức đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn được ký từ năm 1960 - vốn được coi là biểu tượng hợp tác hiếm hoi giữa hai nước; đóng cửa các tuyến giao thương chủ chốt; hủy toàn bộ thị thực SAARC đã cấp cho công dân Pakistan, buộc phải rời khỏi Ấn Độ trong 48 tiếng...
Cộng đồng quốc tế cũng nhanh chóng bày tỏ lập trường. Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga, Mỹ... đều lên án hành vi khủng bố và bày tỏ chia buồn sâu sắc với các nạn nhân.
Từ phía Pakistan, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã triệu tập Ủy ban An ninh quốc gia họp khẩn trong ngày 24/4. Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Pakistan, tại cuộc họp, nước này đã quyết định đóng cửa biên giới, hủy bỏ hoạt động thương mại và đóng cửa không phận đối với hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành, phản đối việc New Delhi đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn. Ngoài ra, các tùy viên quốc phòng, hải quân và không quân của Ấn Độ tại thủ đô Islamabad là những người không được hoan nghênh và được yêu cầu rời khỏi Pakistan ngay lập tức.
Cuộc tấn công một lần nữa khơi lại vết thương lịch sử giữa Ấn Độ và Pakistan. Đặc biệt, kể từ năm 2019, khi Ấn Độ bãi bỏ Điều 370 Hiến pháp thu lại quyền tự trị đặc biệt của Jammu và Kashmir, khu vực này liên tục chứng kiến các cuộc tấn công khủng bố, biểu tình và hành động quân sự, càng gây "tổn thương" quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á. Loạt động thái trả đũa khiến nguy cơ đứt gãy toàn diện các kênh ngoại giao giữa Islamabad và New Delhi ngày càng hiện hữu. Cơ hội ngăn chặn xung đột quy mô lớn trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Vụ tấn công là lời cảnh báo rõ ràng rằng các xung đột cũ nếu không được giải quyết một cách căn cơ bằng đối thoại và hợp tác khu vực thì bạo lực sẽ còn tiếp diễn. Với vai trò của các tổ chức khu vực như SAARC, SCO hay cộng đồng quốc tế, việc khuyến khích hai bên quay lại bàn đàm phán, đồng thời gia tăng áp lực lên các tổ chức hậu thuẫn khủng bố là điều cần thiết và cấp bách lúc này .
Nhất Phong
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/ngoi-no-moi-cho-cang-thang-an-do-pakistan-312319.html