Ngôi trường mang tên nữ Anh hùng Mai Thị Non

Ngôi trường mang tên nữ Anh hùng Mai Thị Non
7 giờ trướcBài gốc
Khi còn rất trẻ, chị Mai Thị Non đã một mình đối diện với kẻ thù, sẵn sàng hy sinh để thực hiện nhiệm vụ được giao, là một trong những biểu tượng sáng ngời về truyền thống của quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Nữ Anh hùng Mai Thị Non hy sinh khi mới 18 tuổi
Một giờ lên lớp tại trường Tiểu học Mai Thị Non.
Phòng truyền thống trường Tiểu học Mai Thị Non (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) lưu giữ đầy những giải thưởng thi đua về văn hóa, thể dục thể thao và những khung ảnh về Bác Hồ, về quá khứ hào hùng của cha anh, về những nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai… Đặc biệt trong đó có tiểu sử, hình ảnh về chị Mai Thị Non.
Liệt sỹ Mai Thị Non sinh năm 1951, quê quán xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong một gia đình nông dân nghèo giàu truyền thống cách mạng. Cha chị là ông Mai Văn Đọt, mẹ là bà Lê Thị Tươi; 13 tuổi, Mai Thị Non tham gia làm công tác giao liên cho lực lượng An ninh. Huyện Bến Lức là địa bàn hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía Tây Nam thủ phủ Sài Gòn của địch, là hành lang giao thông quan trọng của cách mạng. Vì thế Mỹ ngụy thiết lập ở đây một hệ thống đồn bốt dày đặc, bố trí mạng lưới tình báo, gián điệp, cảnh sát, mật vụ đông đúc nhằm đánh phá cách mạng bảo vệ cửa vào Sài Gòn.
Để che mắt địch, hàng ngày vừa đi học, Mai Thị Non vừa làm liên lạc chuyển tài liệu, công văn cho cơ sở cách mạng ở thị trấn Bến Lức. Đồng thời,chị theo dõi tình hình, thu thập tin tức, nắm các hoạt động của bọn tề ấp, tề xã, các đồn bốt giúp cấp trên có biện pháp đánh địch hiệu quả và bảo vệ an toàn các cơ sở cách mạng.
Đầu tháng 6/1969, Mai Thị Non nắm bắt tình hình biết sẽ có một cuộc họp quan trọng ở Chi cảnh sát huyện. Trong cuộc họp đó sẽ có nhiều tên đầu sỏ quận, xã và cố vấn Mỹ về dự. Chi cảnh sát này là một dinh lũy kiên cố của kẻ thù được phòng thủ chặt chẽ và đóng ở vị trí xung yếu trong huyện Bến Lức, án ngữ hành lang chuyển quân tiếp tế quan trọng của ta. Nhiều lần ta đánh nơi này nhưng chưa hiệu quả. Cuộc họp này là cơ hội tốt để tổ chức đánh Chi cảnh sát và diệt nhiều tên đầu sỏ, ác ôn của địch.
Ngày 15/6/1969, Mai Thị Non với bộ đồ nữ sinh và chiếc cặp học trò đi về hướng Chi cảnh sát. Chị bình tĩnh đến gặp tên lính gác xin vào gặp Văn phòng Chi cảnh sát có việc quan trọng cần báo gấp. Tên lính gác không dám quyết định cho chị vào do có chỉ đạo của cấp trên là không cho ai ra vào ngày hôm đó vì có nhiều nhân vật quan trọng đang dự họp. Tên lính cản trở làm mất thời gian, mìn đã đến giờ hẹn nổ không thể chậm trễ. Chị quyết định hành động táo bạo, sẵn sàng hy sinh, nhất định không để mất cơ hội diệt địch.
Lợi dụng sơ hở của tên lính gác, Mai Thị Non lao nhanh qua cổng chạy thẳng về phía phòng họp. Gần đến nơi thì mìn nổ làm sập một căn phòng, làm 4 tên cảnh sát chết, 2 tên Mỹ bị thương, số còn lại hoảng sợ, nhốn nháo, xô đẩy nhau chạy trốn. Đồng chí Mai Thị Non bị thương nặng và bị bắt. Địch tra khảo nhưng đồng chí kiên quyết không khai báo và đã anh dũng hy sinh vào trưa cùng ngày.
Tuy không thực hiện được trọn vẹn kế hoạch tiêu diệt bọn đầu sỏ và cố vấn Mỹ, nhưng trận đánh của đồng chí Mai Thị Non là đòn đánh vào tận hang ổ kẻ thù, gây tiếng vang lớn khắp chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Tấm gương anh dũng hy sinh của đồng chí Mai Thị Non đã được nhân dân địa phương trân trọng ghi nhận. Năm 1995, Liệt sỹ Mai Thị Non được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thúy Hằng và học sinh lớp Một - 1 của mình bên tượng đài Anh hùng Mai Thị Non trong khuôn viên nhà trường.
Nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh, nhà trường thường kể chuyện về tiểu sử chị Mai Thị Non, về tấm gương đạo đức Bác Hồ trong những buổi sinh hoạt dưới cờ, cho các em đọc và tìm hiểu thông tin, hình ảnh trong phòng truyền thống… Từ đó, lớp lớp học sinh lớn lên từ ngôi trường này, hiểu được những khó khăn, mất mát, đau thương mà các anh, chị, cô, chú đi trước đã cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc.
Em Phạm Minh Thiện, lớp 5/4, trường Tiểu học Mai Thị Non cho hay: Con thích đọc và tìm hiểu kiến thức các lĩnh vực trong đời sống, trong đó có những kiến thức lịch sử. Con được học ở ngôi trường này từ lớp 1 đến nay, con được nghe kể về sự hy sinh anh dũng của chị Mai Thị Non. Đọc tiểu sử về chị, con mường tượng được lòng dũng cảm của chị khi ôm mìn trong cặp để đi giết giặc; khi chị anh dũng quyết định trong giây lát, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì kế hoạch không được thực hiện đúng giờ.
Giữ vững truyền thống
Thành lập năm 1950, trải qua nhiều tên gọi với các cấp học khác nhau, từ năm 1994 đến nay, trường có tên là Tiểu học Mai Thị Non. Hiện, nhà trường có cơ sở khang trang trên tổng diện tích khuôn viên hiện nay là hơn 13.000 m2.
Năm 2005, Trường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 1995 - 2004, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Năm 2013, Trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2007-2008 đến năm học 2011 - 2012, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Hiện, Nhà trường có 2 Nhà giáo ưu tú và nhiều cá nhân đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thúy Hằng luôn nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.
Chị Trần Thị Thúy Hằng, sinh năm 1980, được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021. Tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học, đến nay chị đã gắn bó với nghề 22 năm. Sẵn tình yêu nghề, chị xác định đã làm là phải làm tốt công việc mình đã chọn. Trong công việc, chị Thúy Hằng luôn ý thức trách nhiệm của mình, cố gắng hoàn thành công việc theo đúng thời gian quy định, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung; mẫu mực trong lao động sư phạm, say mê gắn bó với nghề nghiệp; đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giáo án và giảng dạy học sinh…
Trong quá trình dạy học, chị đã có nhiều sáng kiến đạt giải cấp huyện, rồi cấp tỉnh như: Một số phương pháp dạy phân môn Luyện từ và câu lớp 2; giúp học sinh lớp 4 học tốt môn Toán bằng phần mềm; khai thác phần mềm học toán giúp học sinh lớp 4 học tốt môn Toán… Các sáng kiến trên được triển khai, áp dụng có hiệu quả trong tập thể sư phạm được hưởng ứng cao và nhân rộng trong huyện, tỉnh vì thể hiện được tính khoa học, tính thực tiễn và mang lại tính hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Sau 18 năm miệt mài với nghề giáo, chị được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020, rồi được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021.
“Được giảng dạy dưới ngôi trường mang tên Anh hùng Mai Thị Non khiến tôi tự hào, từ đó càng tự nhủ luôn nỗ lực hết mình, làm tốt công việc mình đã chọn”, chị Trần Thị Thúy Hằng nói.
Trường Tiểu học Mai Thị Non hiện có 44 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Tỉ lệ là 1,3 giáo viên trên lớp. Tổng số học sinh toàn trường 1.042 em/30 lớp; bình quân mỗi lớp có 34,7 em. Số phòng được bố trí để học sinh học trên lớp là 31 phòng; có đủ số phòng chức năng để đáp ứng được yêu cầu hoạt động chuyên môn của trường gồm 9 phòng.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Mai Thị Non Hồ Đắc Trung cho biết, Nhà trường có nhiều thuận lợi là được các cấp các ngành quan tâm, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ phục vụ tốt cho nhu cầu dạy và học, giáo dục toàn diện cho học sinh. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình năng nổ, đoàn kết giúp đỡ nhau, có tinh thần trách nhiệm cao và năng lực giảng dạy tốt. Học sinh ngoan, lễ phép, ham học hỏi và có tinh thần thi đua tốt học tập tốt. Tuy nhiên, khó khăn của trường hiện là còn thiếu giáo viên, số học sinh trên lớp vượt hơn số học sinh quy định do huyện là địa phương có nhiều khu - cụm công nghiệp, áp lực số dân nhập cư trên địa bàn ngày càng nhiều.
Tự hào và tiếp nối truyền thống, tinh thần bất khuất của cha anh, đặc biệt là nữ anh hùng mà ngôi trường mang tên, những năm qua tập thể Nhà trường luôn nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà trường quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, điều chỉnh nội dung, thời lượng dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lí, phát triển năng lực học sinh qua một một số bài học, môn học; dạy học theo đối tượng học sinh. Nhà trường cũng phối hợp nhiều phương pháp dạy học hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, 100% giáo viên thực hiện soạn bài bằng máy tính và thường xuyên sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy.
Về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng cường nguồn lực đầu tư, Nhà trường công khai thu, chi tài chính rõ ràng; thực hiện các khoản thu đúng quy định cho phép, không vi phạm lạm thu.
Tin, ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/giao-duc/ngoi-truong-mang-ten-nu-anh-hung-mai-thi-non-20241020191751068.htm