Nghiên cứu được công bố tại Hội nghị Thiên văn học quốc gia Anh (NAM) 2025, tổ chức bởi Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia tại Đại học Durham (Anh), như một lời nhắc nhở rằng thế giới công nghệ cao của loài người không thực sự “vô hình” giữa vũ trụ mênh mông.
Theo Space, nhóm nghiên cứu từ Đại học Manchester (Anh) cho rằng chính những "rò rỉ điện từ" từ Trái đất này có thể là dấu hiệu vô tình phát ra cho thấy sự tồn tại của một nền văn minh công nghệ cao. Và không chỉ chúng ta, mà bất kỳ hành tinh nào có công nghệ radar tương tự cũng có thể đang phát đi thông điệp ngầm tương tự: “Chúng tôi ở đây!”.
Radar sân bay vô tình phát tín hiệu ra vũ trụ, có thể bị người ngoài hành tinh phát hiện nếu họ có công nghệ đủ mạnh - Ảnh: Space
Dấu hiệu vô tình của sự sống thông minh
Dưới sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu Ramiro Caisse Saide, nhóm đã mô phỏng cách tín hiệu radar phát ra từ các trung tâm hàng không lớn như sân bay quốc tế O’Hare (Chicago, Mỹ), sân bay JFK (New York, Mỹ) hay sân bay Heathrow (London, Anh) lan tỏa vào không gian.
Các radar sân bay liên tục quét bầu trời để phát hiện và theo dõi máy bay, nhưng chính những tín hiệu đó dù không có chủ đích, lại phát tán thành sóng vô tuyến đủ mạnh để có thể được phát hiện ở khoảng cách lên tới 200 năm ánh sáng, nếu người quan sát sở hữu kính viễn vọng vô tuyến hiện đại tương đương với kính viễn vọng Green Bank tại Tây Virginia (Mỹ).
“Tín hiệu radar, đặc biệt từ hệ thống quân sự, có thể rõ ràng là nhân tạo nếu được quan sát từ không gian liên sao. Chúng có thể mạnh hơn tới một trăm lần so với tín hiệu dân sự từ những điểm quan sát nhất định trong vũ trụ”, nhà khoa học Caisse Saide nhận định.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào khả năng phát hiện tín hiệu từ các hệ sao gần Trái đất, đặc biệt là Proxima Centauri b, hành tinh được xem là có khả năng sinh sống cao nhất gần Trái đất, chỉ cách khoảng 4 năm ánh sáng. Ngoài ra, các sao như Barnard (cách 5,96 năm ánh sáng) hay AU Microscopii (cách hơn 31 năm ánh sáng) cũng được đưa vào phân tích.
Minh họa một hành tinh quay quanh sao Barnard, cách Trái đất khoảng 6 năm ánh sáng - Ảnh: Đài quan sát Gemini quốc tế
Nếu các hành tinh quay quanh những ngôi sao này có sự sống thông minh và kính viễn vọng vô tuyến đủ nhạy, họ hoàn toàn có thể phát hiện ra sự hiện diện của Trái đất thông qua các tín hiệu điện từ mà con người phát ra trong quá trình vận hành công nghệ hàng không.
Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vật lý giữa các nền văn minh vẫn là một thách thức khổng lồ. Ngay cả khi Proxima Centauri b có sự sống thông minh, với công nghệ hiện tại, phải mất hàng nghìn năm để một con tàu vũ trụ có thể đi từ đó đến Trái đất và ngược lại.
Hai chiều tín hiệu
Điểm quan trọng của nghiên cứu không chỉ nằm ở việc Trái đất có thể bị phát hiện, mà còn ở khả năng con người có thể phát hiện ra các nền văn minh khác bằng cách tìm kiếm những tín hiệu tương tự. Điều này mở rộng phương pháp tiếp cận trong cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh: không chỉ là các thông điệp có chủ ý (như trong chương trình SETI), mà còn là các tín hiệu vô tình bị rò rỉ từ các công nghệ vốn được sử dụng mỗi ngày.
“Tín hiệu radar có thể là dấu hiệu phổ quát cho sự tồn tại của sự sống thông minh. Chúng không phải là lời chào, nhưng chúng tiết lộ sự hiện diện của một nền văn minh đang hoạt động công nghệ”, bà Caisse Saide nhấn mạnh.
Không dừng lại ở viễn cảnh người ngoài hành tinh, nghiên cứu còn có ý nghĩa thực tiễn. Theo giáo sư Michael Garrett, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, việc hiểu cách tín hiệu của con người lan ra không gian giúp cải thiện thiết kế các hệ thống radar trong tương lai, bảo vệ phổ vô tuyến và tránh gây nhiễu cho các thiết bị khác.
Ngoài ra, các công cụ và mô hình được phát triển trong nghiên cứu này còn có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiên văn học vô tuyến để xác định và phân loại tín hiệu yếu từ không gian, phòng thủ hành tinh nhằm theo dõi các vật thể nguy hiểm gần Trái đất, và quản lý không gian để đo lường tác động của công nghệ nhân loại lên môi trường vũ trụ. Nói cách khác, Trái đất đang dần trở thành một “ngọn đèn hải đăng” phát sáng giữa vũ trụ mà chúng ta cần hiểu rõ và kiểm soát tốt hơn.
Hoàng Vũ