Ngày 16/7, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cho biết, các bác sĩ khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho hai bệnh nhi là anh em ruột (một bé 7 tuổi, một bé 11 tháng tuổi, ở Hoa Lư, Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng nghi ngờ ngộ độc khí sau khi ngồi lâu trong ô tô đang di chuyển.
Khai thác tiền sử được biết, gia đình 2 bé đi chơi trên xe ô tô của người thân điều khiển, di chuyển về hướng Hà Nam cũ. Sau khi di chuyển khoảng 1 giờ, cả 2 bé đều có dấu hiệu bất thường.
Bé lớn biểu hiện co giật, mắt trợn, tay chân co cứng và mất ý thức; trong khi bé 11 tháng tuổi cũng xuất hiện biểu hiện lơ mơ, mắt trợn ngược, co cứng tay. Bố mẹ của 2 bé cũng có biểu hiện tương tự, choáng váng, đau đầu nhẹ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC.
Ngay sau đó, cả hai trẻ được đưa tới Bệnh viện Đa Khoa Hà Nam sơ cứu, khi 2 bé tạm ổn định, gia đình xin chuyển tuyến về Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình điều trị tiếp.
Tại đây, 2 bệnh nhi được chẩn đoán: Theo dõi viêm phổi hít/ngộ độc khí thải ô tô và xử trí: thở oxy, truyền dịch, kháng sinh, theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. Sau thời gian điều trị, 2 bệnh nhi đã hồi phục tốt và đã được xuất viện.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, trường hợp trên là lời cảnh báo về nguy cơ ngộ độc khí trong ô tô – đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Không khí trong xe khi đóng kín dễ bị tích tụ khí CO (carbon monoxide), Hydrocacbon (HC), Oxit nitơ (NOx), và một số chất hữu cơ dễ bay hơi như Benzen, Formaldehyde hoặc giảm Oxy nghiêm trọng, gây tổn thương não, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Tuyệt đối không để trẻ nhỏ ngồi chơi trong xe ô tô đỗ, dù chỉ trong thời gian ngắn; cần mở cửa, hạ kính xe để đảm bảo lưu thông không khí nếu phải ngồi lâu. Cùng với đó, bảo dưỡng ô tô định kỳ, không nên sử dụng các loại ô tô, xe điện đã quá cũ, không đảm bảo an toàn.
Cách xử trí khi nghi ngờ trẻ bị ngạt khí:
- Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi khu vực nguy hiểm.
- Đảm bảo đường thở thông thoáng.
- Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
- Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc dùng mẹo dân gian.
N.Mai