Theo Livescience, vào các ngày 9.7, 22.7 và 5.8.2025, Mặt trăng ở gần hơn và làm tăng tốc độ quay của Trái đất, khiến mỗi ngày ngắn hơn bình thường từ 1,3 - 1,51 mili-giây. Mỗi mili-giây bằng một phần nghìn giây.
Mặc dù lý do chính xác vẫn còn là một bí ẩn song các nhà khoa học tin rằng có thể có một số yếu tố khiến Trái đất quay nhanh hơn bao gồm những thay đổi trong khí quyển, sự tan chảy của các sông băng, chuyển động trong lõi Trái đất và từ trường yếu đi.
Thông thường, Trái đất mất 24 giờ, hoặc chính xác là 86.400 giây, để hoàn thành một vòng quay trọn vẹn, được gọi là một ngày Mặt trời.
Ngày ngắn nhất được ghi nhận cho đến nay là một năm trước, vào ngày 5.7.2024, khi Trái đất quay nhanh hơn 1,66 mili-giây so với 24 giờ tiêu chuẩn.
Vòng quay của Trái đất chưa bao giờ hoàn hảo, vì nó thay đổi rất nhỏ theo thời gian, có lúc nhanh hơn hoặc chậm hơn vài mili-giây.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, các nhà khoa học không bắt đầu ghi chép chính xác những thay đổi này cho đến những năm 1970.
Trước khi Trái đất quay nhanh hơn, hành tinh này thực ra đang chậm lại do lực hấp dẫn của Mặt trăng, khiến ngày của chúng ta kéo dài theo chu kỳ 24 giờ như chúng ta đang sống ở thời hiện đại.
Nhà khoa học về địa chất Stephen Meyers, Giáo sư tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) phát hiện ra rằng khi Mặt trăng di chuyển ra xa hơn, tác động hấp dẫn thay đổi của nó lên Trái đất sẽ chậm lại, khiến ngày dài hơn.
Meyers dự đoán rằng một ngày trên hành tinh của chúng ta cuối cùng có thể dài tới 25 giờ, nhưng lưu ý rằng điều này sẽ mất khoảng 200 triệu năm.
Về lý do tại sao Trái đất quay nhanh hơn kể từ năm 2020, các lực tự nhiên như biến đổi khí hậu có thể đóng vai trò trong quá trình quay của hành tinh này.
Các kiểu thời tiết như El Nino và tình trạng tan chảy nhanh của các sông băng vào mùa hè có thể thực sự khiến hành tinh này mất cân bằng ở một mức độ nhỏ.
Một lý do khác cho sự thay đổi đột ngột này có thể là sự dịch chuyển các lớp nóng chảy trong lõi. Trái đất không phải là rắn hoàn toàn. Lõi của nó được tạo thành từ kim loại lỏng nóng chảy. Khi kim loại nóng chảy di chuyển, nó có thể thay đổi hình dạng và sự cân bằng của hành tinh.
Các nhà khoa học đang xem xét tất cả những yếu tố này cùng nhau, quỹ đạo của Mặt trăng, hoạt động của lõi, dòng chảy đại dương và mô hình gió, để tìm ra điều gì đang xảy ra.
Hiện nay, hệ thống đồng hồ chuẩn quốc tế UTC (Coordinated Universal Time) đang được đồng bộ thông qua các điều chỉnh gọi là "giây nhuận", thường được thêm vào khi Trái đất quay chậm lại. Tuy nhiên, nếu hiện tượng Trái đất quay nhanh tiếp diễn, lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới có thể phải thực hiện một điều chỉnh chưa từng có: rút bớt một giây khỏi đồng hồ, gọi là "giây nhuận âm".
Việc điều chỉnh giây nhuận âm có thể gây ra xáo trộn trong hàng loạt hệ thống công nghệ toàn cầu, vốn phụ thuộc vào đồng bộ hóa thời gian tuyệt đối, đặc biệt là: hệ thống GPS định vị toàn cầu, mạng viễn thông và hạ tầng internet, thị trường tài chính và giao dịch tự động, ứng dụng điều hướng và điện thoại thông minh.
Đan Thùy